Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) đang tăng cường phối hợp dạy nghề, kết nối với doanh nghiệp tuyển dụng nhằm hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu nguồn lao động cho doanh nghiệp, đồng thời, giải quyết việc làm cho người lao động.
Anh Tám đã nhận công trình đầu tiên sau giãn cách xã hội. |
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) đang tăng cường phối hợp dạy nghề, kết nối với doanh nghiệp tuyển dụng nhằm hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu nguồn lao động cho doanh nghiệp, đồng thời, giải quyết việc làm cho người lao động.
Học nghề online, chờ tìm việc
Chị Nguyễn Thị Mai Đình (1990, ngụ xã Mỹ Hòa, TX Bình Minh) học nghề pha chế đồ uống từ giữa tháng 6/2021 tại Cơ sở đào tạo nghề Cuộc sống mới tại tỉnh Vĩnh Long. Trừ buổi lên cơ sở làm thủ tục nhập học, còn lại Mai Đình cùng các bạn học online với giáo viên. “Em học nghề với dự định mở điểm buôn bán thức uống”– Mai Đình nói lúc đã xong lý thuyết, chờ thi thực hành để tổng kết khóa học. Tương tự, học viên Nguyễn Thị Thủy Tiên (1995, ngụ xã Thanh Đức, Long Hồ) cũng chia sẻ đăng ký học sẵn nghề pha chế nhằm tìm cơ hội làm việc sau dịch COVID-19.
Bà Liêu Kim Thủy– đại diện Cơ sở đào tạo nghề Cuộc sống mới– cho biết từ đầu năm đến nay, có khoảng 210 học viên tham gia học nghề (pha chế đồ uống, trang điểm) cả trực tiếp và học online trong thời gian giãn cách xã hội. Mới nhất cách đây 1 tuần, cơ sở vừa mở 1 lớp pha chế đồ uống có 21 học viên. Ngoài số học viên đã ra nghề tìm việc làm, học viên các khóa tiếp tục học trực tuyến. Cơ sở tiếp tục phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm nhận học viên đăng ký các khóa học nghề. Qua đó góp phần tạo điều kiện cho người lao động có tay nghề, chờ cơ hội quay trở lại thị trường việc làm.
Bà Lê Thị Huế Nhi– Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh– cho biết, hầu hết lao động đăng ký học nghề là người tham gia và hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho hàng ngàn người, trung tâm đến nay đã hỗ trợ học nghề 432 người có nhu cầu, đạt 108% kế hoạch và tăng “đột biến” hơn 1.300% so với cùng kỳ 2020.
Ngoài các lớp dạy nghề cho lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm cho hay sẽ có kế hoạch tổ chức đào tạo nghề phù hợp với tình hình dịch bệnh tại từng địa phương, trang bị tay nghề, tạo điều kiện để người lao động tìm việc.
Quay lại thị trường việc làm
Anh Nguyễn Văn Tám (ngụ Phường 3, TP Vĩnh Long) làm nghề thi công la-phông, lắp cửa, đi điện... Do dịch COVID-19, anh nghỉ việc 4 tháng rồi. “Hôm 17/10 là ngày đầu tiên tôi nhận lại thi công căn phòng tiền chế, lắp la-phông và đi đường điện cho một gia đình tại Long Hồ sau khi nhịp sống trở lại bình thường mới. Làm 1 ngày rưỡi, trừ nguyên vật liệu, bỏ công cán xong còn lời đôi chút”– anh Tám chia sẻ. Anh Nguyễn Minh Khải (ngụ xã Tân Hạnh, Long Hồ) làm nghề thợ hồ, cho biết cũng nhận thi công cơi nới phòng ngủ cho hộ gia đình trong xã. Anh Khải nói: “Có lại được chút thu nhập từ công việc mừng lắm, sau thời gian nghỉ hẳn để phòng dịch bệnh”.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm, từ giữa tháng 9/2021 đến nay, trung tâm đã khảo sát 616 doanh nghiệp, kết quả có 37 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 2.546 lao động. Theo bà Lê Thị Huế Nhi, qua các kênh tuyên truyền và kết nối, trung tâm tiếp nhận 315 người lao động có nhu cầu tìm việc, đã giới thiệu 292 người tìm được việc làm. Trung tâm còn kết nối, tương tác với người lao động qua trang thông tin điện tử, mạng xã hội với lượng quan tâm, tương tác đến nay trên 12.200 người.
Trung tâm Dịch vụ việc làm kết nối Zalo với người lao động để biết thông báo mới nhất về bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn việc làm và học nghề. |
Theo bà Huế Nhi, tới đây, trung tâm phối hợp các đơn vị trong vùng tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến “Kết nối doanh nghiệp với người lao động các tỉnh ĐBSCL”, cung cấp thông tin “việc tìm người– người tìm việc”. Hoạt động nhằm kết nối giữa doanh nghiệp cần nguồn lao động và người lao động cần việc làm, nhất là sau thời gian giãn cách xã hội, nhiều công ty doanh nghiệp thiếu hụt nhân lực do nhiều lao động đã nghỉ việc hoặc về quê.
Trung tâm cho hay tiếp tục tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp với người lao động nhằm tổng hợp nhu cầu cung- cầu lao động. Phân tích và làm tốt công tác thông tin thị trường lao động để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động sau dịch COVID-19, hỗ trợ người lao động sớm tìm được việc làm để ổn định cuộc sống.
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin