Ngày nay, xã hội trên con đường phát triển và hội nhập, vai trò gia đình cũng hết sức quan trọng. Khi gia đình ấm no, hạnh phúc càng thúc đẩy xã hội phát triển, góp phần xây dựng đất nước ngày càng lớn mạnh.
(VLO) Ngày nay, xã hội trên con đường phát triển và hội nhập, vai trò gia đình cũng hết sức quan trọng. Khi gia đình ấm no, hạnh phúc càng thúc đẩy xã hội phát triển, góp phần xây dựng đất nước ngày càng lớn mạnh.
Xây dựng gia đình hạnh phúc là góp phần phát triển xã hội. |
Gia đình là tế bào của xã hội, là tổng hợp các mối quan hệ, ứng xử, giá trị nhân cách, tình cảm, đạo đức, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với cộng đồng.
Vì thế, sự bền vững của gia đình chính là nền tảng phát triển xã hội. Văn hóa trong gia đình nói chung, mối quan hệ vợ chồng nói riêng đều có sự ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành và phát triển nhân cách của các thành viên trong gia đình.
Bầu không khí trong gia đình, tâm lý, đạo đức, lối sống của gia đình tác động trực tiếp đến nếp nghĩ, tính cách và hành động của trẻ. Mọi xung khắc của các cá nhân trong gia đình, nhất là giữa cha và mẹ, đều ảnh hưởng đến con cái.
Chị Minh Hiếu (Phường 3- TP Vĩnh Long) chia sẻ: “Theo tôi, cuộc sống càng hiện đại thì yếu tố gia đình lại càng đóng vai trò quan trọng. Nền tảng gia đình nó quyết định tạo ra một thế hệ tương lai có ích cho xã hội.
Nhất là khi xã hội càng hiện đại thì có nhiều yếu tố tích cực cũng như tồn tại những điều tiêu cực như tệ nạn xã hội, những cám dỗ, nhiều yếu tố khách quan và chủ quan làm lung lay thành trì gia đình. Và một khi nó sụp đổ thì kéo theo nhiều hệ lụy”.
Chị kể: “Như gần nhà tôi có gia đình nọ người cha có vợ bé bỏ rơi hai mẹ con khi cậu con trai mới mấy tuổi. Người mẹ một mình nuôi con cực khổ lại còn trẻ nên thời gian sau cũng có niềm vui khác. Cậu con trai lớn lên thiếu thốn tình thương, thiếu hẳn sự giáo dục của gia đình.
Cậu hận cha không nhìn mặt, lạnh nhạt với mẹ mình. Cuối cùng cậu trai cũng bỏ học giữa chừng khi vào lớp 10, đi chơi với nhóm bạn xấu, ăn chơi sa vào tệ nạn xã hội. Một cái kết quá đau thương cho cậu bé là phải ngồi tù khi vừa 19 tuổi vì tội cố ý gây thương tích nghiêm trọng cho người khác”.
Dù xã hội hiện đại phát triển đến đâu đi chăng nữa thì gia đình vẫn là tế bào, là cái nôi đầu tiên của mỗi người. Các bậc cha mẹ phải luôn mẫu mực, sống tốt, làm tấm gương để dạy dỗ con cháu noi theo.
Thông qua cách giáo dục, mối quan hệ, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, trẻ con sẽ tiếp thu và từ đó định hình cách thức ứng xử theo chuẩn gia đình.
Tình trạng xung đột gia đình dẫn đến đổ vỡ và ly hôn ngày càng gia tăng là một vấn đề của xã hội hiện đại. Ly hôn không chỉ đơn thuần tạo nên sự tự do của vợ chồng, mà còn dẫn đến áp lực tâm lý không nhỏ đối với con cái.
Dù nhiều hay ít, dù biểu hiện bằng cách này hay cách khác thì những đứa trẻ của các gia đình ly hôn đều bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh gia đình của mình. Nếu không nổi loạn, sa ngã thì trẻ cũng nảy sinh vấn đề tâm lý, các em có tâm lý mặc cảm, tự ti, ngại tiếp xúc.
Cái nôi của giáo dục đạo đức chính là gia đình. Gia đình phát triển bền vững không chỉ là niềm hạnh phúc cho mỗi người, mỗi nhà mà còn là nhân tố quan trọng góp phần giữ gìn sự phát triển lành mạnh, an toàn của xã hội.
Mỗi một gia đình cần phải có sự tương tác, đối thoại một cách hài hòa giữa các thành viên để xây dựng mối quan hệ gắn bó, cùng chia sẻ mọi niềm vui nổi buồn, cùng đồng lòng vượt qua khó khăn, cùng nắm tay nhau xây dựng mái ấm hạnh phúc. Để từ đó làm nền tảng vững chắc nuôi dạy con cái nên người.
Anh Quốc Việt (Phường 4- TP Vĩnh Long) chia sẻ: “Cuộc sống thời nay luôn quay cuồng với công việc, học hành suốt ngày, các thành viên trong gia đình sẽ khó gần gũi nhau thường xuyên. Với tôi, tôi rất quan trọng bữa cơm gia đình vào buổi chiều tối.
Dù có bận việc gì thì chúng tôi cũng ráng sắp xếp về nhà ăn cơm theo thỏa thuận từ bấy lâu nay, ngoại trừ những trường hợp quan trọng không thể từ chối.
Đây là cơ hội cho vợ chồng con cái cùng nhau sum vầy, trò chuyện, chia sẻ những chuyện xảy ra trong ngày, chuyện học hành cũng như các mối quan hệ bạn bè của các con.
Tôi rất thích cảm giác ấm cúng, đoàn viên đó, giúp các thành viên gắn kết nhau nhiều hơn, các con tin tưởng cha mẹ, chăm ngoan hơn và chịu chia sẻ với cha mẹ về vấn đề của mình. Từ đó hình thành nếp gia đình rất chuẩn mực. Gia đình tôi sẽ luôn cố gắng duy trì”.
Các chuyên gia xã hội học khẳng định, cần phải luôn duy trì vị thế vốn có của gia đình vì điều này quyết định sự phát triển của xã hội hiện đại.
Từ xưa đến nay, gia đình vẫn luôn được xem là nền tảng của xã hội và trong giai đoạn hiện nay, gia đình càng khẳng định được vai trò và ý nghĩa đó, làm cái nôi vững chắc để đào tạo ra thế hệ tương lai có ích cho đất nước.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng- Trưởng Ban gia đình xã hội- kinh tế (Hội LHPN tỉnh), để từng gia đình là hạt nhân tốt của xã hội, bên cạnh sự chăm lo, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị- xã hội thì vai trò của từng gia đình và các thành viên trong gia đình là hết sức quan trọng.
Mỗi thành viên trong gia đình phải nâng cao ý thức tổ chức cuộc sống gia đình hạnh phúc, quan tâm chăm lo nhau, sống có trách nhiệm mới là xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững.
Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, cần quan tâm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; trong đó chú trọng giáo dục đạo đức lối sống là hết sức cần thiết.
Bài, ảnh: LAM NGỌC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin