Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) là chính sách triển khai xuyên suốt những năm qua, góp phần trang bị tay nghề, giúp tự tạo việc làm và giới thiệu việc làm cho người LĐNT.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) là chính sách triển khai xuyên suốt những năm qua, góp phần trang bị tay nghề, giúp tự tạo việc làm và giới thiệu việc làm cho người LĐNT.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lúc chưa giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19. |
Theo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Vĩnh Long, sau thời gian giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19, các lớp đào tạo nghề cho LĐNT được mở lại tại các địa bàn. Những lớp nghề nông thôn mở lại đầu tiên vào giữa tháng 10, gồm: 1 lớp xây dựng dân dụng (tại xã Phú Thành, Trà Ôn), 2 lớp điện dân dụng (ở xã Tân Mỹ), tổng cộng 54 học viên (18 học viên/lớp).
Đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long (trực thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội) phối hợp với các xã tổ chức được 14 lớp đào tạo nghề cho gần 200 LĐNT (5 lớp cộng đồng, 9 lớp cho LĐNT) với các nghề: may công nghiệp, hàn, điện dân dụng, xây dựng dân dụng. Trong đó riêng tháng 10 đã khai giảng 5 lớp với 70 học viên.
Đáng chú ý trong đó, trung tâm đã liên kết với một số công ty may trên địa bàn mở 3 lớp đào tạo nghề may, nhằm nâng cao tay nghề cho người lao động tại doanh nghiệp (đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp). Với lớp nghề xây dựng dân dụng, nguyên vật liệu của lớp học sẽ được tận dụng để xây nhà cho hộ nghèo tại địa phương.
Trước các thời điểm giãn cách xã hội phòng dịch COVID-19, một số đơn vị chức năng cũng đã đưa nghề về cho chị em phụ nữ ở nông thôn. Hồi giữa tháng 6/2021, Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Long (trực thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội) đem nghề đan đát về xã Mỹ Lộc (Tam Bình).
Chị Kim Thảo ngụ Ấp 8, tham gia lớp học nghề thông qua Hội Phụ nữ xã Mỹ Lộc. Chị kể trước có đan dây nhựa tròn gia công, giờ học đan khung với dây nhựa nên cũng dễ. “Dịch COVID-19, tôi nghỉ việc và quay lại với nghề đan đát này và cùng ông xã lo miếng ruộng để đảm đương cuộc sống”- chị nói.
Tương tự, nhiều chị em phụ nữ (ngụ cùng ấp) lo nội trợ ở nhà cũng tham gia việc đan đát trên. Các chị em nói đan “long mốt” nhìn sơ qua đã làm được, vừa làm vừa học hỏi thêm chị em có “hoa tay”. Những lớp đan như vậy đã được cơ sở phối hợp với hội đoàn thể các cấp mở ở nhiều xã ở Tam Bình, Trà Ôn cho chị em phụ nữ LĐNT nhàn rỗi vừa học vừa làm tương tự. Đơn hàng sản phẩm được cơ sở nhận và phân bổ về các ấp theo nhu cầu người lao động.
Thông qua các lớp đào tạo nghề sơ cấp, đào tạo thường xuyên cho người LĐNT nói trên, góp phần giúp LĐNT học và có tay nghề, có điều kiện tìm việc làm, nâng cao thu nhập; góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Kế hoạch năm 2021, ngành lao động- thương binh và xã hội tỉnh tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp 34.200 người, trong đó ngoài đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sẽ đào tạo sơ cấp 12.250 người, đào tạo dưới 3 tháng và đào tạo thường xuyên 20.000 người (bao gồm đào tạo nghề cho LĐNT). Thông qua đó góp phần nâng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đến cuối năm nay đạt 57%, trong đó tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 20%.
Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp ở Trung tâm Dịch vụ việc làm, đồng thời được tư vấn học nghề và giới thiệu việc làm mới. |
Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đưa nhiều giải pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ này. Cụ thể tổ chức thông tin tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh với hình thức đa dạng, gắn với tuyên truyền tư vấn việc làm, thông tin thị trường lao động trong và ngoài nước. Tổ chức phối hợp, huy động các cấp ban ngành, đoàn thể, địa phương tham gia thông tin tuyên truyền công tác giáo dục nghề nghiệp và việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, mở rộng, thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị ngoài công lập tham gia hoạt động đào tạo nghề gắn với công tác giải quyết việc làm cho người lao động.
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin