Sự phát triển của mạng xã hội (MXH) đã tạo điều kiện cho người sử dụng dễ dàng tiếp cận, chia sẻ và lan tỏa thông tin một cách nhanh chóng. Đặc biệt, trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay, MXH đã trở thành kênh giao tiếp thông dụng.
(VLO) Sự phát triển của mạng xã hội (MXH) đã tạo điều kiện cho người sử dụng dễ dàng tiếp cận, chia sẻ và lan tỏa thông tin một cách nhanh chóng. Đặc biệt, trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay, MXH đã trở thành kênh giao tiếp thông dụng.
Song, bên cạnh những mặt tích cực, thời gian qua MXH xuất hiện đầy rẫy những thông tin sai sự thật có nội dung xuyên tạc, xúc phạm... với ngôn từ thô tục, phản cảm. Để chấn chỉnh thực trạng trên, Bộ Thông tin- Truyền thông (TT-TT) đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH với nhiều nội dung mà người sử dụng MXH cần phải lưu ý.
Tin giả được dán nhãn cảnh báo trên trang web của Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam, thuộc Cục Phát thanh- Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT). Ảnh chụp màn hình |
Thực trạng sử dụng MXH hiện nay
Theo Sở TT-TT tỉnh, nhu cầu sử dụng MXH thời gian qua trong cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng có xu hướng ngày càng tăng.
Văn hóa ứng xử trên MXH rất đa dạng, trong đó có những thông tin đăng tải với nội dung giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân, sử dụng ngôn từ phản cảm không phù hợp với giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Từ thực trạng trên, việc xây dựng chuẩn mực văn hóa ứng xử trên MXH là định hướng rất cần thiết, nhằm làm sạch không gian mạng được cho là ảo nhưng có ảnh hưởng thật.
Cụ thể, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số trường hợp người sử dụng MXH chia sẻ thông tin liên quan đến dịch COVID-19 không đúng quy định, gây hoang mang trong dư luận.
Các vụ việc này đều được ngành chức năng của tỉnh phát hiện và xử lý kịp thời. Điển hình như trường hợp chia sẻ trên MXH công văn của Đài PT-TH Vĩnh Long, công văn của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long từ nhóm Facebook “Hóng Biến Vĩnh Long” mà Sở TT-TT đã phối hợp Công an tỉnh xử lý.
Và gần đây, một số cá nhân đăng tải thông tin sai sự thật gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn cũng đã bị xử lý.
Vừa qua, UBND tỉnh Vĩnh Long cũng đã ban hành Công văn số 3355/UBND-VHXH về việc chấn chỉnh công tác phát ngôn, cung cấp thông tin liên quan đến tình hình dịch COVID-19 và bảo vệ bí mật, quyền riêng tư của cá nhân trong công tác truy vết.
Ông Nguyễn Thiện Sơn- Chánh Thanh tra Sở TT-TT tỉnh- cho biết: “Để quản lý tốt MXH, Sở TT-TT đã thành lập và phân công Tổ theo dõi thông tin trên mạng.
Tổ này có nhiệm vụ thường xuyên theo dõi, rà soát các thông tin trên mạng hoặc thông tin từ người dân phản ánh, nếu phát hiện trường hợp vi phạm về ứng xử, phát ngôn trên MXH sẽ phối hợp với Phòng An ninh chính trị nội bộ- Công an tỉnh xử lý nghiêm theo quy định pháp luật”.
Hướng đến chuẩn mực văn hóa ứng xử trên môi trường mạng
Người sử dụng MXH cần tỉnh táo và biết chọn lọc thông tin trước khi đăng tải, chia sẻ trên môi trường mạng. Ảnh minh họa |
Theo Bộ TT-TT, việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH nhằm hướng đến xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người sử dụng MXH, góp phần phát triển môi trường mạng theo hướng an toàn, lành mạnh.
Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH được áp dụng cho 3 nhóm đối tượng: cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước sử dụng MXH; tổ chức, cá nhân khác sử dụng MXH; nhà cung cấp dịch vụ MXH tại Việt Nam.
Theo đó, các nhóm đối tượng trên phải tuân thủ theo những quy tắc ứng xử gồm: tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; hành vi, ứng xử trên MXH phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; tuân thủ các quy định và hướng dẫn về bảo vệ an toàn và bảo mật thông tin; chịu trách nhiệm về các hành vi, ứng xử trên MXH, phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật.
Từ khi ban hành đến nay, Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH nhận được nhiều phản hồi tích cực từ dư luận xã hội. Đa phần ý kiến cho rằng bộ quy tắc đã đưa ra chuẩn mực văn hóa ứng xử trên môi trường mạng để người dùng biết cách ứng xử cho phù hợp.
“Tôi thấy việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH rất thiết thực. Nhờ đó, thông tin sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn và hạn chế việc lợi dụng MXH để quảng cáo sai sự thật cũng như sử dụng lời lẽ thô tục, xúc phạm cá nhân, tổ chức trên MXH”- anh Bùi Hoàng Trương (ngụ xã An Bình- Long Hồ) chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Thiện Sơn- Chánh Thanh tra Sở TT-TT tỉnh, việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng.
Cụ thể, giúp cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nhận thức sâu sắc và thận trọng hơn trong ứng xử trên MXH, đồng thời có thái độ bình tĩnh, tự kiềm chế bản thân khi phát ngôn trên MXH đối với những sự việc liên quan đến mâu thuẫn cá nhân, sử dụng ngôn từ phản cảm.
Qua đó, tạo thói quen tích cực trong hành vi ứng xử của người sử dụng MXH để hướng đến chuẩn mực đạo đức trên môi trường mạng theo hướng an toàn, lành mạnh.
Căn cứ quy định tại Điều 84, Điều 101 và Điều 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi lợi dụng MXH để đăng tải những thông tin sai sự thật liên quan đến dịch COVID-19, gây hoang mang trong nhân dân có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 10- 20 triệu đồng và buộc hủy bỏ thông tin do thực hiện hành vi vi phạm. Nghiêm trọng hơn, hành vi xúc phạm nhân phẩm, uy tín của người khác hoặc tung tin đồn, tin giả với động cơ xấu, để lại hậu quả có thể bị xem xét xử lý hình sự theo các tội danh tại Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể là các tội: làm nhục người khác (Điều 155); vu khống (Điều 156); đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 288). |
Bài, ảnh: PHẠM TẤN
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin