Lao động, việc làm qua các làn sóng dịch COVID-19

07:08, 11/08/2021

Đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát hồi cuối tháng 4/2021 đã gây ảnh hưởng đến các mặt đời sống và có thể thấy góc phản chiếu lớn nhất là câu chuyện "công ăn, việc làm" của người lao động.

 

 

Người lao động nông thôn và công ăn việc làm (ảnh chụp ngày 13/6/2021, lúc chưa giãn cách xã hội).
Người lao động nông thôn và công ăn việc làm (ảnh chụp ngày 13/6/2021, lúc chưa giãn cách xã hội).

Đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát hồi cuối tháng 4/2021 đã gây ảnh hưởng đến các mặt đời sống và có thể thấy góc phản chiếu lớn nhất là câu chuyện “công ăn, việc làm” của người lao động.

Bé Hảo (tên ở nhà)- con vợ chồng anh Trần Văn Ân- buột miệng, “cha đi làm đi, mẹ ở nhà, không có bàn tay mẹ con ngủ trưa không được”. Anh Ân kể lại với tôi câu nói văn vẻ như vậy từ đứa con gái 5 tuổi của mình. Câu chuyện được nêu khi anh hoặc vợ luân phiên làm việc, thời điểm các địa bàn trong tỉnh đang giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19.

Anh Ân (35 tuổi, xã Lộc Hòa, Long Hồ) cùng vợ làm công nhân chuyên ngành thực phẩm. Anh nói đã đăng ký và tùy tình hình công ty quyết, anh đi làm, còn vợ ở nhà để... “con gái anh có bàn tay mẹ để ngủ trưa”. Tất cả trên tinh thần tuân thủ cao độ giải pháp phòng chống dịch bệnh của chính quyền, công ty và thực tế công việc. Đi làm, anh Ân được cộng tiền hơn 200.000 đ/ngày; còn nghỉ ở nhà, anh nói vợ chồng đều được hưởng 75% lương tháng tính theo mức lương tối thiểu vùng. Nhưng từ “câu chuyện ngủ trưa” kể trên, đã phản ánh công việc ở nhiều công ty doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, công nhân, người lao động ít nhiều bị ảnh hưởng bằng cách tạm nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, ngừng việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập...

Khi chưa giãn cách, chúng tôi đi theo một lớp dạy nghề mà ở đó việc dạy- học đồng thời đảm bảo phòng dịch COVID-19. Chị Kim Thảo (44 tuổi, xã Mỹ Lộc- Tam Bình) cùng các cô các chị thông qua hội phụ nữ các cấp phối hợp đơn vị liên quan đem nghề đan khung ghế về ấp dạy cho người lao động nông nhàn. Chị Thảo kể trước đây làm công nhân cho công ty ở Khu công nghiệp Hòa Phú. Ảnh hưởng dịch bệnh, chị nghỉ về lo con và cùng chồng làm ruộng. Xen giữa các công việc trên với giai đoạn là công nhân may 13 năm là chị làm các nghề: may gia công tại nhà sau giờ làm tại xưởng; đan gia công dây nhựa tròn;...

Dịch COVID-19 đã khiến đơn hàng chững lại. Chị nghỉ làm việc đã mấy tháng trước khi đăng ký học nghề đan dây nhựa này và đây cũng là giải pháp góp chút thu nhập cho đời sống”- chị Thảo nói trong lúc tay vừa xiên rồi bện dây nhựa trên khung.

Hôm 14/7/2021, ông Nguyễn Đình Khang- Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam- tại hội nghị giữa Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) với 63 tỉnh- thành cả nước cho biết, công đoàn các cấp thống kê gần 500.000 công nhân lao động phải nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên hoặc mất việc làm từ cuối tháng 4/2021 đến nay. Đó cũng là thời điểm đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chi khẩn cấp 113 tỷ đồng để hỗ trợ hơn 193.000 lao động. Dự báo thời gian tới số lượng công nhân bị ảnh hưởng COVID-19 vẫn còn tăng, ông Nguyễn Đình Khang cho rằng, các cấp ngành và địa phương cần đẩy nhanh tiến độ triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Lê Tấn Dũng cho biết, làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát hồi cuối tháng 4/2021 đã ảnh hưởng đến đà khôi phục việc làm và cải thiện thu nhập của người lao động trong quý II. Thống kê trong quý II, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, gồm: bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập; tăng thêm 3,7 triệu người so quý I. Song đó, dịch bệnh cũng đã đẩy 1,8 triệu người lao động trên cả nước vào tình trạng không có việc làm và khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Lao động có việc làm quý II là 19,4 triệu người, giảm 1,32%.

Trước đó ngày 12/7/2021, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Vĩnh Long ban hành kế hoạch số 61 triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Cũng ngày 12/7/2021, BHXH tỉnh Vĩnh Long ban hành văn bản số 1035 gửi các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long hướng dẫn thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg trên tinh thần triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Đào Ngọc Dung cho rằng: Chưa bao giờ công ăn, việc làm lại là gánh nặng cực lớn như lúc này. Bộ trưởng đã yêu cầu ngành LĐ-TB và XH các tỉnh- thành giảm bớt thủ tục hành chính để đẩy nhanh tốc độ triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 68. Nhiều địa phương bây giờ đang giãn cách, cách ly, tạm dừng hoạt động kinh doanh, dịch vụ... vì vậy cần phải giảm bớt thủ tục giấy tờ vì “bây giờ người dân khó khăn, việc trao tiền hỗ trợ sớm nhất cho họ mới thật sự ý nghĩa”.

Người bán vé số dạo nhận phần ăn trưa miễn phí tại địa điểm ở Phường 8. Người bán vé số dạo và người lao động tự do khác bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 (ảnh chụp ngày 1/7/2021).
Người bán vé số dạo nhận phần ăn trưa miễn phí tại địa điểm ở Phường 8. Người bán vé số dạo và người lao động tự do khác bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 (ảnh chụp ngày 1/7/2021).

Anh Ân nói vẫn lo nhưng phải đi làm và bản thân như mọi công nhân lao động, người dân đều phải tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch ở địa bàn và trong công việc. Chị Thảo làm việc tại nhà nhưng sau một loáng đan xong hơn 100 sản phẩm lúc đầu, hiện chị em phải đợi đơn hàng gia công và “giờ phải chờ sau giãn cách mới biết”...

Cùng những tác động tiêu cực do ảnh hưởng dịch bệnh đối với việc làm, nghề nghiệp, thu nhập,... ngành LĐ-TB và XH cho biết tỷ lệ rút BHXH một lần tăng lên, tỷ lệ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp tục tăng và dự báo sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Bị tác động trực diện hơn cả là lực lượng lao động tự do- thuộc nhóm hỗ trợ thứ 12 theo Nghị quyết 68. Đối với lao động không có hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác: Căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách địa phương, các tỉnh – thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.

Tại Vĩnh Long, ngày 17/7/2021, Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định ban hành chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ đối với người lao động trên địa bàn tỉnh không có giao kết hợp đồng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

 

Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh