Phát triển kinh tế hộ từ vốn vay tín dụng

06:08, 27/08/2021

Phát huy mô hình phát triển kinh tế từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách, những năm qua, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Long và các phòng giao dịch cấp huyện đã thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng, trong đó có vay tín dụng phát triển kinh tế hộ gia đình.

 

Mô hình nuôi ếch thịt của bà Ngọc Em ở xã Trung Nghĩa.
Mô hình nuôi ếch thịt của bà Ngọc Em ở xã Trung Nghĩa.

(VLO) Phát huy mô hình phát triển kinh tế từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách, những năm qua, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Long và các phòng giao dịch cấp huyện đã thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng, trong đó có vay tín dụng phát triển kinh tế hộ gia đình.

Năm 2018, hộ gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Em (ấp Trường Hội, xã Trung Nghĩa- Vũng Liêm) được tổ vay vốn xem xét cho vay thông qua hội phụ nữ quản lý với số vốn ban đầu 20 triệu đồng. Nguồn vốn này giúp bà Ngọc Em phát triển mô hình nuôi ếch.

Bà Ngọc Em kể, thời gian đầu vừa làm vừa học hỏi nhiều nơi. Quá trình chăn nuôi có kinh nghiệm tích lũy và nuôi các lứa ếch tiếp theo.

Trên cơ sở đó, địa phương thấy gia đình chí thú làm ăn nên Tổ Vay vốn của Hội Phụ nữ xã đã tham mưu xét cho vay vốn 100 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm, thời hạn vay 24 tháng (tới tháng 10/2022).

Từ nguồn vốn khá lớn, bà Ngọc Em mạnh dạn làm mô hình vừa nuôi ếch thịt và sản xuất ếch giống, cung cấp cho thị trường địa phương và một số địa bàn lân cận.

Hồ hởi qua điện thoại, bà Ngọc Em cho biết đã đóng lãi và gửi tiết kiệm đầy đủ hàng tháng theo quy định của ngân hàng. Đến nay sau lứa ếch mới xuất bán, “tui đã trả dần được 25 triệu đồng của khoản vay mới”.

Theo ông Phạm Trọng Đức- Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vũng Liêm, chương trình cho vay giải quyết việc làm và mở rộng việc làm của huyện đến nay đã cho vay 820 dự án, giải quyết việc làm cho hơn 850 lao động.

Từ nguồn vốn vay, các gia đình thực hiện dự án, mô hình có hiệu quả như chăn nuôi: bò, dê, lươn, ếch, cải tạo vườn kém hiệu quả...

Có thể kể như hộ ông Phạm Hữu Tài (xã Hiếu Thành) vay 100 triệu đồng nuôi dê. Hộ ông Trần Văn Trưởng (xã Trung Nghĩa) vay 70 triệu đồng nuôi lươn. Gia đình ông Nguyễn Hoàng Khanh (xã Hiếu Thành) vay 80 triệu đồng trồng cam sành. Ông Nguyễn Văn Luận (xã Trung Thành) vay 90 triệu chăn nuôi bò...

Theo ông Phạm Trọng Đức, từ nguồn vốn vay, nhiều hộ gia đình đạt được hiệu quả kinh tế, trả vốn lãi vay đúng hạn, vươn lên ổn định đời sống. Tính đến nay, phòng giao dịch thực hiện 12 chương trình tín dụng, với tổng dư nợ 288 tỷ đồng, có trên 13.000 hộ gia đình vay vốn.

Theo đánh giá, nguồn vốn vay sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Nguồn vốn tín dụng chính sách tập trung đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Qua đó, kịp thời hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách có vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, duy trì việc làm và bảo đảm an sinh xã hội.

Các mô hình dự án canh tác sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình qua chăn nuôi, trồng trọt sử dụng hiệu quả vốn vay tín dụng chính sách, đem lại hiệu quả kinh tế đã giúp các hộ gia đình nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.

Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh