Sau mấy tháng trời "đóng băng" vì dịch COVID-19, người bán vé số, người thu mua ve chai, phế liệu đã bước ra đường. Họ tiếp tục công việc mưu sinh thường ngày trong trạng thái đón chào "bình thường mới".
(VLO) Sau mấy tháng trời “đóng băng” vì dịch COVID-19, người bán vé số, người thu mua ve chai, phế liệu đã bước ra đường. Họ tiếp tục công việc mưu sinh thường ngày trong trạng thái đón chào “bình thường mới”.
Công việc dần dần quay trở lại nhịp “bình thường mới” với những người lao động tự do như vầy. |
Tôi gặp cô Nguyễn Thị Hòa (cô Bảy, ở xã Long Phước- Long Hồ) một ngày giữa tháng 10, khi cô đạp xe ba gác đi mua ve chai, phế liệu quanh ấp Tân Hưng (Tân Hạnh- Long Hồ). Đi theo chiếc xe của cô là tiếng rao “ve chai ơi, ơi ve chai...”.
Cô Bảy đi mua ve chai, phế liệu dạo hơn 2 năm nay. Dịch COVID-19, cô cũng như những người làm nghề tương tự, đều phải tạm ngưng. “Tui nhận được 4 đợt tiền hỗ trợ, tổng cộng 2,9 triệu đồng”- cô Bảy nói thêm, đó chính là “cái phao” đã giúp cô đáng kể cho cuộc sống hàng ngày trong thời gian ngồi yên ở nhà phòng dịch.
Đưa bao ve chai lên xe, cô chợt nhớ: “Tui còn được nhận hỗ trợ 15kg gạo nữa! Mừng lắm. Giờ tui đi mua ve chai bán kiếm lời ngày 100.000- 150.000đ cũng sống được rồi”- cô Bảy vui vẻ nói khi 2 bao ve chai đã nằm gọn trên xe ba gác.
Anh Dương Minh Thế (36 tuổi, ở xã Tân Hạnh, Long Hồ) chuyên bán vé số dạo. Trong các đợt giãn cách xã hội phòng chống dịch, anh cũng đã nhận được hỗ trợ 2,9 triệu đồng (theo tinh thần Nghị quyết 68 của Chính phủ).
“Bây giờ được bán vé số lại rồi, tui mong bán ngày trên dưới 200 tờ vé như trước, có đồng lời ổn định lo cho cuộc sống”- người đàn ông bị khuyết tật đôi chân, ngồi bên bàn vé số đặt trên chiếc xe lắc tay, mong mỏi nói. Tôi mua vài tờ vé số, chúc cho anh bán đắt hàng. Sau lớp khẩu trang, vẫn có thể thấy anh cười.
Cách đó một đoạn đường, tôi gặp cô Bùi Thị Chếnh (quê tỉnh Thanh Hóa, tạm trú xã Phước Hậu- Long Hồ) cầm xấp vé số các đài tỉnh phát hành ngày 22/10.
Cô Chếnh cũng đã nhận được tiền hỗ trợ khó khăn giống như anh Thế. “Nghỉ một thời gian, ai cũng khó khăn, giờ tui mong khi được bán lại là mỗi ngày bán 200 tờ vé số để đủ lo cho cuộc sống!”– cô Chếnh nói khi đưa xấp vé số ra để tôi mua “ủng hộ” vài tờ.
Người bán vé số và người lao động tự do (bán hàng rong; chạy xe ôm; buôn bán nhỏ lẻ, bán đồ ăn vặt không có địa điểm cố định; thu mua ve chai, phế liệu lưu động; bán thức uống nhỏ lẻ tại lề đường, tại các chợ, trước trụ sở các cơ quan, trường học) là đối tượng được hỗ trợ đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động theo Quyết định 20 của UBND tỉnh trên tinh thần triển khai theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.
Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Vĩnh Long tổng hợp, đến nay UBND tỉnh đã ra quyết định hỗ trợ 7.496 người bán vé số với tổng số tiền hơn 21,7 tỷ đồng.
Với lao động tự do, tới tháng 10 đã hoàn thành chi tiền hỗ trợ cho 100% số người (18.118 người) được duyệt theo các đợt giãn cách xã hội trước. Tới ngày 19/10, đã chi được cho 5.597/8.568 người (đạt 65,4%) do cấp huyện bổ sung.
“Bão COVID-19” đã quét qua nhiều mặt của đời sống từ sản xuất, kinh doanh đến công việc mua bán hàng rong, mưu sinh nhỏ lẻ. Trong cơn bão đó, mọi người đều gặp khó khăn.
Các chủ trương chính sách từ Trung ương đến tỉnh và tận cơ sở đã góp phần hỗ trợ kịp thời cho người dân, người lao động bị ảnh hưởng từ dịch bệnh. Khi dần bình thường mới, họ mong muốn trở lại công việc buôn bán, mưu sinh như trước để sớm ổn định cuộc sống...
Để được như vậy, người dân, người lao động rất cần nâng cao ý thức phòng ngừa dịch bệnh góp phần thích ứng an toàn, ổn định đời sống.
Đến nay, UBND tỉnh đã ra quyết định hỗ trợ 34.182 người (gồm 7.496 người bán vé số, 26.686 lao động tự do), tổng kinh phí hơn 94,7 tỷ đồng. Tỉnh cũng được Trung ương xuất cấp hơn 2.103 tấn gạo hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19. |
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin