"Trong triển khai NQ 68/NQ-CP, nhiều địa phương đã giải ngân hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ, như: TPHCM, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang… So với tiến độ thực hiện NQ 42/NQ-CP là bước tiến vượt bậc…".
"Trong triển khai NQ 68/NQ-CP, nhiều địa phương đã giải ngân hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ, như: TPHCM, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang… So với tiến độ thực hiện NQ 42/NQ-CP là bước tiến vượt bậc…".
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại hội nghị trực tuyến (Ảnh: Đỗ Linh). |
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với 63 điểm cầu trong cả nước về tình hình thực hiện Nghị Quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Chương trình được Bộ LĐ-TB&XH tổ chức sáng 5/8.
Sau khi nghe các địa phương báo cáo tiến độ triển khai, phát biểu tại điểm cầu chính tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn kiên định thực hiện các giải pháp thực hiện các mục tiêu kép một cách linh hoạt. Theo đó, nơi nào an toàn thì tập trung sản xuất, nơi nào có dịch thì tập trung chống dịch, đặt mục tiêu lớn nhất về an toàn tính mạng, sức khỏe và đời sống của người dân lên hàng đầu.
Chính sách thông thoáng hơn nhiều
Đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ còn gặp nhiều khó khăn, Bộ trưởng đánh giá công tác phối kết hợp giữa ngành LĐ-TB&XH, chính quyền địa phương, ngân hàng CSXH và BHXH khá nhịp nhàng.
Bộ trưởng cho biết: "Thực tế cho thấy, việc triển khai NQ 68 và QĐ 23 đang đi đúng hướng, thiết thực và phù hợp với điều kiện hiện nay. NQ 68 đã thông thoáng và cởi mở, tạo điều kiện tối đa để người lao động và người sử dụng lao động dễ tiếp cận các chính sách, địa phương dễ triển khai".
Theo đó, xu hướng nhận xét chung ở địa phương cho thấy, chính sách là phù hợp, kể cả chủ trương giao nhóm lao động tự do cho các địa phương tự triển khai là đúng đắn.
Tới nay, 63/63 địa phương đã ban hành các quyết định chính sách thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, toàn quốc đã đạt những kết quả tương đối tốt, thậm chí có nhóm chính sách đã có thể gần hoàn thành, như chính sách giảm mức đóng vào quỹ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Và đặc biệt là không phát sinh thêm thủ tục nào cả.
Việc triển khai hỗ trợ nhóm chính sách hỗ trợ lao động tạm nghỉ việc, nhóm F1, F0 thực hiện nhanh và có hiệu quả. Chính sách cho người sử dụng lao động vay trả lương và phục hồi sản xuất, thực hiện tốt ở nhiều địa bàn.
Riêng với lao động tự do, đối tượng vốn bị tác động sâu và nặng nề đã được triển khai hiệu quả nhất trong đợt này. Điển hình là TPHCM đang đi đầu dù khó khăn nhất, công tác triển khai đã kéo sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở địa phương.
Báo Dân trí triển khai tuyên truyền tốt chính sách hỗ trợ
"Về tuyên truyền vận động thời gian qua tương đối tốt. Đài Truyền hình Việt Nam, Báo điện tử Dân trí và các báo điện tử tuyên truyền rất tốt. Qua đó, công tác thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động cơ bản nhận được sự đồng tình của xã hội. Những phản ánh của người lao động qua Cổng dịch vụ Công Quốc gia và các kênh khác đều phản ánh là chính sách phù hợp, hiệu quả và đúng nguyện vọng…" - Bộ trưởng khẳng định.
Bên cạnh việc triển khai triển khai NQ 68, QĐ 23, TPHCM đã thực hiện hiệu quả NQ 09 của HĐND TP.HCM. Tới nay, TPHCM đã giải ngân xong gói 886 tỷ đồng.
Điển hình, TPHCM đã chi trả hỗ trợ cho 345.000 lao động tự do với tổng kinh phí hơn 518 tỷ đồng, hỗ trợ cho hơn 1.200 người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ gần 6.000 hộ kinh doanh phải dừng hoạt động với tổng kinh phí khoảng 12 tỉ đồng.
Không chỉ dừng lại ở đó, TPHCM đang nghiên cứu việc triển khai hỗ trợ lần 2 tới 345.000 lao động tự do, với tổng ngân sách khoảng 500 tỷ đồng.
Với TP Hà Nội, Bộ trưởng cũng đánh giá cao sự chuyển biến, rút kinh nghiệm trong cách triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động.
TP Hà Nội đã rút ngắn quy trình, thời gian giải quyết và ủy quyền cho các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ; tiếp nhận qua bưu điện hồ sơ đề nghị hỗ trợ của người lao động tại 15 điểm, sàn giao dịch việc làm đặt tại một số quận, huyện, thị xã; giảm thời gian giải quyết 5 thủ tục hành chính trong QĐ 23...
Đồng thời, TP Hà Nội cũng huy động kinh phí từ nhiều nguồn lực để có những hoạt động thiết thực, như: Xây dựng và tổ chức "Siêu thị 0 đồng - Hà Nội trái tim hồng" với 250 suất trị giá 100 triệu đồng; hỗ trợ nhu yếu phẩm, cấp phát thiết bị phòng chống dịch; ủng hộ, phối hợp tặng 68 triệu đồng, 111.680 khẩu trang, 900 bộ đồ BHYT, 1.100 tấm chắn, 2.500 băng đeo khẩu trang…
Với Bình Dương, tổng số hồ sơ đã thống kê tới ngày 4/8 là 77.567 hồ sơ với số tiền dự kiến chi là 289,8 tỷ đồng, trong đó tổng số hồ sơ đã chi: 40,517 hồ sơ với số tiền là 55,28 tỷ đồng. Riêng đối với chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất: Số đơn vị được giảm mức đóng là 14.361 đơn vị cho 1.011.795 lao động với tổng số tiền là 395,9 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhiều tỉnh thành cũng nỗ lực triển khai với kết quả khả quan, như: Bình Định phê duyệt giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho hơn 71.000 người với tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng; Cần Thơ chi trả cho 6.300 lao động tự do với hơn 7,6 tỷ đồng, Long An chi hỗ trợ 28.5000 người với kinh phí 28 tỷ đồng, Đồng Tháp chi trả 22.900 người với kinh phí 34,2 tỷ đồng...
"Nhiều địa phương đã triển khai giải ngân với số tiền lớn, như: Hải Dương giải ngân tới 107 tỷ đồng, Bắc Ninh 75 tỷ đồng, Bắc Giang 63 tỷ đồng, Thanh Hóa 74 tỷ đồng, Thái Nguyên 57 tỷ đồng… So với tiến độ thực hiện của Nghị quyết 42/NQ-CP năm 2020 là một bước tiến bộ vượt bậc" - Bộ trưởng đánh giá.
Tận dụng thời gian 10 ngày "vàng"
Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận xét: "Cần thẳng thắn thừa nhận, về cơ bản, 26 địa phương đang áp dụng việc giãn cách đang thực hiện tốt chính sách hỗ trợ. Điều này cho thấy, không phải địa phương gặp khó khăn sẽ thực hiện hỗ trợ không tốt, nhưng những địa phương bình thường thì lại làm chưa tốt".
Thậm chí có địa phương cách đây 1,2 ngày mới ban hành quyết định triển khai của cấp có thẩm quyền, còn trước đó mới có chủ trương, xin ý kiến các cấp trong tỉnh.
Bộ trưởng nhấn mạnh: "Cần rà soát lại công tác, nếu trách nhiệm của ngành thì chúng ta chịu trách nhiệm, còn không thì báo về Trung ương. Chúng ta không chịu sức ép gì cả, đặt tất cả vì quyền lợi người dân. Bởi người dân khát khao lắm rồi, đừng thờ ơ với việc này".
Chính vì vậy, việc triển khai cần năng động, sáng tạo cách làm. Trong cái khó cần tìm ra cái mới, trong cái khó ló cái khôn.
"Các địa phương rà soát lại công việc đang triển khai. Nếu chưa có kế hoạch cần phân công chi tiết việc theo dõi triển khai nhóm chính sách hỗ trợ cụ thể và chi tiết hóa trách nhiệm cá nhân. Giám đốc sở LĐ-TB&XH phụ trách mảng gì, Phó giám đốc sở phụ trách gì, trưởng phòng phụ trách gì? Bên cạnh đó cần áp dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo…" - Bộ trưởng lưu ý.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: "Qua sự kiện này cần rút kinh nghiệm phối hợp với các ngành BHXH, tài chính theo nguyên tắc: "Không tăng thủ tục, chỉ giảm thời gian thực hiện".
Lưu ý việc phân cấp thẩm quyền để thúc đẩy triển khai nhanh hơn, Bộ trưởng đơn cử mô hình triển khai nhanh của TPHCM và nhiều tỉnh: Quy định của NQ 68 và QĐ 23 giao nhiệm vụ cho Chủ tịch UBND tỉnh. Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền tới các cấp huyện triển khai, tránh dồn ứ.
Bộ trưởng lưu ý việc giải thích cho chủ doanh nghiệp hiểu về chính sách còn chưa tốt. Đặc biệt là chính sách vay vốn trả lương và phục hồi sản xuất.
"Với nhóm lao động tạm dừng hợp đồng lao động, nhiều doanh nghiệp bị phong tỏa. Vậy chúng ta đã đến với họ chưa hay chờ họ tới? Lúc khó khăn này, chúng ta cần chủ động tới họ, đương nhiên doanh nghiệp cần có trách nhiệm chính" - Bộ trưởng nêu vấn đề.
Thực tế cho thấy, số doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn vay nhiều hơn thời điểm áp dụng Nghị quyết 42/NQ-CP, nhưng với thực tế thì vẫn còn khiêm tốn.
Bộ trưởng khẳng định nguồn vốn 7.500 tỷ đồng dùng để cho vay nếu giải ngân hết là điều mừng: "Nếu hết, Bộ sẽ đề xuất Chính phủ xem xét tái cấp vốn tiếp".
Ngoài ra, chính sách cho vay để doanh nghiệp có kế hoạch đào tạo lại người lao động tới nay chưa có nhiều "chuyển động". Bộ trưởng yêu cầu, các doanh nghiệp cần nắm bắt thời cơ hỗ trợ nâng cao tay nghề cho người lao động.
Chia 3 nhóm địa phương để dễ triển khai chính sách
Kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất việc phân nhóm các địa phương để dễ triển khai hỗ trợ theo chính sách.
Cụ thể, nhóm các địa phương không có dịch cần phấn đấu trong 10 ngày triển khai xong các nhóm chính sách hỗ trợ về BHXH và tiền mặt, trừ chính sách vay hỗ trợ đào tạo, đơn cử như: Lạng Sơn, Yên Bái, Hà Giang, Bắc Kạn, Quảng Ninh…
Với nhóm địa phương có dịch nhưng chưa thuộc diện áp dụng phong tỏa theo Chỉ thị 16 cần vận động xúc tiến nhanh việc hỗ trợ tiền mặt, BHXH và cho vay trả lương.
Bên cạnh đó, các tỉnh trên cần vận động doanh nghiệp lập kế hoạch đào tạo từ nguồn kinh phí 4.500 tỷ đồng của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Đồng thời với 26 tỉnh đang áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16, điều cần thiết nhất là hỗ trợ cái ăn, mặc cho người lao động.
Theo Hoàng Mạnh/Dân trí
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin