Theo Chi cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình (DS- KHHGĐ) tỉnh, công tác DS- KHHGĐ Vĩnh Long gặp không ít khó khăn và thách thức, đặc biệt mức sinh có xu hướng giảm và tỉnh đang thực hiện nhiều giải pháp để tiến tới mức sinh thay thế trong năm 2030.
Gia đình có đủ hai con để nuôi dạy tốt hơn (ảnh chụp trước dịch). |
Theo Chi cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình (DS- KHHGĐ) tỉnh, công tác DS- KHHGĐ Vĩnh Long gặp không ít khó khăn và thách thức, đặc biệt mức sinh có xu hướng giảm và tỉnh đang thực hiện nhiều giải pháp để tiến tới mức sinh thay thế trong năm 2030.
Một trong những khó khăn hiện tại được Chi cục DS- KHHGĐ tỉnh xác định là mức sinh có xu hướng giảm, già hóa DS diễn ra nhanh, tốc độ tăng tỷ lệ giới tính khi sinh tại một số huyện chưa ổn định, chất lượng DS mặc dù đã được cải thiện vẫn còn ở mức thấp so với mặt bằng chung cả nước.
Mặc dù không ngừng kéo giảm tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh và tăng tỷ lệ sàng lọc trước sinh, sơ sinh nhưng công tác DS của tỉnh vẫn còn gặp khó khăn thách thức, đặc biệt là khó đạt mức sinh thay thế. Vĩnh Long là 1 trong 21 tỉnh thành có mức sinh thấp của cả nước. Với tỷ lệ sinh của mỗi phụ nữ từ năm 2018 là 1,83 giảm còn 1,82 năm 2020. Nhiều phụ nữ “ngại sinh”, sợ ảnh hưởng kinh tế gia đình. Chị Nguyễn Thị Xuân, 30 tuổi, ngụ xã Tường Lộc (Tam Bình) có 1 con và hiện chưa có kế hoạch sinh con thứ hai, chị Xuân cho hay: “Vợ chồng tôi đều là công nhân và là trụ cột gia đình phải nuôi con nhỏ, ba mẹ già. Do vậy, tôi muốn dừng lại một con để nuôi dạy tốt hơn”.
Mức sinh thay thế là mức sinh mà trung bình một phụ nữ trong toàn bộ cuộc đời sinh đẻ của mình. Tổng tỷ suất sinh trong khoảng 2,1 con được coi là mức sinh thay thế. |
Bà Lê Thị Thu Vân- Trưởng Phòng DS- Truyền thông, DS- KHHGĐ cho biết: “Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến tình hình triển khai các hoạt động tuyên truyền”. Để khắc phục khó khăn đó, Chi cục DS- KHHGĐ đã tích cực tham mưu Sở Y tế trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác KHHGĐ thông qua việc ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện.
Trong năm 2021, Chi cục DS- KHHGĐ tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu đạt mức sinh thay thế và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, tiếp tục phấn đấu đạt mức sinh thay thế đảm bảo “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con”. Tăng cường mở rộng và đa dạng hóa các loại hình cung cấp dịch vụ KHHGĐ. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân làm thay đổi nhận thức và hành vi về sinh sản và KHHGĐ tại địa bàn có mức sinh không ổn định, địa bàn trọng điểm.
Là con một trong gia đình nên chị Trần Thị Phương Thảo- thị trấn Tam Bình (Tam Bình) hiểu được khó khăn khi “có một mình”. Lập gia đình được 5 năm, chị Thảo có 2 người con. Chị Thảo cho biết: “Tôi hiểu những khó khăn của những đứa con duy nhất trong gia đình nên sinh đủ hai cháu trước khi 35 tuổi”.
Thông tư do Bộ Y tế ban hành, có hiệu lực từ 10/3/2021 về “Hướng dẫn một số nội dung để địa phương ban hành chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác DS”, tại các tỉnh thuộc vùng mức sinh thấp, căn cứ vào thực tiễn, địa phương lựa chọn, quyết định khen thưởng, hỗ trợ tiền hoặc hiện vật cho phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi... Phụ nữ ở vùng đang có mức sinh thấp nếu sinh đủ 2 con có thể được khen thưởng, hỗ trợ tiền tính bằng mức lương tối thiểu vùng.
Đề xuất này được Bộ Y tế đưa vào dự thảo Đề cương Luật DS, đang lấy ý kiến để trình Chính phủ. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ một lần bằng tiền ít nhất tương đương một lần mức lương tối thiểu vùng khi phụ nữ sinh con thứ nhất; tương đương 2 lần mức lương tối thiểu vùng khi sinh con thứ hai. Trước đây, phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi ở tỉnh có mức sinh thấp được khen thưởng, hỗ trợ tiền hoặc hiện vật. Tuy nhiên, mức hỗ trợ căn cứ vào thực tiễn và quyết định, lựa chọn của địa phương. Ngoài ra, vợ chồng cam kết sinh đủ hai con được Nhà nước hỗ trợ cho con của họ học tại cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học công lập; miễn học phí trung học cơ sở công lập.
Theo Quyết định 588, ngày 28/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030. Mức sinh được chia theo 3 vùng, Vĩnh Long đang nằm trong số các tỉnh, thành phố thuộc vùng 1 gồm 21 địa phương có mức sinh thấp. Điều này gây ảnh hưởng đến quy mô DS, nguồn lực về lao động, làm cơ sở để hoạch định các chính sách phát triển kinh tế- xã hội trong tương lai. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin