Tổ chức đi chợ thay nhằm tránh tập trung đông người tại các điểm mua sắm, hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, để người dân yên tâm ở nhà thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, đi chợ thay cũng lắm chuyện buồn vui… Cả người ở nhà lẫn người đi chợ đều mong muốn được sự san sẻ, đồng cảm từ 2 phía.
Nhiều thành viên tổ đi chợ tuy đã lớn tuổi nhưng vẫn nhiệt tình tham gia. |
Tổ chức đi chợ thay nhằm tránh tập trung đông người tại các điểm mua sắm, hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, để người dân yên tâm ở nhà thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, đi chợ thay cũng lắm chuyện buồn vui… Cả người ở nhà lẫn người đi chợ đều mong muốn được sự san sẻ, đồng cảm từ 2 phía.
Muốn góp một phần nhỏ
7.600 thành viên với trên 28.000 đơn đặt hàng đi chợ mỗi ngày, một con số “đi chợ thay” không hề nhỏ. Theo đánh giá của Sở Công thương, các tổ đi chợ thay đã hoạt động nề nếp, người dân dần quen với việc đặt mua hàng hóa thông qua các tổ đi chợ thay.
Nhiều thành viên tổ đi chợ thay (có người 50- 60 tuổi) rất nhiệt tình, cố gắng làm hết sức để tròn việc, giúp người dân có bữa cơm ngon. Họ sắp xếp, phân bổ thời gian để vừa hoàn thành việc nhà, vừa hỗ trợ người dân đi chợ, khiến họ gần như tất bật cả ngày với mong muốn được góp phần nhỏ cùng với tỉnh phòng chống dịch bệnh. Cô Trương Thị Điệp- Tổ đi chợ thay (Khóm 2, Phường 2- TP Vĩnh Long), chia sẻ: “Phải thức thật sớm để đi chợ, mua đầy đủ lương thực- thực phẩm cho bà con. Tự nguyện để cùng với Nhà nước phòng chống dịch cho an toàn, hiệu quả, tôi thấy vui vì giúp ích cho mọi người”.
Mong muốn dịch bệnh được đẩy lùi, cuộc sống sớm trở lại bình thường, chính là động lực để chú Nguyễn Văn Hùng (Phường 8- TP Vĩnh Long) tiếp tục góp sức đi chợ thay cho người dân. Với hàng chục đơn hàng mỗi ngày, ở tuổi gần 60, chú Hùng và các thành viên trong tổ luôn cùng chia sẻ, khắc phục khó khăn hỗ trợ tốt cho hơn 700 hộ gia đình ở khóm. Chú Hùng cho hay: “Ngày xưa, tôi cũng từng cầm súng để đi gìn giữ hòa bình cho quê hương mình. Ngày hôm nay, trong đại dịch này, tôi cũng sẵn sàng cống hiến sức mình”.
Ông Nguyễn Văn Sơn- Chủ tịch UBND Phường 8 (TP Vĩnh Long)- cho biết: “Hiện nay, phường có 7 tổ đi chợ thay. Trong đó, nhiều cô, chú tuy đã lớn tuổi nhưng cũng rất nhiệt tình, góp phần cùng địa phương thực hiện đi chợ thay dân. Đây là điều đáng quý, đáng khích lệ”.
Cảm thông cho nhau
Tuy nhiên, dù đã cố gắng hết sức nhưng một số thành viên tổ đi chợ thay cũng bày tỏ, khó thể nào chiều lòng, vừa ý hết theo các đơn đặt hàng của người dân. Đó là chưa kể có không ít đơn hàng khá… vô lý. Chẳng hạn như, một thành viên tổ đi chợ thay tại thị trấn Cái Nhum (Mang Thít) kể: “8 giờ sáng, tôi đi chợ đang trên đường về với 2 giỏ đồ khệ nệ thì nhận được cuộc gọi “Alo, anh Tư hả, anh đi chợ về chưa, quay lại mua dùm tui 2 ổ bánh mì được hông? Tui thức trễ nên giờ tui mới… thèm”. Hay một trường hợp khác: “A lô, chú Út hả, chú kiếm mua dùm tui… 4 lon bia nhe, ở nhà buồn miệng quá”.
Chị Sương- một thành viên tổ đi chợ chia sẻ: “Tổ có 4 người nhưng phải đi chợ cho cả khóm ngàn hộ dân, có khi mua 15- 20 đơn hàng/ ngày. Giá cả thì biến đổi từng ngày do chợ ít người bán, tiểu thương khó nhập hàng, một số mặt hàng cũng ít nguồn cung. Mà nhiều khi nghe “sao nay dưa leo mắc dữ, cá coi bộ không được tươi lắm hé”. Cũng cố gắng giải thích, chứ bà con hàng xóm không hà, tui ăn gian tiền chợ chi đâu, mong mọi người cùng chia sẻ, cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này”.
Trong khi đó, những người ở nhà, cũng bày tỏ mong muốn được tổ đi chợ thay chia sẻ bởi mỗi tổ, mỗi nơi có cách làm việc khác nhau, nơi thì có tâm, nơi thì theo nguyên tắc. Trong đó, phản ánh nhiều nhất hiện nay là tổ đi chợ thay chưa nhận đặt mua vật tư nông nghiệp mà chỉ nhận mua hàng hóa thiết yếu, trong khi người dân đang có nhu cầu mua vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất.
Danh sách mua hàng được thành viên tổ đi chợ thay ghi chép cẩn thận. |
Không chỉ vậy, không ít người dân bày tỏ: Một số thành viên tổ đi chợ thay còn khá “cứng nhắc” khi chỉ mua những thứ có trong danh sách của địa phương. Hoặc cũng có một số thành viên còn lo ngại dịch bệnh, giới hạn số lượng mua hàng “ít quá không mua, nhiều quá cũng… từ chối”, làm người dân ngại gửi.
Ở yên trong nhà và đi chợ thay là chuyện chắc chưa ai nghĩ đến trước đây. Khi dịch bệnh xảy ra, thì có thể thấy, tổ chức đi chợ thay là một trong những biện pháp hữu hiệu để phòng chống dịch COVID- 19 trong thời gian tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội. Do đó, trước sự tận tình, nhiệt huyết của người đi chợ thay, mong người dân ở nhà cùng chia sẻ. Đồng thời, mong người đi chợ thay cũng thông cảm, “thoáng” hơn trong các lần đi chợ. Có sự thấu hiểu từ 2 phía, không chỉ vui lòng người đi chợ, vừa lòng người ở nhà, mà còn góp phần quan trọng trong phòng chống dịch bệnh, để cuộc sống sớm trở lại bình yên.
Bài, ảnh: TRÀ MY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin