Khi nông dân không có "quyền thương lượng"

10:11, 24/11/2021

Rất nhiều mỹ từ nói về nông dân, về nền nông nghiệp đồng bằng, nhưng thực chất khi mà vị thế người nông dân còn quá… bọt bèo, thì chẳng cầu mong gì "cuộc đời" của hột lúa, cọng rau có thể nâng lên ngang hàng với hột phân, chai thuốc.

Rất nhiều mỹ từ nói về nông dân, về nền nông nghiệp đồng bằng, nhưng thực chất khi mà vị thế người nông dân còn quá… bọt bèo, thì chẳng cầu mong gì “cuộc đời” của hột lúa, cọng rau có thể nâng lên ngang hàng với hột phân, chai thuốc.

Hai Lúa tui nghe nhiều về những câu chuyện “thông minh hóa” đồng ruộng, đưa nền nông nghiệp bước vào thời kỳ “bốn chấm”, những dự án trang trại hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng. Đó là cái lẽ tất nhiên trong xu hướng gia nhập toàn cầu. Nhưng xét cho kỹ mà coi, đó chỉ là dành cho những công ty, những nhà đầu tư lớn mang tính dẫn dắt, còn phần lớn nền nông nghiệp nước ta là thân phận của hàng chục triệu nông dân, là cái đại đa số người tham gia sản xuất vừa, nhỏ và rất nhỏ. Tầm vóc sản xuất ở mức vài ba công ruộng, bốn năm công rẫy chiếm số đông.

Cái sự nhỏ nhoi đó làm cho họ luôn yếu thế và không có sự công bằng ngay trong cái “chuỗi” cung ứng- sản xuất và tiêu thụ. Họ yếu thế ngay trên mảnh ruộng của mình- đã cảm nhận sự hụt hơi rồi. Đừng dùng những mỹ từ “vươn ra biển lớn”. Họ chẳng có “quyền thương lương” với những công ty, tập đoàn cung ứng vật tư nông nghiệp và cũng chẳng có quyền thương lượng với… chị bán rau ngoài chợ. Hễ nhiều rau, thì thương lái họ phán: “Bữa nay xuống giá”, khi nào cần thì họ hối thúc nhổ hẹ, nhổ cải lẹ lẹ, nhiều nhiều lên. Vậy là nông dân mừng húm vì được tăng lên vài ngàn đồng một ký rau, rồi vội vàng “xịt xịt” cho rau tốt, nặng cân, mau nhổ lên đem bán. Một cái vòng lẩn quẩn và bất công đối với người nông dân có trong tay đôi ba công đất.

Trước khi nói đến những nền nông nghiệp hiện đại, thông minh, làm ăn lớn, hãy làm cho những nông dân yếu thế có được thế mạnh từ tập hợp những tổ hợp tác hiệu quả, những hợp tác xã “thực chất”, không chạy theo thành tích nông thôn mới, thành tích báo cáo để rồi nhanh chóng “hợp tan”. Hãy nhìn lại những con số thành lập hợp tác xã và hãy thống kê xem có bao nhiêu hợp tác xã thực chất và hiệu quả?

Những nhà quản lý cần dám nhìn thẳng- nói thật với nhau, chính là cái lòng biết yêu thương nông dân mình. Thật lòng đưa họ có được vị thế “ngồi lên bàn” và có “quyền thương lượng” công bằng mà lẽ ra họ đáng có và phải có.

Lúc đó đời sống của hàng triệu nông dân sống vì ruộng rẫy mới bớt sự phập phồng, bấp bênh.

Hailua@.com

 

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh