Sử dụng kinh phí khoảng 38.000 tỷ đồng từ nguồn kết dư quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đến năm 2020 để chi hỗ trợ cho người lao động (NLĐ) và hỗ trợ giảm mức đóng cho người sử dụng lao động khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19.
Người lao động làm thủ tục hưởng BHTN tại chi nhánh Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long. |
Sử dụng kinh phí khoảng 38.000 tỷ đồng từ nguồn kết dư quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đến năm 2020 để chi hỗ trợ cho người lao động (NLĐ) và hỗ trợ giảm mức đóng cho người sử dụng lao động khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19.
Ngày 24/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ quỹ BHTN. Theo đó có 2 nhóm lao động được hỗ trợ chính sách này gồm: NLĐ đang tham gia BHTN tại thời điểm 30/9/2021; NLĐ đã dừng tham gia BHTN do chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc từ 1/1/2020 đến hết 30/9/2021 (có thời gian đóng BHTN được bảo lưu theo quy định, không bao gồm người hưởng lương hưu hàng tháng).
Mức hỗ trợ bằng tiền mặt trên cơ sở thời gian đóng BHTN chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của NLĐ. Cụ thể, NLĐ có thời gian đóng BHTN dưới 12 tháng thì được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người; đủ 12 tháng đến dưới 60 tháng hỗ trợ 2,1 triệu đồng; đủ 60 tháng đến dưới 84 tháng hỗ trợ 2,4 triệu đồng; đủ 84 tháng đến dưới 108 tháng hỗ trợ 2,65 triệu đồng; đủ 108 tháng đến dưới 132 tháng hỗ trợ 2,9 triệu đồng; đủ 132 tháng trở lên được hỗ trợ 3,3 triệu đồng/người. Nguồn kinh phí hỗ trợ 30.000 tỷ đồng từ kết dư quỹ BHTN năm 2020.
Gói hỗ trợ theo chính sách này không áp dụng cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên và NLĐ làm việc trong các đơn vị trên.
Theo BHXH Việt Nam, đến nay cả nước có hơn 15 triệu người tham gia BHTN. Trong đó, khoảng 13 triệu lao động sẽ nhận hỗ trợ từ Quỹ BHTN. BHXH Việt Nam cho biết thông tin người thụ hưởng đã nằm trong hệ thống dữ liệu của BHXH và sẽ được cơ quan BHXH xác định thông qua mã số định danh tham gia BHTN và thời gian đóng.
Với 13 triệu lao động được thụ hưởng chính sách, khoảng 10,5 triệu lao động sẽ nhận hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng. Cụ thể NLĐ đang làm việc trong doanh nghiệp được chi trả qua tài khoản cá nhân, NLĐ chỉ cần cung cấp cho doanh nghiệp số tài khoản. Với NLĐ không mở tài khoản ngân hàng, tiền mặt sẽ được chuyển về doanh nghiệp để chi trả cho NLĐ. Nhưng cơ quan BHXH khuyến cáo doanh nghiệp mở tài khoản cho NLĐ để nhận tiền nhanh nhất, đảm bảo tính minh bạch cũng như hạn chế thanh toán bằng tiền mặt.
Theo BHXH Việt Nam, còn 2,5 triệu lao động ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động từ 1/1/2020- 30/9/2021 đang bảo lưu thời gian đóng, không còn làm việc ở doanh nghiệp, đã về địa phương sẽ do cơ quan BHXH cấp tỉnh, huyện tại nơi đó giải quyết thủ tục. NLĐ đến cơ quan BHXH làm hồ sơ sẽ đối chiếu xác nhận thời gian tham gia BHTN, số tiền được hưởng. Tuy nhiên, việc chi trả hỗ trợ cho 2,5 triệu lao động này khá khó khăn, do ảnh hưởng dịch bệnh nên lao động đa số trở về các địa phương sinh sống.
Cũng theo tinh thần Nghị quyết 116, ngoài chi tiền mặt hỗ trợ NLĐ, chính sách sẽ sử dụng 8.000 tỷ đồng thông qua giảm mức đóng cho người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19. Đơn vị, doanh nghiệp tham gia BHTN trước ngày 1/10 năm nay được giảm mức đóng từ 1% xuống 0% trong 12 tháng, từ 1/10/2021- 30/9/2022.
Theo Nghị quyết 116 của Chính phủ, thời gian thực hiện hỗ trợ NLĐ từ ngày ngày 1/10- 31/12/2021. Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đang xây dựng hướng dẫn cụ thể theo hướng rút gọn thủ tục để trình Chính phủ ban hành quy định hỗ trợ. BHXH cho biết hệ thống BHXH cũng đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực con người và kinh phí để triển khai chính sách trên theo quy định.
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin