Gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng: Kịp thời, nhanh gọn và thiết thực

09:07, 08/07/2021

Rút kinh nghiệm từ việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP, Chính phủ đã xem xét rất thấu đáo khi triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP với gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng.

Rút kinh nghiệm từ việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP, Chính phủ đã xem xét rất thấu đáo khi triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP với gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng.

Cán bộ Phường 1, Quận 3 (TP Hồ Chí Minh) chi trả hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN
Cán bộ Phường 1, Quận 3 (TP Hồ Chí Minh) chi trả hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Đại dịch COVID-19 kéo dài đã ảnh hưởng đến sản xuất và thị trường lao động khiến rất nhiều lao động bị mất việc làm, hàng triệu lao động phải tạm nghỉ, nghỉ giãn việc và giảm thu; nhiều cơ sở sản xuất buộc phải ngừng hoạt động. Trước bối cảnh đó, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết 68/NQ-CP với gói hỗ trợ trị giá 26 nghìn tỷ đồng. Tiếp đó là Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg với mục tiêu đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục, rút ngắn tối đa thời gian giải quyết các thủ tục hỗ trợ để triển khai gói hỗ trợ nhanh, thuận lợi và đúng đối tượng.

Không khó để nhận thấy sự quan tâm, lắng nghe và tâm ý hỗ trợ người dân đang gặp khó khăn vì đại dịch trong giai đoạn hiện nay của Chính phủ. Rút kinh nghiệm từ việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP, Chính phủ đã xem xét rất thấu đáo khi triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP với gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng. Lần hỗ trợ này tập trung vào hai đối tượng là người lao động và người sử dụng lao động để đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế. Thiết kế chính sách theo các nguyên tắc minh bạch, dễ dàng, nhanh gọn nhất và tiện lợi nhất.

So với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng triển khai năm 2020, thủ tục chính sách ở gói hỗ trợ này giảm tới 2/3 và bảo đảm tính khả thi; mỗi đối tượng chỉ thụ hưởng một chính sách. Điều kiện hỗ trợ: giảm thời gian tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương xuống còn 15 ngày; bỏ quy định doanh thu kê khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm đối với các hộ kinh doanh, chỉ quy định dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên; giảm điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất từ 50% lao động xuống còn 15% lao động.

Nghị quyết 68/NQ-CP bổ sung nhiều chính sách mới như: giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ trẻ em, lao động đang mang thai, đang nuôi con nhỏ; hỗ trợ đối với với người phải điều trị COVID-19 (F0) và người phải thực hiện cách ly y tế (F1); hỗ trợ đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) và hướng dẫn viên du lịch; cho vay trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, Chính phủ đã giao cho các địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của từng địa phương để xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do). Đây chính là đường đi nhanh nhất, sớm nhất, để chính sách đến đúng với người cần thụ hưởng.

Tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, 12 nhóm đối tượng chính sách được cụ thể hóa, quy định rõ cách thức thực hiện, thời gian tiến hành, quy trình giải quyết, cấp nào giải quyết, phân cấp phân quyền rất rõ, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Mọi trình tự thủ tục thực hiện chính sách này xây dựng theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính và thời gian thực hiện để tạo thuận lợi cho người lao động sớm nhận được hỗ trợ.

Ví dụ như nội dung hỗ trợ người lao động ngừng việc. Đây là chính sách mới theo Nghị quyết số 68/NĐ-CP. Trình tự thủ tục thực hiện chính sách này đã được xây dựng theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính và thời gian thực hiện để tạo thuận lợi cho người lao động dễ thực hiện và sớm nhận được hỗ trợ.

Theo đó, người lao động ngừng việc, người lao động được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện như: Làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động và thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng trước liền kề tháng mà người lao động ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động. Mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/người.

Người lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người; đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em chưa đủ 6 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 1 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em. Phương thức chi trả là 1 lần cho người lao động.

Điểm mới nữa là nội dung hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị COVID-19, cách ly y tế. Đây là chính sách mới theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, trong bối cảnh người lao động gặp nhiều khó khăn do đại dịch, Nhà nước hỗ trợ bổ sung cho lao động đang mang thai, người đang nuôi con chưa đủ 6 tuổi để trẻ em luôn được chăm sóc, bảo vệ trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt bảo đảm cho trẻ em trong giai đoạn đầu tiên của cuộc đời giảm thiểu rủi ro về sức khỏe, dinh dưỡng do cha, mẹ mất, giảm thu nhập thường xuyên.

Người lao động bị mắc COVID- 19 hoặc phải cách ly y tế để phòng, chống COVID- 19 cũng là những trường hợp lâm vào hoàn cảnh khó khăn đột xuất. Khó khăn lại gấp bội nếu họ đồng thời bị mất, giảm, giãn việc làm. Mặc dù đã có chính sách chi trả toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh, nơi ở… cho họ nhưng để giúp người lao động và trẻ em giảm tối đa khó khăn, lo lắng trong thời gian điều trị bệnh hoặc cách ly y tế  do nguyên nhân COVID-19, chính sách lần này hỗ trợ toàn bộ tiền ăn cho họ. Riêng trẻ em còn được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em để các em có thể được mua sắm các vật dụng thiết yếu, sách truyện, đồ chơi... phù hợp nhằm giảm thiểu những thiệt thòi vật chất và sang chấn tinh thần cho các em.

Một điểm mới khác được quan tâm là nội dung viên chức hoạt động nghệ thuật hạng IV đang hoạt động trong các đơn vị sự nghiệp công lập (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) nhưng phải tạm dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 cũng sẽ được hỗ trợ một lần với mức 3,71 triệu đồng/người.

Vẫn biết kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, từ chính sách đến việc thực hiện luôn có khoảng cách. Như gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ, việc triển khai chính sách chậm, chưa đạt hiệu quả như mong muốn, chưa tiếp cận được nhiều nhóm dễ bị tổn thương. Những yếu tố khiến gói hỗ trợ này chưa đạt hiệu quả cao được xác định là do quy trình, thủ tục quá rườm rà; nhiều tiêu chí quá chặt chẽ, thời gian xem xét có khi phải đợi cả tháng.

Song như khẳng định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, chưa bao giờ có gói hỗ trợ nào "táo bạo" như lần này. Tất cả vì mục đích hỗ trợ người lao động, chủ sử dụng lao động. Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg đã quy phạm hóa việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 tại Nghị quyết số 68/NQ-CP. Sau quyết định này không cần một hướng dẫn nào nữa để triển khai. Hầu hết các nhóm chính sách đều được ấn định chậm nhất từ 7-10 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị của người dân, doanh nghiệp, các cơ quan liên quan phải giải quyết để chi trả tiền hỗ trợ sớm nhất cho người thụ hưởng.

Tất cả đều nhằm giúp người lao động và người sử dụng lao động được tiếp cận, thụ hưởng một cách nhanh nhất, sớm nhất, đúng lúc nhất!

Theo Hạnh Quỳnh (TTXVN)

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh