Bước đầu việc chi tiền hỗ trợ người lao động tự do, người bán vé số gặp khó khăn do COVID-19 đã cơ bản hoàn thành (trừ số ít đang ở khu vực phong tỏa hoặc cách ly y tế). Đồng thời, các ngành chức năng đang trong quá trình hướng dẫn hồ sơ để đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ hộ kinh doanh, các đơn vị sử dụng lao động và người lao động có hợp đồng lao động.
Bước đầu việc chi tiền hỗ trợ người lao động tự do, người bán vé số gặp khó khăn do COVID-19 đã cơ bản hoàn thành (trừ số ít đang ở khu vực phong tỏa hoặc cách ly y tế). Đồng thời, các ngành chức năng đang trong quá trình hướng dẫn hồ sơ để đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ hộ kinh doanh, các đơn vị sử dụng lao động và người lao động có hợp đồng lao động.
Đến nay đã có tổng cộng hơn 25.200 người bán vé số và người lao động tự do (chạy xe ôm, bán hàng rong, thu mua phế liệu,...) trong tỉnh nhận được tiền hỗ trợ khó khăn do dịch COVID-19. |
Hỗ trợ kịp thời các đối tượng
Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ- TBXH) vừa chủ trì họp trực tuyến với 63 tỉnh- thành nhằm đôn đốc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Báo cáo của Sở LĐ- TBXH Vĩnh Long cho biết, đến nay đã triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người bán vé số, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) cơ bản hoàn tất; đồng thời đang trong quá trình hướng dẫn hồ sơ hỗ trợ đối với người sử dụng lao động và người lao động có hợp đồng lao động, hộ kinh doanh.
Theo bà Huỳnh Thị Mỹ Hà- Phó Giám đốc Sở LĐ- TBXH, chính sách hỗ trợ lao động tự do đến thời điểm báo cáo đã chi hỗ trợ 7.100 người bán vé số, tổng số gần 9 tỷ đồng; chi hỗ trợ cho 18.118 lao động tự do, với tổng kinh phí gần 22 tỷ đồng.
Đối với chính sách hỗ trợ đối tượng điều trị, cách ly y tế, đến nay đã hỗ trợ 1.133 F0 (hơn 2,4 tỷ đồng); 2.567 F1 (hơn 3,4 tỷ đồng); hỗ trợ bổ sung 327 trẻ em là F0, F1, mỗi trường hợp 1 triệu đồng.
Ngoài ra, một số chính sách khác của tỉnh cũng được ngành tham mưu trình UBND tỉnh để ban hành quyết định hỗ trợ cho đối tượng gặp khó khăn do dịch COVID-19. Theo đó, hỗ trợ cho 13.798 hộ nghèo, cận nghèo gặp khó khăn do dịch COVID-19, tổng số hơn 4,1 tỷ đồng (300.000 đ/hộ) từ nguồn của Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long hỗ trợ quỹ phòng chống COVID-19 và quỹ Vì người nghèo do UBMTTQ Việt Nam tỉnh quản lý.
Tương tự, hỗ trợ 161 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và 166 người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh Vĩnh Long đang cư trú trên địa bàn TP Hồ Chí Minh gặp khó khăn có nhu cầu trở về địa phương, tổng số hơn 245 triệu đồng (750.000 đ/suất).
Dự kiến đề xuất sử dụng quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Vĩnh Long chi hỗ trợ 390 trẻ em là F0, F1 (nhu yếu phẩm: sữa, bánh,...) trong các khu cách ly trên địa bàn tỉnh, với 58 triệu đồng (200.000 đ/suất/em).
Phải chủ động tìm đến đối tượng để hỗ trợ
Về thực hiện chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động có hợp đồng lao động, hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, đã có một số kết quả bước đầu.
Đến nay BHXH tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện giảm mức đóng vào quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong tháng 7 cho 1.167 đơn vị, với hơn 71.000 người, kinh phí giảm đóng trên 1,7 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Long đã giải ngân cho 1 doanh nghiệp vay hơn 250 triệu đồng để trả lương ngừng việc cho 73 lao động. Đối với chính sách hỗ trợ viên chức nghệ thuật và hướng dẫn viên du lịch, qua rà soát của Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch, có tổng cộng khoảng 100 người (20 viên chức nghệ thuật, 80 hướng dẫn viên du lịch) với tổng kinh phí hỗ trợ 371 triệu đồng.
Theo bà Huỳnh Thị Mỹ Hà, hiện nay phần lớn chính sách liên quan đến người sử dụng lao động và người lao động có hợp đồng lao động chưa có hồ sơ cụ thể, đang trong quá trình hướng dẫn cho đối tượng do các chính sách đều gắn với thời gian tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của UBND tỉnh. Sở vẫn đang phối hợp các đơn vị, địa phương để đôn đốc triển khai chính sách kịp thời đến đối tượng thụ hưởng. Đồng thời sở có công văn gửi UBND các huyện- thị- thành đôn đốc các địa phương khẩn trương rà soát, lập danh sách, xác định đối tượng trên tinh thần rà soát đúng đối tượng đến đâu thì tổng hợp trình quyết định hỗ trợ đến đó, không để trì hoãn, chậm trễ trong giải quyết chính sách hỗ trợ theo quy định.
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung đánh giá cao các địa phương đã khẩn trương triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg. Công tác phối hợp, triển khai thực hiện giữa ngành LĐ- TBXH, chính quyền địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội, BHXH đã khá nhịp nhàng. Bộ đề nghị các địa phương phải chủ động tìm đến các đối tượng để hỗ trợ, không thụ động chờ đợi. Tăng cường rà soát, nắm bắt đời sống nhóm đối tượng lao động tự do nhất là các khu vực giãn cách xã hội, phong tỏa gắn với đó là vận động cộng đồng, toàn dân thực hiện các chính sách hỗ trợ.
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin