Xã Thuận An (TX Bình Minh) là xã nông thôn mới (NTM) nâng cao có thu nhập bình quân đầu người cao nhất tỉnh nhờ lợi thế là vùng chuyên canh cải xà lách xoong và có nhiều cơ sở sản xuất- kinh doanh...
Là xã giàu nhất tỉnh nhờ lợi thế vùng chuyên canh trồng cải xà lách xoong, nhưng năm nay xã Thuận An gặp khó trong hỗ trợ người dân nâng cao thu nhập. |
Xã Thuận An (TX Bình Minh) là xã nông thôn mới (NTM) nâng cao có thu nhập bình quân đầu người cao nhất tỉnh nhờ lợi thế là vùng chuyên canh cải xà lách xoong và có nhiều cơ sở sản xuất- kinh doanh... Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhiều mặt hàng nông sản liên tục giảm giá, các cơ sở sản xuất- kinh doanh hoạt động kém hiệu quả, ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập người dân.
Bài toán khó để đạt trên 96,2 triệu đồng/người/năm
Cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã Thuận An (TX Bình Minh) đạt 64,15 triệu đồng, cao hơn 14,15 triệu đồng so quy định đối với xã NTM và NTM nâng cao. Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người cao lại đang đặt ra bài toán khó cho Thuận An trong giữ vững tiêu chí thu nhập của xã NTM nâng cao và cả ấp Thuận Phú A trong xây NTM kiểu mẫu.
Theo quy định mức chuẩn thu nhập bình quân đầu người đối với ấp NTM kiểu mẫu tối thiểu phải bằng 1,5 lần so với thu nhập bình quân đầu người toàn xã tại thời điểm xét. Điều này đồng nghĩa, thu nhập bình quân đầu người tại ấp Thuận Phú A phải đạt trên 96,2 triệu đồng/năm.
Theo ông Bùi Văn Hiếu- Chủ tịch UBND xã Thuận An: Đến thời điểm này, ấp Thuận Phú A đã thực hiện đạt và vượt 9/11 tiêu chí ấp NTM kiểu mẫu. Hiện còn tiêu chí y tế, trong đó quy định tỷ lệ người dân tham gia BHYT phải đạt từ 95% trở lên, xã chỉ cần vận động thêm 7 thẻ là sẽ đạt. Riêng tiêu chí thu nhập, xã đang rất lo lắng vì giá xà lách xoong và các loại rau màu khác liên tục giảm, sức mua bán rau màu cũng giảm 50% thậm chí là thương lái không thu mua. Các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn ấp hoạt động cầm chừng, đã ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập người dân.
Là một trong những người trồng cải xà lách xoong lâu năm ở xã Thuận An, ông Trương Văn Bo (ấp Thuận Phú A) nói giọng trầm buồn: “Giá cải xà lách xoong đang giảm mạnh chỉ khoảng 10.000 đ/kg và có khả năng sẽ giảm tiếp. Giờ cải sỏi (cải cắt lộn xộn) không bán được chỉ có thể bán cải sắp (cải bó). Hiện, nhiều rẫy cải xà lách xoong đã tới lứa thu hoạch nhưng kêu bán không ai mua. Rẫy cải xà lách xoong của tui cũng vậy, kêu lắm thì 2- 3 ngày lái mới tới, mà cũng chỉ cắt vài chục ký, trong khi trước đây lái mỗi ngày mỗi đi và cắt 100- 200 kg/lần”.
“Thu nhập gia đình tui chủ yếu nhờ vào 3 công cải xà lách xoong. Tuy giờ không có thu nhập nhưng vẫn phải đeo, vẫn tưới nước cầm chừng, chứ chuyển sang trồng cây khác lại tốn kém mà chẳng biết đầu ra thế nào”- ông Bo buồn rầu nói.
Nỗ lực cải thiện thu nhập
Ông Phan Thanh Tùng- Phó Chủ tịch UBND xã Thuận An- cho biết: Rau màu rớt giá, nông dân hạn chế đầu tư chăm bón nên năng suất cũng giảm theo. Trước mắt vẫn phải cầm chừng, chứ càng đầu tư nhiều thì càng lỗ. “Hiện, không riêng gì xã Thuận An mà toàn tỉnh, cả nước đều gặp khó khăn. Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này rất phức tạp, một số tỉnh- thành phải thực hiện giãn cách xã hội, hàng hóa không tiêu thụ được, kéo theo ảnh hưởng dây chuyền...”- ông Tùng nói và cho biết thêm các quán ăn, giải khát trên địa bàn xã cũng rất khó khăn.
Ông Tùng lý giải: Chỉ riêng với quán hủ tiếu. Trước đây đông khách thì thuê nhân công, nhưng ế ẩm thì cho nghỉ, người làm công mất việc. Hàng quán bán chậm, kéo theo khó khăn cho người làm hủ tiếu, làm giá, trồng rau và người chăn nuôi heo...
Khó khăn là vậy, nhưng tất cả các ban ngành đoàn thể xã Thuận An vẫn tập trung nỗ lực hỗ trợ cho ấp Thuận Phú A xây ấp NTM kiểu mẫu. Tuy tiêu chí giao thông đã đạt nhưng xã tiếp tục vận động mở rộng đường liên xóm từ 2m lên 3m để xe 4 bánh có thể lưu thông dễ dàng, giúp bà con thuận tiện đi lại, vận chuyển hàng hóa...
Xà lách xoong không bán được nên nông dân hạn chế chăm sóc. Trong ảnh: Ông Trương Văn Bo bên rẫy xà lách xoong. |
Về BHYT, xã đề ra mục tiêu năm 2022 nâng tỷ lệ người tham gia BHYT lên 100% về môi trường, tiếp tục vận động người dân tích cực trồng hoa, cây cảnh... để cảnh quan môi trường của ấp kiểu mẫu đẹp hơn những ấp khác.
Riêng tiêu chí thu nhập, “BCĐ chương trình xây dựng NTM xã Thuận An cùng Ban Vận động ấp Thuận Phú A quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế”- ông Bùi Văn Hiếu khẳng định và thông tin: Hiện, 5ha của ấp Thuận Phú A được chuyển sang dự án khu tái định cư, xã vận động người dân phát triển trồng màu sang địa bàn ấp kế bên. Hiện, người dân đã trồng rồi nên diện tích sẽ tăng thêm.
Bên cạnh, xã khuyến khích người dân cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn trái và phát triển các mô hình trồng màu có giá trị kinh tế cao; vận động lao động nhàn rỗi đi làm tại các công ty, xí nghiệp gần đây. Đồng thời, tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Năm nay, toàn xã có 700 người được đào tạo nghề xây dựng và trồng trọt, trong đó tập trung nhiều ở ấp Thuận Phú A.
Ông Phan Thanh Tùng: Xã Thuận An chọn ấp Thuận Phú A xây dựng NTM kiểu mẫu bởi ấp có kết cấu hạ tầng đảm bảo, điện, đường, trường, trạm... đã được đầu tư đạt chuẩn, trung tâm văn hóa, cơ sở thờ tự cũng nằm trên địa bàn ấp. Tuyến đường Thuận An- Rạch Sậy là tuyến đường xương sống của xã, đầu mối phát triển kinh tế- xã hội từ huyện này sang huyện khác. Thuận Phú A còn là vùng chuyên canh màu, với lợi thế chuyên canh trồng cải xà lách xoong. |
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin