Kỳ cuối: Bếp ấm sẻ chia, trao niềm tin chiến thắng

06:08, 31/08/2021

Tình hình dịch COVID- 19 diễn biến phức tạp ở Tam Bình với số ca mắc đứng đầu tỉnh. Nhưng nơi nhiều gian khó ấy lại giàu lắm những tấm lòng và những suất cơm thơm ngon, nóng hổi gửi gắm bao hy vọng, tin yêu "Tam Bình ơi, cố lên".

Khi hỏi thăm anh bạn học làm ở Đài Truyền thanh huyện Tam Bình về các điểm nấu ăn miễn phí cho bệnh viện dã chiến, khu cách ly, anh nói hình như “xã nào cũng có”. Tình hình dịch COVID- 19 diễn biến phức tạp ở Tam Bình với số ca mắc đứng đầu tỉnh. Nhưng nơi nhiều gian khó ấy lại giàu lắm những tấm lòng và những suất cơm thơm ngon, nóng hổi gửi gắm bao hy vọng, tin yêu “Tam Bình ơi, cố lên”.

Những suất ăn miễn phí vẫn đảm bảo thơm ngon, bổ dưỡng của bếp Ban Mai.
Những suất ăn miễn phí vẫn đảm bảo thơm ngon, bổ dưỡng của bếp Ban Mai.

Ấm lòng bếp Ban Mai

Bếp ăn Ban Mai là nơi “gom góp những tấm lòng” yêu quê hương Tam Bình bằng những phần cơm ngon nóng hổi. Khởi nguồn là cậu sinh viên năm 4 tên Nguyễn Trí Ngân- Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (quê ở xã Mỹ Thạnh Trung).

Chàng sinh viên đã mang rau từ Vĩnh Long lên hỗ trợ TP Hồ Chí Minh đã kịp về quê để chung tay cùng thầy cô giáo Trường THPT Trần Đại Nghĩa, anh chị Huyện Đoàn, Hội LHPN và có cả bếp trưởng là “đầu bếp Sài Gòn” cùng quê mình chống dịch. Bếp Ban Mai được thành lập từ khi Bệnh viện dã chiến Tam Bình được thành lập để hỗ trợ cơm trưa cho bệnh viện, khu cách ly và tuyến đầu chống dịch. Trí Ngân cho biết: “Mỗi ngày bếp gửi khoảng 320 suất ăn đến những nơi này”.

Của cho không bằng cách cho nên Trí Ngân sẵn sàng “chi tiền nhiều hơn một chút” cho mọi người dễ ăn hơn khi mua những hộp đựng cơm được chia nhiều ngăn, gọn gàng. Để đảm bảo chất lượng phần ăn, Trí Ngân và các thành viên trong nhóm cũng “không dám cho nhiều nơi” dù “cắn rứt lắm” vì nhiều xã khác cũng cần suất ăn.

Ngân cho biết: “Dịch bệnh nên không thể tập trung quá đông người để nấu ăn, nếu nấu sớm để đủ phần ăn thì sẽ có những phần cơm bị nguội”. Ngân còn lo đến “gấp quá thì sẽ thiếu chỉn chu” vì nhóm muốn những phần ăn không chỉ thơm ngon, đủ dinh dưỡng, nóng hổi mà còn phải an toàn vệ sinh.

Vừa quản lý “cửa hàng 0 đồng” ở TP Vĩnh Long và muốn thực phẩm đầy đủ tươi ngon, Trí Ngân đều đặn mỗi ngày chạy xe máy từ TP Vĩnh Long lên xuống Tam Bình. Trên xe đầy ắp đồ ăn chuẩn bị cho hôm sau, để khi cơm trưa được giao, nhóm nấu bếp ăn cơm xong thì bắt đầu công việc sơ chế cho ngày mới. Trí Ngân nói: “Nếu sáng mới đi chợ thì đồ ăn sẽ trễ vì khi giao vào bệnh viện hay khu cách ly phải có thời gian khử khuẩn nữa”.

Anh Nguyễn Văn Đô ở xã Hòa Lộc thì đôi ba ngày lại gửi cho bếp khi bó rau, khi mớ cá. Anh Đô cùng vợ sống nhờ lương làm công nhân, nay dịch bệnh phải nghỉ ở nhà, vợ anh đang nuôi con nhỏ, cuộc sống không ít khó khăn.

Vậy mà khi nhắc tới chuyện ủng hộ và vận động mọi người, anh Đô cười nói: “Tôi khó khăn thiệt nhưng ít ra cũng còn khỏe, muốn giúp những người không khỏe hay có nguy cơ để mau hết dịch”. Nghĩ sao làm vậy, bó rau muống vất vả lội mương hái được anh Đô cũng chỉ “để một nắm lại luộc ăn”, số còn lại cho bếp ăn!

Cứ như thế từ 23/7- 25/8, bếp Ban Mai đã mang đến những phần ăn thơm ngon, nóng hổi với đủ món, canh, xào, mặn và có cả trái cây tráng miệng cho mọi người.

Trong giai đoạn cao điểm, huyện Tam Bình có đến 19 điểm nấu ăn với 176 cán bộ hội, hội viên tham gia. Mỗi ngày cung cấp khoảng 1.650 suất ăn cho Bệnh viện dã chiến huyện Tam Bình, lực lượng làm nhiệm vụ tại khu vực phong tỏa và những người bị cách ly tập trung ở 15/17 xã- thị trấn trong huyện.

“Tôi yêu Tam Bình”

Là bác sĩ dù đã về hưu, cô Hồ Thị Tuyết Thanh (ở thị trấn Tam Bình), không thể ngồi yên khi tình hình dịch bệnh ngày càng trở nên phức tạp. Không thể trực tiếp tham gia tuyến đầu nên cô Thanh quyết định nấu ăn cho các chiến sĩ tuyến đầu, bệnh viện dã chiến, các khu cách ly.

Cô Thanh cùng các cô, các chị trong xóm chọn nấu bữa ăn sáng vì “có sẵn cơ ngơi là điểm bán đồ ăn sáng Hoàng Thy”. Bình quân mỗi ngày bếp ăn thiện nguyện Hoàng Thy cung cấp 400 suất ăn sáng, cao điểm hơn 450 suất.

Từ 3 giờ, nhóm đã bắt đầu làm việc để chậm nhất 6h30 các bữa sáng sẵn sàng đến khu cách ly, bệnh viện. Cô Thanh chia sẻ: “Hổm nay mấy em đi lấy mẫu sớm, chúng tôi chuẩn bị sớm hơn để các em có mang theo ăn no để có sức làm. Thương lắm, có ngày tối mịt 9- 10 giờ đêm mới về”.

Bếp Hoàng Thy và những suất ăn sáng nghĩa tình.
Bếp Hoàng Thy và những suất ăn sáng nghĩa tình.

Để cho người ăn không ngán và có đủ sức khỏe chống dịch, các món ăn luôn được thay đổi, khi thì nui, súp, cháu thịt bằm, xôi, … rồi cháo trắng với dưa mắm và tép rang. Anh Phan Thanh Tùng- phục vụ hậu cần cho các chốt kiểm dịch ở thị trấn Tam Bình- là “mối quen” nhận đồ ăn sáng bếp Hoàng Thy. Anh Tùng nói: “Chỗ cô Thanh nấu ăn ngon và quý ở tấm lòng thức khuya dậy sớm, tiếp tế cho chúng tôi chống dịch. Thứ ba, năm, bảy hàng tuần còn tặng nước mát, tăng sức đề kháng cho Bệnh viện dã chiến Tam Bình”.

Động lực của bếp là “các chị em ủng hộ quá chừng, người thì cho rau củ, người nước mắm, nước tương, gia vị,…”- cô Thanh nói thêm: “Chỉ tính riêng tiền ủng hộ đã khoảng 60 triệu đồng”.

Cô Thanh cho xem quyển sổ xinh xinh trong đó ghi thu chi các thứ, nói thêm: “Tôi nghĩ ai cũng sẽ muốn làm gì đó giúp quê hương mình, bà con mình trong hoàn cảnh khó khăn này. Huống hồ, tôi là một bác sĩ”. Có lẽ vì vậy mà những phần ăn không chỉ hợp vệ sinh, đủ dinh dưỡng mà còn chứa cả niềm tin yêu hy vọng của cô Thanh, của các chị, các cô bếp Hoàng Thy gửi đến người nhận.

Những phần ăn sáng của bếp luôn kèm theo lời động viên, nhắn nhủ dễ thương: “Việt Nam cố lên”, “Vĩnh Long cố lên”, “Tam Bình cố lên”! “Tôi yêu Tam Bình”,… hay đơn giản là chúc ngon miệng.

Những hộp đựng thức ăn được luôn kèm theo lời động viên, nhắn nhủ dễ thương tiếp thêm sức mạnh cho mọi người.
Những hộp đựng thức ăn được luôn kèm theo lời động viên, nhắn nhủ dễ thương tiếp thêm sức mạnh cho mọi người.

Tình hình dịch COVID-19 ở Vĩnh Long nói chung và Tam Bình nói riêng từ diễn biến rất phức tạp đã dần được kiểm soát. Trong thời điểm khó khăn nhất ở Vĩnh Long khi số ca mắc, số ca tử vong ngày càng tăng, hàng ngàn người phải vào các khu cách ly tập trung, nhiều khu vực phải phong tỏa, tỉnh tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, cuộc sống bình yên của nhân dân đã có nhiều thay đổi.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, người dân Vĩnh Long đã và đang đồng hành dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, với niềm tin và hy vọng ngày “chiến thắng” sẽ đến thật gần.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh: “Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Long, tôi xin trân trọng cảm ơn và ghi nhận tấm lòng nhân ái, tinh thần và ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng của các cơ quan, đơn vị, cá nhân đã đồng hành với nhân dân Vĩnh Long trong thời gian vừa qua. Việc chống dịch còn nhiều khó khăn, phức tạp, cần lắm sự chung sức, đồng lòng của tất cả các cơ quan, đơn vị, cá nhân tiếp tục san sẻ khó khăn để người dân vơi bớt khó khăn trong hoàn cảnh này, góp phần đẩy lùi dịch COVID-19 nhanh nhất để nhân dân sớm ổn định lại cuộc sống, lao động, sinh hoạt”.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

 

 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh