Từ khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, mỗi tối nơi căn phòng trọ vài chục mét vuông ở số 5/29, đường Phan Văn Đáng (Phường 8, TP Vĩnh Long) có 3 "đầu bếp" vẫn thầm lặng nhóm bếp nấu những suất cơm nghĩa tình gửi đến các hoàn cảnh khó khăn…
(VLO) Từ khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, mỗi tối nơi căn phòng trọ vài chục mét vuông ở số 5/29, đường Phan Văn Đáng (Phường 8, TP Vĩnh Long) có 3 “đầu bếp” vẫn thầm lặng nhóm bếp nấu những suất cơm nghĩa tình gửi đến các hoàn cảnh khó khăn…
Ấm áp niềm vui từ phần quà nhỏ nhưng ý nghĩa. |
“3 người đãi 500 họ”
Mỗi chiều sau giờ tan làm ở công ty là chị Trần Hoàng Phương- Trưởng nhóm thiện nguyện Cánh buồm san sẻ yêu thương (TP Vĩnh Long) lại tất bật đi chợ mua thịt, cá, rau, củ…
Tất cả đều được lựa chọn còn tươi ngon. Khoảng 20 giờ, khi có đầy đủ nguyên liệu cần thiết, chị cùng 2 “đồng đội” lại bắt tay vào việc.
Người rửa thịt, làm cá, gọt rau củ; người nấu cơm, sơ chế sẵn món ăn; người chia các khẩu phần, vô hộp và đóng hộp… Các thành viên thoăn thoắt làm công việc của mình, chốc chốc mệt quá lại nói vài câu “cà khịa” để truyền năng lượng cho nhau.
Rửa rau xong lại xoay qua xắt rau củ, dù tất bật nhưng chị Phan Thị Mơ- chị họ chị Phương- cười tươi rói vì “khi dịch bệnh như thế này mà giúp được cho bà con thì an lòng hơn”.
Nhà ở xã Loan Mỹ (Tam Bình) nhưng khi hay em họ tổ chức bếp ăn nghĩa tình, chị Mơ liền sắp xếp công việc và khăn gói lên đây. “Mấy tuần nay dù có nhớ nhà nhưng tui thấy ấm lòng khi biết những phần ăn do chính tay mình làm đã mang đến bữa ăn ngon cho không ít bà con”- chị cho biết.
Còn anh Lê Hoàng Phong (Phường 8- TP Vĩnh Long) từng là nhà hảo tâm quyên góp gạo, mì rồi “thấy hoạt động ý nghĩa quá nên cũng không ngại thức trắng đêm để phụ nấu ăn”. Anh bày tỏ: “Có vất vả hay cực chút cũng không sao vì mình biết rằng ở ngoài kia có những mảnh đời bất hạnh cần lắm sự sẻ chia, dang tay đùm bọc giữa lúc khó khăn như thế này”.
Dẫu chỉ có 3 “đầu bếp” nấu nướng liên tục suốt buổi tối nhưng các công đoạn đều được làm cẩn thận, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và dinh dưỡng. Khoảng 6 giờ sáng, hàng trăm phần ăn được cho vào từng túi cẩn thận và chờ các đơn vị đến nhận. Còn những đầu bếp ấy lại bắt đầu chuẩn bị công việc cho ngày mới.
Theo chị Phương, hàng ngày chị đi làm ở công ty nên bếp ăn chỉ có thể phục vụ khoảng 160 phần mà thôi. Còn những ngày cuối tuần, bếp ăn phục vụ hết công suất với 560 phần ăn/ngày. Từ dạo đó, bếp ăn nghĩa tình được bà con đặt cho biệt danh là bếp ăn “3 người đãi 500 họ”.
Rồi khi thực hiện giãn cách, bếp ăn duy trì trung bình 400 suất/ngày cho các sinh viên Trường ĐH Cửu Long trong khu phong tỏa và các cô, chú bán vé số, người neo đơn, khuyết tật… “Và đến nay, bếp ăn đã nấu trao khoảng 15.000 phần ăn cho các hoàn cảnh cần trợ giúp”- chị Phương phấn khởi cho biết.
Lan tỏa nghĩa tình
Những suất ăn tới tay sinh viên Trường ĐH Cửu Long tại khu vực phong tỏa (xã Phú Quới- Long Hồ). |
Trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, bếp ăn này đã đi vào hoạt động bằng tất cả tình cảm và mong muốn có thể mang đến những bữa ăn ngon, đầy ắp yêu thương cho những người neo đơn, khuyết tật, bán vé số và lao động nghèo.
Mỗi suất ăn được trao đi là một phần nào đó bớt được nỗi lo về cơm, áo, gạo, tiền với những người lao động vất vả.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên cô Mai Thị Hiền (Phường 2- TP Vĩnh Long) không buôn bán được, con trai cô làm thợ sửa xe cũng nghỉ.
Vì thế, mấy nay gia đình cô không kiếm được đồng nào. “Giờ được nhận phần quà này, tui cảm thấy vô cùng ấm áp vì đây chính là tấm lòng thảo thơm của các bạn và mạnh thường quân”.
Còn các bạn sinh viên Trường ĐH Cửu Long ở trọ ngay trong khu vực phong tỏa nên cũng gặp khó khăn không kém. “Mấy nay được bếp ăn hỗ trợ cơm rồi mì gói, trái cây… cũng thiệt quý quá rồi”- bạn Huỳnh Thạch Ấu bày tỏ.
Để có những phần ăn nghĩa tình, phải kể đến phần nhiều công sức của chị Phương- người đưa ra ý tưởng, đi chợ và kiêm “đầu bếp chính”.
Chị Phương dí dỏm chia sẻ: “Nói ra thì chắc sẽ khó tin lắm, đó là trước giờ mình không biết nấu ăn. Nhưng mà không biết sao từ khi bếp ăn đi vào hoạt động thì mình lại “xuất thần” đến thế. Mà chắc có lẽ cũng vì tấm lòng dành cho bà con mình thôi”.
Nói thế nhưng lần nào đi chợ, chị cũng nhờ mấy cô tiểu thương tư vấn món này mua bao nhiêu cân cho đủ, phải chế biến sao cho ngon.
Rồi chị cũng hỏi thêm kinh nghiệm của mẹ và mọi người xung quanh. “Nhờ vậy mà mình có thể chiến thắng được bản thân là nấu ăn ngày càng tiến bộ, ngon hơn. Thực đơn cũng được thay đổi phong phú, khi thì cơm thịt heo kho củ cải, thịt kho trứng, cá kho lạt, cá chiên, khi thì bánh ướt, hủ tiếu xào thịt… ”- chị Phương phấn khởi nói.
Chị Phương cũng cho biết thêm: Tuy lúc đầu có hơi lo vì sợ “nguồn lực mình có hạn” nhưng chính ý nghĩa, hiệu quả của bếp ăn đã tạo hiệu ứng, qua đó nhận được sự đóng góp của các mạnh thường quân. Người có tiền góp tiền, người có gạo góp gạo, rau góp rau, người có sức góp sức… Cứ thế, bếp ăn được duy trì đến hôm nay.
Chị Phương chia sẻ: “Ngay trong lúc khó khăn này, chúng ta hãy cùng nhau gắn kết, hòa chung nhịp đập trái tim để cùng lan tỏa sự tử tế, yêu thương đến với những mảnh đời kém may mắn và cũng là góp một phần nhỏ chung tay phòng chống COVID- 19”. |
Bài, ảnh: CẨM HUỆ
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin