Ngoài những tác động xấu thì ở một khía cạnh tích cực hơn, đại dịch COVID-19 đã trở thành chất xúc tác mới đẩy nhanh quá trình chuyển đổi trên mọi lĩnh vực. Và một điểm chung đang chờ đợi chúng ta sau khi chiến thắng đại dịch là một "trạng thái bình thường mới" trong cách thức tổ chức xã hội và trong phương thức làm việc của chúng ta.
Ngoài những tác động xấu thì ở một khía cạnh tích cực hơn, đại dịch COVID-19 đã trở thành chất xúc tác mới đẩy nhanh quá trình chuyển đổi trên mọi lĩnh vực. Và một điểm chung đang chờ đợi chúng ta sau khi chiến thắng đại dịch là một “trạng thái bình thường mới” trong cách thức tổ chức xã hội và trong phương thức làm việc của chúng ta.
Vậy “trạng thái bình thường mới” là gì? Theo TS. Nguyễn Đình Cung- chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, “bình thường mới” hiểu đơn giản là những điều khác với những cái cũ. Có thể là những điểm mà trước đây mọi người cho là bất bình thường thì nó sẽ trở nên bình thường. Hoặc cũng có thể là những điều mà trước đây, chúng ta đang phấn đấu để thực hiện thì nay, điều kiện mới bắt buộc chúng ta phải thực hiện nó nhanh hơn, vì nếu không thực hiện, sẽ không thể tồn tại trong thời đại mới. Đại dịch đã làm thay đổi về cấu trúc xã hội. Thay đổi này giống như một thời kỳ mới, không phải thay đổi nhất thời. “Bình thường mới” không phải cái gì cao xa, mà nó là những gì diễn ra xung quanh, từ chính trị ngoại giao, quốc phòng an ninh, kinh tế- xã hội, y tế, giáo dục, đời sống sản xuất, cách thức tiêu dùng,… làm sao để thích ứng và phát triển. Khi xác định được các yếu tố, chúng ta sẽ có cách ứng phó. Trạng thái bình thường mới sẽ được quyết định bởi những tác động của đại dịch, chứ không phải do lựa chọn hay mong muốn của chúng ta.
Một ý kiến khác cho rằng, phải thích nghi với “trạng thái bình thường mới” có nghĩa là làm quen và chấp nhận những cái mới trong nhịp sống quen thuộc. Từ những bài học qua cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” trong suốt mấy tháng qua giúp cho mỗi người, mỗi cộng đồng nhận rõ những ưu điểm, thế mạnh và cả sức ỳ, khuyết tật trong cơ chế, bộ máy cũng như trong mỗi con người.
Cái mới trong cuộc sống bình thường phải chăng là cách thức tổ chức, quản lý xã hội và phương thức làm việc của mỗi người? Vẫn là xã hội đó, thể chế đó, những con người đó nhưng đã chuyển sang một nhịp sống, một tâm thế khác, đòi hỏi cố gắng làm việc nhiều hơn, trách nhiệm cao hơn, bứt phá về năng suất lao động. Những thái độ, hành vi xấu như quan liêu, tham nhũng, cửa quyền, hách dịch cũng sẽ bị lên án mạnh mẽ, sẽ giảm bớt. Vì đại dịch giúp ta hiểu sâu sắc hơn truyền thống dân tộc, lòng nhân ái của người Việt Nam, tinh thần nhường cơm sẻ áo, sẵn sàng quên mình vì cộng đồng.
Phát biểu kết luận cuộc họp trực tuyến toàn quốc BCĐ Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 với các địa phương về công tác phòng chống dịch COVID-19 sáng ngày 25/9/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, BCĐ thống nhất chuyển chủ trương từ “Không COVID” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”; vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục, phát triển kinh tế- xã hội. Việc trở lại “trạng thái bình thường mới” sẽ tùy tình hình cụ thể của từng địa phương.
Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới, thiết nghĩ các ngành, các cấp cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt tư tưởng, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước: “Chống dịch như chống giặc”, “kiên định thực hiện mục tiêu kép phòng, chống dịch hiệu quả đồng thời phát triển kinh tế, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe Nhân dân”; khẳng định những thành tựu đạt được của đất nước, của tỉnh trên các lĩnh vực thời gian qua, khẳng định công tác phòng, chống dịch của Việt Nam đang đi đúng hướng và đã đạt được một số kết quả bước đầu rất quan trọng.
Trong đó, tập trung phân tích, lý giải sâu sắc, cụ thể chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân đối với công tác phòng, chống dịch bệnh, phát triển kinh tế- xã hội. Tuyên truyền kinh nghiệm phòng, chống dịch của các địa phương trên cả nước. Khích lệ tinh thần chủ động, trách nhiệm, tận tụy hết mình của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị- xã hội, các cơ quan, đơn vị chức năng, đặc biệt là lực lượng y tế, quân đội, công an và đội ngũ cán bộ ở cơ sở nơi tuyến đầu chống dịch.
Khích lệ, động viên các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh thích ứng an toàn với dịch bệnh. Đồng thời thể hiện tình cảm trân quý đối với sự hỗ trợ tích cực của bạn bè quốc tế trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của nước ta. Đặc biệt, chủ động đấu tranh, phản bác kịp thời với những thông tin giả, tin xấu độc, lên án mạnh mẽ những hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi cá nhân; những hành vi vi phạm quy định về thực hiện giãn cách xã hội trong phòng chống dịch.
QUANG NGHỊ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin