Chăm lo hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh

05:08, 17/08/2021

Dịch COVID- 19 diễn biến phức tạp khiến cho cuộc sống của những người nghèo, hoàn cảnh khó khăn, những đối tượng yếu thế… vốn đã khó khăn nay càng chật vật hơn.

(VLO) Dịch COVID- 19 diễn biến phức tạp khiến cho cuộc sống của những người nghèo, hoàn cảnh khó khăn, những đối tượng yếu thế… vốn đã khó khăn nay càng chật vật hơn. Thấu hiểu điều đó mà các địa phương, tổ chức đoàn thể đã có những việc làm thiết thực để hỗ trợ giúp các hoàn cảnh ấy phần nào bảo đảm đời sống, yên tâm thực hiện giãn cách xã hội.

Nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực cho những hoàn cảnh gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID- 19.
Nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực cho những hoàn cảnh gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID- 19.

“Không để ai bị bỏ lại phía sau”

Những ngày đầu thực hiện giãn cách, bà Lê Thị Lượm (phường Trường An- TP Vĩnh Long) không tránh khỏi những lo lắng. Hoàn cảnh neo đơn lại bị bệnh hiểm nghèo nên bà không biết làm thế nào khi dịch vẫn còn đang diễn ra phức tạp.

Nhưng ngay sau đó, bà đã được địa phương đến trao tặng nhu yếu phẩm. Rồi những ngày kế tiếp, khi thì bà được mạnh thường quân hỗ trợ quà, gạo, khi thì được các bạn trẻ tặng rau, củ…

Với bà, những ngày qua thật thấm đẫm tình người bởi vì nhận rất nhiều sự quan tâm, chia sẻ. “Nhờ vậy mà tôi không phải lo lắng ăn uống hàng ngày mà yên tâm thực hiện giãn cách”- bà cho biết.

Để kịp thời hỗ trợ cho những đối tượng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, Đảng ủy, UBND, UBMTTQ Việt Nam phường Trường An đã vận động trên 2.000 phần quà hỗ trợ cho người nghèo, hoàn cảnh khó khăn.

Đặc biệt, địa phương còn trực tiếp đến kêu gọi các chủ nhà trọ miễn giảm tiền thuê nhà cho công nhân lao động thất nghiệp đang ở trọ trên địa bàn.

Trong lúc dịch bệnh ngày càng “nóng” thì hoạt động hỗ trợ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng đang gặp khó được các cấp, các ngành, các địa phương tập trung quyết liệt.

Qua đó, tiếp thêm niềm tin cho những mảnh đời không may có thêm động lực vượt khó, an tâm cùng chung tay góp phần phòng chống dịch.

Như UBMTTQ Việt Nam tỉnh vừa triển khai hỗ trợ 95.000 suất ăn cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh. Đảng ủy, UBND xã Vĩnh Xuân (Trà Ôn) thì nỗ lực kêu gọi sự chung tay góp sức của cộng đồng đóng góp hàng trăm triệu đồng chăm lo đời sống cho người dân.

Hay như Đảng ủy, UBND, UBMTTQ Việt Nam và đoàn thể phường Tân Hội (TP Vĩnh Long) đã vận động, quyên góp hỗ trợ gần 3.000 phần quà giúp cho hộ nghèo, cận nghèo, người yếu thế… phần nào vượt qua khốn khó.

Còn ở TX Bình Minh, các hoạt động hướng về các đối tượng này cũng được tổ chức hiệu quả. Bên cạnh, hàng ngàn phần quà cho người nghèo, cận nghèo và người dân các khu phong tỏa do UBMTTQ Việt Nam TX Bình Minh vận động thì không ít cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tại địa phương cũng tích cực chia sẻ với cộng đồng bằng tất cả tấm lòng “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Có thể kể đến mô mình “Chợ phiên 0 đồng” của Thị Đoàn Bình Minh đã được tổ chức từ khi thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều mặt hàng như gạo, mì gói, nước tương, nước mắm, dầu ăn, rau củ quả… đã hỗ trợ cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn.

Theo chị Trần Thanh Thị Thùy Linh- Bí thư Thị Đoàn Bình Minh, đây là hoạt động thiết thực nên được sự đồng tình của mạnh thường quân. Chính vì vậy mà các mặt hàng cũng phong phú và đa dạng góp phần cải thiện bữa ăn cho bà con.

Nghĩa tình khi dịch bệnh

Chuyến xe yêu thương của Công an và Xã Đoàn An Phước đến trao quà cho công nhân lao động.
Chuyến xe yêu thương của Công an và Xã Đoàn An Phước đến trao quà cho công nhân lao động.

Mong muốn chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, mới đây chuyến xe yêu thương của Công an và Xã Đoàn An Phước (Mang Thít) đã lăn bánh đến với những hoàn cảnh cần sự trợ giúp.

Gần trăm phần quà nghĩa tình do các thành viên đóng góp đã mang niềm vui đến với các gia đình kém may mắn.

Anh Trần Văn Phúc- Bí thư Xã Đoàn An Phước- cho biết, ấn tượng nhất trong hành trình kết nối trái tim của mình là chuyến tặng quà cho các công nhân lao động quê Kiên Giang đang ở trọ tại ấp Hòa Phú, vì thực hiện giãn cách nên không về quê được.

Khi nhận được tin cần sự giúp đỡ, anh cùng các thành viên đã đến gửi tặng nhu yếu phẩm cần thiết cho các hoàn cảnh này.

“Đến tận nơi mới thấy được đời sống của các anh chị công nhân chật vật lắm. Hết lương thực nên anh chị đi bắt ốc, hái rau muống ăn cho qua ngày. Khi mình đến trao quà, họ mừng lắm làm mình cũng vui lây. Tình người là ở đây!”- anh cười tươi nói.

Khi nhận được quà hỗ trợ, chị Trịnh Kỳ Anh (huyện Giồng Riềng- Kiên Giang) không khỏi xúc động, bởi “trong lúc này một ký đường, chai nước mắm hay ly mì cũng thật ấm lòng”.

Trong những lúc nguy khó, các hoạt động san sẻ của tình người lại tỏa sáng hơn bao giờ hết, tiếp thêm niềm tin vượt qua khó khăn cùng nhau đẩy lùi đại dịch.

Nhiều ngày qua, Hội LHPN TP Vĩnh Long đã đưa vào hoạt động mô hình “Bếp ăn 0 đồng”. Mỗi ngày các chị em tiếp sức từ 500- 600 suất ăn gồm cơm, súp, cháo… giúp bệnh nhân nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong khu phong tỏa và các lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Trong khi đó, phát huy tinh thần tương thân tương ái “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, nhờ sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường, Đoàn Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long đã vận động các mạnh thường quân trao tặng trên 250 phần quà gồm mì gói, trứng vịt, dưa leo, bí đao… cho sinh viên của trường không thể về quê do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Tham gia chuẩn bị chu đáo các phần quà, chở đến tận nơi rồi tận tình tiếp tế cho các sinh viên, bạn Nguyễn Thị Minh Anh- sinh viên ngành công nghệ sinh học- chia sẻ: “Đây chính là sự quan tâm của nhà trường cũng như tình cảm của các em dành cho các bạn đang cần sự trợ giúp”.

Còn đối với các bạn bị “mắc kẹt” tại nhà trọ không thể ra ngoài thì đây chính là món quà vô cùng ý nghĩa vì “không chỉ phần nào cải thiện được bữa ăn mà còn tiếp thêm “liều thuốc tinh thần” để chúng em an tâm thực hiện giãn cách”- bạn Trương Thành Khang- sinh viên ngành công nghệ thông tin bộc bạch.

Bài, ảnh: CẨM HUỆ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh