Với mục tiêu "tạm dừng đến trường nhưng không dừng học", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em". Tỉnh Vĩnh Long đã kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia chương trình ý nghĩa này.
Bí thư Tỉnh ủy- Bùi Văn Nghiêm trao điện thoại cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thiết bị học tập. |
(VLO) Với mục tiêu “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Tỉnh Vĩnh Long đã kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia chương trình ý nghĩa này.
Mừng đến rơi nước mắt
Dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, việc học tập của các em học sinh trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với học sinh hộ nghèo, cận nghèo, học sinh khó khăn, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo từ tỉnh đến huyện xã có sự chung tay vận động xã hội hóa để cho các em có đủ các điều kiện cơ bản nhất để học tập thuận lợi.
Đến từng nhà, trao từng chiếc điện thoại cho các em mới thấu hiểu được những khó khăn, chia sẻ niềm vui khi các em được nhận quà ý nghĩa. Cha bỏ đi từ nhỏ, em Nguyễn Thị Ngọc Bích- học sinh lớp 7, Trường THCS Thành Lợi (Bình Tân) sống với mẹ trong căn nhà tình nghĩa.
Mẹ em- cô Nguyễn Thị Thêu- đã gần 60 tuổi, làm nghề giúp việc nhà, dịch bệnh không đi làm được nên cuộc sống rất khó khăn.
Cô Thêu nói: “Học trực tuyến cả tuần nay, mà con tôi không có máy tính, điện thoại để học”. Trong ngôi nhà trống trải không có lấy 1 cái bàn, cái ghế cho khách ngồi, Ngọc Bích rưng rưng: “Con cảm ơn các cô chú đã cho con điện thoại để học, con hứa tập trung học và sẽ sử dụng cẩn thận”.
Trong khi bạn bè đang học trực tuyến, thì em Trần Hưởng Lộc- học sinh lớp 8, Trường THCS Thành Lợi- còn chưa có sách vở.
Được tặng điện thoại thông minh, Lộc rớt nước mắt, nói: “Hổm nay, con học ké điện thoại với bạn nhưng điện thoại bạn cũ và 3G yếu quá nên rớt hoài hà”.
Cô Dương Thị Hồng Quyên- mẹ Lộc- cho biết: “Chồng tôi bị tai nạn mất sức lao động, còn em của Lộc học lớp 4 thì bị nang ống mật, nên cuộc sống rất khó khăn”.
Cả tuần nay, Lê Huỳnh Phương Linh- học sinh lớp 8, Trường THCS Long Phước (Long Hồ)- phải chạy qua nhà bạn học nhờ vì không có thiết bị học trực tuyến. Linh nói: “Điện thoại của bạn hay có cuộc gọi, mạng yếu nên học cũng không đều”.
Bà ngoại Linh bị hoại tử xương không đi đứng được, cha mẹ em sống bằng nghề làm thuê. Linh cho biết: “Thầy cô cho con sách vở để học, nay con được cho điện thoại nữa, con cảm ơn rất nhiều”.
Cùng góp sức vì “tương lai”
Phó Chủ tịch tỉnh- Nguyễn Thị Quyên Thanh trao cho em Nguyễn Thị Ngọc Bích món quà cần thiết cho việc học lúc này. |
Bà Trương Thanh Nhuận- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD- ĐT cho biết: “Toàn tỉnh có hơn 29.000 học sinh không có thiết bị học trực tuyến. Trong đó, có 1.625 hộ nghèo, 4.114 hộ cận nghèo và hơn 22.600 học sinh thuộc đối tượng khác”.
Theo thông tin trong cuộc họp trực tuyến với Bộ GD- ĐT vừa qua, thì đối tượng được Trung ương hỗ trợ máy tính là học sinh hộ nghèo, cận nghèo có cha mẹ chết do COVID- 19 ở các huyện thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tính từ 12/9.
Như vậy, học sinh Vĩnh Long có thể không được thụ hưởng chương trình này từ Trung ương, vì ngày 12/9 toàn tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện Chỉ thị 15 tăng cường. Do vậy, học sinh Vĩnh Long rất cần sự chung tay hỗ trợ thiết bị để được học tập.
Đóng góp cho chương trình “Sóng và máy tính cho em”, chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền- đại diện Công ty TNHH Thương mại và Phát triển nhân lực Miền Tây (Mitaco)- đã cùng đoàn lãnh đạo tỉnh đến nhà những học sinh khó khăn trao thiết bị học trực tuyến.
Chị Tuyền chia sẻ: “Có những hoàn cảnh khiến tôi không cầm được nước mắt. Có thể chia sẻ với các em phần nào những khó khăn, chúng tôi rất vui và mong các em học tốt hơn trong năm học mới”.
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- cho biết: “Tỉnh ủy chủ trương, UBND tỉnh vận động để có thể hỗ trợ cho các em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh, một phần giúp cho các em có thể học tập tốt trong lúc dịch bệnh phức tạp để các em có thể tiếp cận với chương trình học tập.
Song song đó, chúng tôi cũng có yêu cầu chính quyền các cấp phải thường xuyên thống kê lại tất cả các em học sinh hoàn cảnh khó khăn không đủ điều kiện để có sự hỗ trợ tiếp sức kịp thời động viên và chia sẻ với gia đình các em. Đặc biệt, rất cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội để các em có sự tự tin và điều kiện để học tập tốt hơn”.
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin