Diễn biến dịch COVID-19 còn rất phức tạp, lãnh đạo các tỉnh- thành ở ĐBSCL tập trung cao độ trong điều hành trực chiến. Từng địa phương phải rà soát, nắm lại tình hình, số lượng máy móc, sinh phẩm, vật tư y tế, cơ sở cách ly tập trung, cơ sở điều trị, đội ngũ lấy mẫu, xét nghiệm; chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống dịch lây lan trên diện rộng.
Các cơ sở y tế tăng cường các giải pháp để kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện. Trong ảnh: Bệnh viện Đa khoa Triều An- Loan Trâm kiểm soát chặt người ra vào tại bệnh viện. |
Diễn biến dịch COVID-19 còn rất phức tạp, lãnh đạo các tỉnh- thành ở ĐBSCL tập trung cao độ trong điều hành trực chiến. Từng địa phương phải rà soát, nắm lại tình hình, số lượng máy móc, sinh phẩm, vật tư y tế, cơ sở cách ly tập trung, cơ sở điều trị, đội ngũ lấy mẫu, xét nghiệm; chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống dịch lây lan trên diện rộng.
Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam- Trưởng BCĐ Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 khi họp trực tuyến với 12/13 tỉnh- thành ở ĐBSCL triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Nhiều tỉnh đang “chạy theo dịch”
Đến thời điểm này, 13 tỉnh- thành vùng ĐBSCL đều có ca mắc COVID-19. Các biện pháp phòng chống dịch đang được siết chặt. Một số địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội.
Tại cuộc họp, lãnh đạo 12 tỉnh- thành (Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ) báo cáo khái quát tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn.
Theo đó, số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại các địa phương có xu hướng tăng lên với 3 nguồn lây chính: người trở về từ vùng dịch; sàng lọc trong cộng đồng; lây nhiễm trong các khu cách ly tập trung. Đồng thời, các địa phương nêu rõ một số khó khăn trong quá trình triển khai công tác phòng chống dịch, chủ yếu liên quan đến năng lực xét nghiệm, dự trữ sinh phẩm còn ở mức tối thiểu…
Hiện năng lực xét nghiệm của các tỉnh ở ĐBSCL, mỗi tỉnh trung bình đạt trên 1.000 mẫu đơn ngày. Vĩnh Long đạt trên 1.200 mẫu đơn ngày, riêng Hậu Giang thì mới được 400 mẫu đơn ngày. Tại Vĩnh Long tính đến sáng 13/7, toàn tỉnh đã ghi nhận trên 180 ca mắc COVID- 19 trong cộng đồng. Để nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch bệnh, tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ về năng lực điều trị và sinh phẩm xét nghiệm cho tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Thị Quyên Thanh kiến nghị hỗ trợ về năng lực điều trị cũng như trang thiết bị y tế cho tỉnh để đáp ứng được nhu cầu điều trị bệnh nhân COVID-19 của tỉnh; hỗ trợ sinh phẩm test nhanh bởi tỉnh gặp khó khăn trong việc mua sinh phẩm và thiết bị xét nghiệm bởi nguồn hàng khan hiếm nhưng nhu cầu quá lớn.
Hiện tỉnh đang ưu tiên tập trung cho công tác phòng chống dịch và có 5 đơn vị (TP Vĩnh Long, Tam Bình, TX Bình Minh, Bình Tân, Long Hồ) đang áp dụng mức “nguy cơ rất cao”, 3 huyện Mang Thít, Trà Ôn và Vũng Liêm áp dụng mức “nguy cơ cao” với tinh thần cương quyết thực hiện nghiêm “nhà cách ly nhà, xã cách ly xã” cũng như không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác để tập trung công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, đến nay 58/63 tỉnh- thành ghi nhận ca mắc COVID-19. Thời gian tới, các tỉnh- thành ở ĐBSCL tiếp tục ghi nhận ca bệnh mới, song “cơ bản tình hình vẫn trong tầm kiểm soát”. Để ứng phó với dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương phải chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ”.
Tuy nhiên, các địa phương thực hiện phương châm này chưa triệt để, “đang chạy theo dịch”, tức là khi dịch bệnh xuất hiện mới bắt đầu quan tâm đến giải pháp về trang thiết bị y tế, nhân lực… Một số địa phương còn biểu hiện lúng túng. Việc chống dịch chủ yếu giao cho y tế, công an, quân đội mà chưa huy động nhiều đơn vị vào cuộc.
Vì vậy, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các tỉnh phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”; thực hiện nghiêm túc việc phong tỏa, cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tránh lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung và cấp thiết bây giờ là tổng rà soát toàn bộ năng lực xét nghiệm, lấy mẫu, điều trị và lưu ý là không lạm dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh.
Tất cả người về từ vùng dịch phải được xét nghiệm, cách ly
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao các tỉnh ở ĐBSCL trong thời gian qua đã quản lý tốt đường biên giới, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập.
Tuy nhiên, với việc xuất hiện nhiều ca mắc COVID-19, nhiều chuỗi lây nhiễm phức tạp trong cộng đồng, các tỉnh- thành phải nâng cao cảnh giác, không được chủ quan, lơ là, cần phát huy vai trò của cơ sở, tăng cường kêu gọi, kiểm soát chặt người về từ vùng dịch… Tất cả người trở về từ vùng dịch phải khai báo y tế trung thực để các lực lượng điều tra dịch tễ, xét nghiệm, cách ly phù hợp.
Nhấn mạnh diễn biến dịch bệnh còn rất phức tạp, Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các tỉnh ở ĐBSCL tập trung cao độ trong điều hành trực chiến. Từng tỉnh phải rà soát, nắm lại tình hình, số lượng máy móc, sinh phẩm, vật tư y tế, cơ sở cách ly tập trung, cơ sở điều trị, đội ngũ lấy mẫu, xét nghiệm. Bộ Thông tin- Truyền thông được giao nghiên cứu ứng dụng công nghệ để giám sát F1 cách ly tại nhà. Song, đây chỉ là công cụ hỗ trợ, căn bản vẫn cần dựa vào các tổ COVID-19 cộng đồng, lực lượng y tế, công an địa phương.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19. |
Về chiến lược truy vết nhanh, khoanh vùng gọn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: dù khoanh rộng hay khoanh hẹp thì các địa phương cũng phải tuyệt đối làm thật nghiêm, thật chặt, không được để “ngoài chặt trong lỏng”, dẫn đến lây nhiễm chéo, mất kiểm soát. Những khu vực còn an toàn phải giữ cho bằng được. Nếu có ca nhiễm phải khoanh ngay lập tức, gọn nhất có thể, trong trường hợp chưa đủ thông tin thì khoanh rộng, khẩn trương truy vết, điều tra dịch tễ để thu gọn lại nhưng “đã khoanh là phải rất chặt, rất nghiêm”, tuyệt đối không được lơi lỏng.
Nhấn mạnh một lần nữa phải giữ an toàn bằng được các bệnh viện, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tăng tần suất xét nghiệm sàng lọc tại bệnh viện; kích hoạt ngay hệ thống theo dõi, giám sát, nắm bắt thông tin người có triệu chứng, đến tận nhà lấy mẫu xét nghiệm; tập trung nâng cao năng lực xét nghiệm RT- PCR mẫu gộp.
Bên cạnh đó, các địa phương sớm có phương án tổ chức lại hệ thống điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 theo mô hình “tháp 3 tầng” (không có triệu chứng hoặc nhẹ; có triệu chứng; bệnh lý nặng) nhằm hạn chế ca bệnh chuyển biến nặng và trường hợp tử vong.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu TP Cần Thơ: “Ngoài lo cho mình, cần chuẩn bị tinh thần hỗ trợ cho các tỉnh lân cận, sẵn sàng là trung tâm khu vực khi số lượng các bệnh nhân COVID-19 nặng tăng lên”.
Để nâng cao năng lực xét nghiệm, các tỉnh kết hợp giữa test nhanh và RT-PCR. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên lưu ý, Bộ Y tế đã có hướng dẫn xét nghiệm đơn/gộp 5 hoặc gộp 10 RT-PCR. Theo đó, chỉ nên xét nghiệm đơn đối với ca F0, F1; xét nghiệm gộp tại các khu cách ly, phong tỏa và các trường hợp F2 trong cộng đồng để đẩy nhanh tiến độ truy vết, giảm đỡ các nguồn lực và chi phí cho xét nghiệm. Đối với những khu vực hoặc doanh nghiệp mới phát hiện ca bệnh, có thể áp dụng test nhanh. “Tuyệt đối tránh tình trạng lấy mẫu về mà không xét nghiệm hết để trả kết quả trong 24 giờ. Các kết quả xét nghiệm phải có đầy đủ thông tin, kể cả nồng độ vi rút để phục vụ truy vết, điều tra dịch tễ”- Thứ trưởng Bộ Y tế khuyến cáo.
|
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin