
Tới thời điểm này, hàng chục ngàn lao động tự do (lao động không có giao kết hợp đồng lao động), người bán vé số, người lao động có giao kết hợp đồng lao động, hộ kinh doanh đã và đang nhận được các đợt chi trả hỗ trợ khó khăn do dịch COVID-19.
![]() |
Tỉnh tổ chức đón công dân Vĩnh Long từ TP Hồ Chí Minh về địa phương và thực hiện cách ly tại cơ sở cách ly tập trung. |
(VLO) Tới thời điểm này, hàng chục ngàn lao động tự do (lao động không có giao kết hợp đồng lao động), người bán vé số, người lao động có giao kết hợp đồng lao động, hộ kinh doanh đã và đang nhận được các đợt chi trả hỗ trợ khó khăn do dịch COVID-19.
Hỗ trợ lao động tự do hoàn tất 3 đợt
Hơn 1 tháng bắt đầu tổ chức chi trả cho các nhóm đối tượng này theo tinh thần Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh Vĩnh Long đã có văn bản đôn đốc các ngành chức năng và chính quyền các cấp đẩy nhanh việc triển khai hỗ trợ các đối tượng người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19.
Thực hiện chỉ đạo này, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (thành viên BCĐ Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Vĩnh Long) đã phối hợp các địa phương, các ngành rà soát, trình UBND tỉnh ngay khi có danh sách đối tượng để tỉnh sớm ban hành quyết định và tiến hành chi trả hỗ trợ.
![]() |
Liên đoàn Lao động phối hợp với UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long trao quà cho đoàn viên công đoàn, công nhân lao động khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 (ngày 27/8/2021). |
Theo bà Huỳnh Thị Mỹ Hà- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, đối với lao động tự do (bán hàng rong, chạy xe ôm, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định, bán nước giải khát, thu mua phế liệu,...), tính đến ngày 15/9, UBND tỉnh đã quyết định hỗ trợ cho 25.218 đối tượng, với tổng kinh phí hơn 57,4 tỷ đồng, trên cơ sở số ngày theo 3 đợt giãn cách xã hội từ ngày 9/7/2021- 25/8/2021.
Trong đó, quyết định hỗ trợ người lao động tự do là 18.118 người (hơn 40,4 tỷ đồng); quyết định hỗ trợ người bán vé số là 7.100 người (hơn 17 tỷ đồng).
Theo bà Huỳnh Thị Mỹ Hà, về tổ chức chi trả, đến nay các địa phương đã chi trả xong số đối tượng lao động tự do có quyết định hỗ trợ của UBND tỉnh theo quy định.
Riêng người bán vé số, đã chi trả xong số ngày hỗ trợ theo đợt giãn cách xã hội thứ nhất và thứ hai. Đợt giãn cách thứ ba (từ 16/8-25/8) hiện các địa phương đang tổ chức chi trả.
Trong tuần cuối tháng 8/2021, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tổng hợp từ 8 địa bàn cấp huyện đã trình UBND tỉnh hỗ trợ bổ sung 10 ngày (giãn cách từ ngày 26/8-4/9/2021) cho 18.118 lao động tự do (hơn 9 tỷ đồng); cho 7.100 người bán vé số (hơn 3,5 tỷ đồng).
Cập nhật đến ngày 15/9/2021, các địa bàn đã tổ chức chi trả cho 810/18.118 lao động tự do; 1.072/7.100 người bán vé số. Đồng thời mới đây sở trình UBND tỉnh hỗ trợ cho 4.056 lao động tự do (do các địa phương rà soát bổ sung) với hơn 11,1 tỷ đồng.
Ông Trịnh Văn Đức (ngụ xã Thiện Mỹ) làm nghề chạy xe ôm cho biết, đến nay đã nhận được 3 đợt hỗ trợ với 2 lần 700.000đ, 1 lần 500.000đ (theo thời điểm giãn cách xã hội 2 đợt 14 ngày, 1 đợt 10 ngày- PV).
“Công việc tự do, những ngày khó khăn phải ở nhà do dịch bệnh, được khoản hỗ trợ kịp lúc như vậy tui vui mừng lắm chú”- ông nói.
Đẩy nhanh hỗ trợ lao động có hợp đồng, hộ kinh doanh
Hôm 30/8, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đã có văn bản đôn đốc các sở, ban, ngành, UBND các huyện- thị- thành thực hiện nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ NLĐ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng.
![]() |
Đến nay, các lao động tự do, người bán vé số đã nhận được các đợt chi hỗ trợ khó khăn do dịch COVID-19. |
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu sở, ngành, UBND cấp huyện, xã yêu cầu tăng cường trách nhiệm và sự chủ động, phối hợp chặt chẽ để triển khai chính sách hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong phạm vi, thẩm quyền giải quyết.
Theo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, hiện nay việc hỗ trợ các nhóm chính sách đối với NLĐ tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương; NLĐ ngừng việc; NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hộ kinh doanh;... là nhu cầu rất bức xúc.
Do vậy, sở đề nghị các địa phương và đơn vị liên quan chỉ đạo tuyên truyền, hướng dẫn để doanh nghiệp, đối tượng sớm tiếp cận các chính sách và được kịp thời hỗ trợ, giúp NLĐ và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh.
Tham gia đoàn công tác UBND tỉnh làm việc với các BCĐ Phòng chống dịch COVID-19 TX Bình Minh và huyện Bình Tân mới đây, ông Trần Văn Khái- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết, tinh thần là các huyện khi rà soát được người lao động, doanh nghiệp, hộ kinh doanh nào thì gửi ngay về sở để xem xét trình UBND tỉnh ra quyết định hỗ trợ.
Tiến độ đến ngày 15/9, ngành đã trình UBND tỉnh hỗ trợ cho 3.964 lao động của 88 đơn vị (trên 15,7 tỷ đồng). UBND tỉnh đã ra quyết định hỗ trợ cho 3.614 lao động của 75 đơn vị (hơn 14,3 tỷ đồng). Đến ngày 13/9, đã chi hỗ trợ cho 1.745 người (hơn 6,9 tỷ đồng).
Cùng thời gian trên, 8 lao động ngừng việc đã được hỗ trợ 8 triệu đồng; 1 lao động chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp đã nhận hỗ trợ 3,71 triệu đồng.
Đối với hộ kinh doanh, cơ quan chức năng đã trình UBND tỉnh hỗ trợ 3.445 hộ (trên 10,3 tỷ đồng). Hiện nay UBND tỉnh đã ra quyết định hỗ trợ 3.128 hộ (trên 9,3 tỷ đồng).
Theo Nghị quyết 68, hộ kinh doanh gặp khó khăn do dịch COVID-19 được hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ. Tính đến nay nhiều hộ kinh doanh đã nhận được hỗ trợ.
Chính sách hỗ trợ đối tượng điều trị, cách ly y tế Báo cáo cập nhật của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đến ngày 15/9, tích lũy đã hỗ trợ tiền ăn cho đối tượng F0 là 2.245 người (gần 3,1 tỷ đồng); hỗ trợ tiền ăn cho đối tượng F1 là 4.638 người (hơn 5,3 tỷ đồng). Hỗ trợ bổ sung trẻ em F0, F1 tổng cộng 412 người (412 triệu đồng). |
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin