Quay trở lại nhịp sống "bình thường mới" là niềm vui cũng là nỗi lo trên tinh thần cảnh giác cao đối với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Người bệnh tâm thần được quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. |
Quay trở lại nhịp sống “bình thường mới” là niềm vui cũng là nỗi lo trên tinh thần cảnh giác cao đối với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Vĩnh Long (trực thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội) từ lúc dịch bệnh bùng phát đến nay căn chỉnh linh hoạt các phương án làm việc phù hợp thực tế. Trên cơ sở nắm bắt nguyện vọng, điều kiện, khó khăn của cán bộ, viên chức, người lao động và tình hình dịch bệnh, Ban Giám đốc trung tâm bàn bạc thống nhất cách thức làm việc đi đôi với tuân thủ nguyên tắc 5K.
Cùng với công tác quản lý, Trung tâm Công tác xã hội bao gồm bộ phận gián tiếp phụ trách thủ tục hành chính và bộ phận trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội. Với bộ phận gián tiếp, trừ lực lượng chủ chốt thay phiên nhau trực, còn lại bố trí nhân lực làm việc tại nhà, thật sự cần thiết mới vào cơ quan. Quán triệt nhân viên hạn chế tiếp xúc, đi lại, liên hệ công việc qua điện thoại, nhóm Zalo. Bộ phận trực tiếp thì làm việc theo kíp trực, được trung tâm bố trí chỗ nghỉ ngơi.
Ông Nguyễn Văn Châu- Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội- cho biết: “Hiện tại, bộ phận gián tiếp làm việc theo ngày hành chính, test nhanh SARS-CoV-2 một lần/tuần. Còn bộ phận trực tiếp theo ca 3 ngày đêm và sau đó đổi ca. Mỗi ca trực khi vào làm việc đều được test nhanh SARS-CoV-2. Trung tâm luôn đảm bảo các biện pháp an toàn phòng chống dịch theo quy định”. Ngày 25/10/2021, trung tâm phối hợp cơ sở y tế tiến hành tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mũi 2 cho các đối tượng bảo trợ xã hội và một số người đã tiêm mũi 1. Trong bối cảnh đó, cơ quan vẫn không chủ quan, luôn nhắc nhở nhau nghiêm túc phòng chống dịch.
Chị Phan Thị Bảo Anh- nhân viên chăm sóc trẻ mồ côi tại trung tâm- chia sẻ: “Lúc này, trẻ chưa đến trường học, chúng tôi ngoài hướng dẫn trẻ học online, làm bài tập, còn dạy trẻ giữ gìn vệ sinh thân thể, quét dọn, sắp xếp phòng ngăn nắp, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng... giúp các em hiểu rõ hơn về tác hại của dịch bệnh để phòng tránh”.
Người bệnh tâm thần luôn mang khẩu trang mỗi khi giặt giũ, rửa chén, làm cỏ trong cơ sở, rất tuân thủ từ khi dịch bệnh bùng phát. Được nhắc nhở thường xuyên nên dù lời nói, hành động còn chậm chạp, đôi khi chưa hiểu rõ nhưng người bệnh vẫn mang khẩu trang mỗi khi bước ra khỏi khu ở và biết nhắc nhau: mang khẩu trang, rửa tay...
Trong đợt dịch vừa qua, Cơ sở Chăm sóc người bệnh tâm thần thuộc Trung tâm Công tác xã hội tiếp nhận thêm 5 đối tượng mới, tất cả đều được cách ly đúng quy định. Tổng số đối tượng hiện là 109 người, nên yêu cầu về quản lý, chăm sóc, dinh dưỡng, sinh hoạt hàng ngày cho họ đặt ra nhiều áp lực và phải đảm bảo các biện pháp phòng dịch COVID-19. Theo trung tâm, từ trước dịch bệnh đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm dành cho đối tượng. Giờ đây, chuyển sang tiếp nhận các phần quà của các nhà hảo tâm ở cổng, đảm bảo sát khuẩn, phòng dịch.
Với phương châm tùy thực tế mà làm việc cùng sự đoàn kết, trung tâm quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội duy trì thực hiện nhiệm vụ trong tình trạng “bình thường mới” và ý thức góp phần cùng cộng đồng phòng chống dịch.
Bài, ảnh: THÁI LINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin