Đào tạo nghề gắn với việc làm

02:11, 12/11/2021

Dịch COVID-19 đã khiến các công tác tư vấn giới thiệu việc làm, tạo việc làm mới, xuất khẩu lao động, trong đó có đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT)... gặp nhiều khó khăn.

(VLO) Dịch COVID-19 đã khiến các công tác tư vấn giới thiệu việc làm, tạo việc làm mới, xuất khẩu lao động, trong đó có đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT)... gặp nhiều khó khăn.

Đối với nghề nông thôn, cơ quan chức năng và các địa phương luôn nỗ lực để gia tăng “bao phủ” lao động học nghề, gắn với tự tạo việc làm, giải quyết việc làm.

Một lớp dạy nghề pha chế thức uống (trước thời điểm dịch COVID-19).
Một lớp dạy nghề pha chế thức uống (trước thời điểm dịch COVID-19).

Chị Thanh Huyền (hơn 40 tuổi) vào đầu tháng 4/2021 sau khi nghỉ việc ở công ty vận tải đã đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long và được tư vấn học nghề.

Chị học nghề pha chế đồ uống tại Cơ sở đào tạo nghề Cuộc sống mới (Phường 8, TP Vĩnh Long). Chị Huyền cho biết học để trang bị tay nghề cho mình và có điều kiện “sẽ mở quán bán thức uống”.

Mới đây ngày 24/10, cơ sở tiếp tục khai giảng lớp đào tạo nghề kỹ thuật pha chế đồ uống cho 21 học viên. Để đảm bảo phòng chống dịch COVID-19, cơ sở dạy học lý thuyết trực tuyến và các học viên sẽ học thực hành trực tiếp trong điều kiện phù hợp.

Bà Liêu Kim Thủy- đại diện Cơ sở đào tạo nghề Cuộc sống mới thuộc Công ty Truyền thông và đào tạo Cuộc sống mới chi nhánh Vĩnh Long- cho biết đơn vị phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn và tổ chức dạy nghề: pha chế đồ uống, chế biến món ăn, trang điểm thẩm mỹ, may công nghiệp... cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp, LĐNT. “Rất nhiều người lao động có nhu cầu học và làm nghề”- bà Kim Thủy chia sẻ.

Tương tự, Trung tâm Dạy nghề pha chế Khởi Nguyên Barista (Công ty TNHH Thực phẩm Khởi Nguyên, Phường 1, TP Vĩnh Long) mở khóa dạy nghề pha chế thức uống không cồn như: cà phê, trà sữa, sinh tố, nước ép, yogurt,... thu hút gần 10 học viên là lao động tự do, lao động đang làm nghề pha chế thức uống, chủ cơ sở kinh doanh pha chế.

Theo đại diện trung tâm, nhu cầu lao động tự do tìm việc, lao động học nghề để làm quán phục vụ thức uống, mở cơ sở pha chế nhiều. Khóa học tạo điều kiện để lực lượng này được trang bị kiến thức pha chế, tìm việc làm và làm nghề.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Vĩnh Long Lê Thị Huế Nhi, các công ty, doanh nghiệp tuyển dụng với đòi hỏi người lao động có chứng chỉ chuyên môn.

Đồng thời, người lao động cũng cần có kiến thức cơ bản để tự tạo việc làm và làm nghề. Quan trọng là việc trang bị các nghề này sẽ tạo điều kiện để người lao động chuyển đổi ngành nghề phù hợp với nhu cầu của mình.

Tháng 10/2021, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã khai giảng 5 lớp dạy nghề cho LĐNT 70 học viên. Tổng cộng đầu năm đến nay, trung tâm đã tổ chức được 14 lớp đào tạo nghề cho khoảng 200 lao động (5 lớp cộng đồng, 9 lớp đào tạo nghề cho LĐNT).

Đặc biệt trong đó đã liên kết tổ chức 3 lớp may công nghiệp cho lao động theo đặt hàng của doanh nghiệp.

Giai đoạn 2014-2020, toàn tỉnh tổ chức 2.339 lớp đào tạo nghề cho hơn 64.400 LĐNT; trong đó đào tạo nghề phi nông nghiệp cho trên 53.800 người để giúp chuyển đổi nghề (83,59%), đào tạo nghề nông nghiệp cho trên 10.500 người để phát triển sản xuất nông nghiệp tại địa phương (16,41%).

Đầu năm nay, kế hoạch đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho LĐNT trên địa bàn tỉnh từ nguồn ngân sách tỉnh năm 2021, được UBND tỉnh phê duyệt và giao Sở Lao động- Thương binh và Xã hội và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai.

Theo đó đào tạo nghề cho 1.570 LĐNT (trong độ tuổi lao động, từ đủ 15 tuổi đến 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ).

Cụ thể đào tạo trình độ sơ cấp các nghề: xây dựng dân dụng, chăm sóc sức khỏe, chăm sóc trẻ, hàn, điện dân dụng, điện lạnh; đào tạo dưới 3 tháng các nghề: may công nghiệp, nghiệp vụ lễ tân, nghiệp vụ nhà hàng, kỹ thuật pha chế đồ uống, tiểu thủ công nghiệp, chăm sóc cây kiểng, du lịch cộng đồng.

Mới đây, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt Đề án hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025. Đây là các cơ sở để triển khai đào tạo nghề cho người lao động trong đó có LĐNT, gắn với công tác tư vấn giới thiệu việc làm, tự tạo việc làm và làm nghề, góp phần cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống.

Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh