Dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp tại Vĩnh Long với số ca mắc trong cộng đồng vượt hơn 1.700 ca tính đến sáng 16/8. Những ngày qua, có rất nhiều y, bác sĩ thầm lặng ngày đêm phân luồng, truy vết, xét nghiệm, cách ly, khám bệnh và chăm sóc cho các bệnh nhân tại các bệnh viện, cơ sở cách ly.
Lãnh đạo Bệnh viện và các y, bác sĩ điều trị Covid-19 ở Bệnh viện Phổi tỉnh Vĩnh Long trao đổi công tác điều trị bệnh. |
Dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp tại Vĩnh Long với số ca mắc trong cộng đồng vượt hơn 1.700 ca tính đến sáng 16/8. Những ngày qua, có rất nhiều y, bác sĩ thầm lặng ngày đêm phân luồng, truy vết, xét nghiệm, cách ly, khám bệnh và chăm sóc cho các bệnh nhân tại các bệnh viện, cơ sở cách ly.
Trên những tuyến đầu chống dịch gian nan, căng thẳng và vất vả là những cống hiến thầm lặng, sự tận tụy hết lòng vì bệnh nhân của những chiến sĩ áo trắng. Tính đến nay, bằng sự tận tâm ấy, đã có hàng trăm người bệnh Covid-19 được trị khỏi, trở về nhà với niềm hân hoan khôn siết.
Điều trị cả về thuốc và tâm lý
Chiều một ngày giữa tháng 8, chúng tôi đến tìm hiểu về công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 của Bệnh viện Phổi tỉnh Vĩnh Long (xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, Vĩnh Long) thì trùng dịp nơi đây có đợt xuất hiện bệnh nhân điều trị khỏi bệnh Covid. Niềm vui của những người ra viện trong lúc này cũng là sự mãn nguyện của các y, bác sĩ trong quá trình điều trị.
Bệnh nhân T.T.H (ngụ thị trấn Cái Nhun, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) cùng với bệnh nhân là mẹ ruột của mình đã 84 tuổi được xuất viện trong niềm hân hoan không siết. Anh H., chia sẻ: “Tôi và mẹ cùng mắc căn bệnh chưa có thuốc đặc trị nên gia đình rất lo lắng, nhất là mẹ tôi tuổi nay đã cao.
Khi được đưa đi điều trị ở Bệnh viện Phổi, chúng tôi lo lắng không biết khi nào mới được về với gia đình. Nhưng nhờ sự chăm sóc tận tình của các y bác sĩ ở đây mà bệnh tình của 2 mẹ con tôi từ trở nặng đã dần dần bình phục. Ở đây, y bác sĩ xem bệnh nhân như người nhà trong gia đình”.
Hai bệnh nhân cũng là hai mẹ con anh T.T.H khấn khởi trong ngày xuất viện. |
Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thanh Truyền, cho biết, ngay từ đầu mùa dịch năm 2000, Bệnh viện Phổi Vĩnh Long đã thành lập khu cách ly điều trị Covid-19 cho những bệnh nhân trên địa bàn tỉnh.
Hiện tại bệnh viện tiếp nhận điều trị Covid-19 cho những bệnh nhân nặng và nguy kịch được chuyển lên từ các trung tâm y tế và các bệnh viện dã chiến có chuyển biến nặng.
Tại đây có 20 giường bệnh, trong đó có 4 giường bệnh nặng hồi sức, có máy thở. Về phía nhân lực, bệnh viện cũng đã thành lập đội điều trị trong đó có 3 bác sĩ và 6 điều dưỡng luôn luôn túc trực.
Về trang thiết bị y tế, vật tư y tế giai đoạn đầu đảm bảo tốt. Hiện nay, nơi đây điều trị theo mô hình bệnh viện tách đôi, vừa đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho những bệnh lao, phổi và các bệnh khác có liên quan đồng thời cách ly điều trị những bệnh nhân Covid-19 nặng.
Trong thời điểm này, bệnh nhân Covid tăng đột biến, diễn biến nặng nhiều cho nên việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn.
Tính đến nay bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị gần 80 trường hợp, trong đó đã điều trị khỏi gần 60 trường hợp và còn gần 20 trường hợp đang tiếp tục điều trị.
Có được như thế cũng nhờ sự tận tuỵ, chăm lo hết mình của đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện, nhất là đội ngũ kíp trực điều trị tại đây đã không ngại khó khăn, vất vả…”.
Trong số các y bác sĩ điều trị ở đây, nhiều người chưa có gia đình hoặc có trường hợp mới lập gia đình có vài hôm, chưa có thời gian “hưởng tuần trăng mật”, nhưng cũng đã xung phong vào trận tuyến giành sự sống cứu người nơi đây.
Như bác sĩ Trần Diệu Ngọc Hân, vừa lập gia đình hồi tháng 7/2021, sau khi bàn bạc và được sự ủng hộ của gia đình đã xung phong nhận nhiệm vụ vào kíp trực điều trị bệnh Covid-19 nơi đây.
Bác sĩ Trần Diệu Ngọc Hân chia sẻ: “Hiện tại hàng ngày chúng tôi tiếp nhận và cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19 nguy kịch và nặng từ khu cách ly tập trung và bệnh viện dã chiến chuyển về đây. Chúng tôi vừa điều trị vừa kết hợp biện pháp dinh dưỡng hợp lý cho bệnh nhân.
Chúng tôi trú trọng công tác chăm sóc và động viên tinh thần để cho người bệnh có thể an tâm và hợp tác trong quá trình điều trị, giúp cho người bệnh sớm hồi phục được sức khoẻ và sớm về với gia đình bệnh nhân.
Áp lực trong công việc điều trị tại đây thì số lượng bệnh nhân ngày càng đông và những ca đa phần là bệnh nặng, nguy kịch, kèm nhiều bệnh ngoài, bệnh diễn biến nhanh và phức tạp.
Những ca bệnh nặng và nguy kịch phải theo dõi sát. Khi bệnh nhân có diễn biến thì chúng tôi có mặt ngay lập tức để có thể cấp cứu kịp thời không làm trì hoãn quá trình cấp cứu của bệnh nhân.
Có một số bệnh nhân người ta phát hiện mình bị nhiễm bệnh Covid thì họ rất là hoang mang lo lắng, đôi khi họ kích động, la hét.
Lúc đó đội ngũ bác sĩ lúc nào cũng ở bênh cạnh bệnh nhân để động biên, trấn an, an ủi tinh thần để họ yên tâm hợp tác điều trị. Đôi khi thấy mình giống như là một bác sĩ điều trị tâm lý.
Đối với tôi việc điều trị dùng thuốc thì cũng có biện pháp tâm lý, góp phần quan trọng trong công tác điều trị của mình”.
Tự tin khỏi bệnh
Trong ca trực, nếu có một bệnh nhân diễn biến nặng thì coi như bác sĩ và điều dưỡng phải thức suốt đêm. Khi ra khám bệnh phải mặc đồ bảo hộ từ bên ngoài vào khu vực điều trị, chăm sóc bệnh nhân, xử lý xong các bước thì quay trở vào ghi chép hồ sơ bệnh án.
Có nhiều lúc ra ngoài ghi hồ sơ chưa xong thì bệnh nhân tiếp tục diễn biến nữa thì phải quay trở lại điều trị tiếp.
Có những bác sĩ và điều dưỡng 2 đêm liền không được nằm xuống và cũng không được ngủ. Cho nên có nhiều lúc các y bác sĩ ở đây sa sút, mệt mỏi nhưng do có lòng yêu nghề, nhiệt tình mà anh em đã tự tin phấn đấu hết sức.
Có những lúc anh em chịu không nổi, than, nhưng có sự động viên của lãnh đạo, anh em đồng nghiệp tạo điều kiện hết mình trong khu vực điều trị có tinh thần thoải mái, cuộc sống tạm ổn khi xa nhà, anh em dần dần cũng ổn định tâm lý, đóng góp hết mình.
Trung bình một kíp trực làm khoảng 2 tuần, có những lúc bệnh nhân nhiều, căng thẳng quá thì giảm bớt thời gian giảm còn 1 tuần, anh em thay phiên gói đầu, chia sẻ với nhau để điều trị tốt hơn.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Truyền, bệnh nhân Covid nặng rồi thì lúc đó không còn là chuyên khoa nữa, mà là hầu như tất cả các cơ quan, các khoa đều có hết.
Ví dụ ở ngoài điều trị bệnh phổi thì bác sĩ chỉ tập trung điều trị cơ quan phổi. Khi vào trong đó điều trị cho bệnh nhân Covid-19, lúc bệnh nặng thì tim mạch cũng có, tiểu đường cũng đó, tăng huyết áp cũng có, suy thận cũng có, coi như vô đó là đa khoa.
Hầu như một bác sĩ vô đó thì có kinh nghiệm hoặc có sự học hỏi rất là nhiều và đồng thời bệnh viện cũng phải tổ chức tốt công tác hội chuẩn.
Các bác sĩ trong đó mỗi bác sĩ đều có sở trường riêng, khi có bệnh nhân diễn biến nặng phải hội chuẩn với mấy anh em bên ngoài. Hội chuẩn qua camera, qua trực tuyến.
Nếu không được nữa thì phải làm hồ sơ xin hội chuẩn Bệnh viện đa khoa tỉnh, xin hội chuẩn Bệnh viện Trung ương Cần Thơ để điều trị. “Nghĩa là một bệnh nhân nguy kịch thì suy ra ngũ tạng không còn là một cơ quan nữa, cho nên đòi hỏi một bác sĩ phải tâm huyết, bác sĩ phải chịu đầu tư, bác sĩ phải hội chuẩn nhiều ý kiến, nhiều bác sĩ, nhiều chuyên khoa lại mới có hy vọng cứu được bệnh nhân”, bác sĩ Nguyễn Thanh Truyền, nhấn mạnh.
Theo BÁ DŨNG/Nhân dân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin