Đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết virus SARS-CoV-2 đột biến được phát hiện lần đầu tại Việt Nam không nằm trong định nghĩa của cơ quan này về một biến thể mới.
Đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết virus SARS-CoV-2 đột biến được phát hiện lần đầu tại Việt Nam không nằm trong định nghĩa của cơ quan này về một biến thể mới.
Mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN |
Trước đó, vào sáng 29/5, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam đã xuất hiện thêm biến thể virus SARS-CoV-2 mới lai tạo giữa Alpha (B.1.1.7) được phát hiện lần đầu tại Anh và Delta (B.1.617) vốn phát hiện lần đầu ở Ấn Độ.
Đại diện của WHO tại Việt Nam Kidong Park ngày 2/6 chia sẻ với tờ Nikkei Asia: “Dựa trên đánh giá của WHO, chưa có biến thể lai mới của virus SARS-CoV-2 tại Việt Nam ở thời điểm này”.
Theo ông Kidong Park, "biến thể virus SARS-CoV-2 mới lai tạo" trên thực tế là biến đổi của biến thể Delta (B.1.617).
Ông Kidong Park nêu rõ: “Biến thể được phát hiện thực chất là biến thể Delta (B.1.617) với biến đổi bổ sung và cần thêm theo dõi”. Đại diện của WHO nhấn mạnh: “Nó thuộc biến thể Delta (B.1.617) đang tồn tại và là đột biến bổ sung”.
Bên cạnh đó, ông Park cảnh báo rằng biến thể Delta (B.1.617) rất nguy hiểm bởi dễ lây lan với tốc độ nhanh. Tờ Nikkei Asia đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia đã ngăn chặn tốt sự lây lan của dịch COVID-19.
Ngày 1/6, WHO cho biết trong số 3 dòng phụ của biến thể virus SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ - biến thể B.1.617 - chỉ có một dòng được phân loại ở mức "biến thể đáng lo ngại".
WHO phân chia biến thể B.1.617 thành 3 dòng gồm B.1.617.1 (còn gọi là Kappa); B.1.617.2 (Delta) và B.1.617.3. Tháng trước, cơ quan này tuyên bố tất cả 3 dòng phụ của B.1.617 đều là "biến thể đáng quan ngại".
Tuy nhiên, trong báo cáo cập nhật định kỳ hằng tuần về tình hình dịch COVID-19, WHO khẳng định các nguy cơ lớn hơn đối với sức khỏe cộng đồng rõ ràng có liên quan đến dòng biến thể Delta, trong khi tốc độ lây lan của hai dòng còn lại thấp hơn.
WHO nhấn mạnh Delta đang tiếp tục lây lan nhanh chóng và ngày càng có nhiều quốc gia báo cáo các đợt bùng phát liên quan đến dòng biến thể này. Báo cáo cũng cho biết ưu tiên hàng đầu hiện nay của WHO là tiến hành nghiên cứu sâu hơn về tác động của dòng biến thể Delta.
Bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về dịch COVID-19, cho biết: "Dòng biến thể Delta đã tăng khả năng lây nhiễm, do đó nó có thể lan trong cộng đồng dễ dàng hơn". Cũng theo WHO, dòng biến thể Kappa hiện được phân loại ở mức "biến thể đáng quan tâm". Trong khi đó, dòng biến thể B.1.617.3 không còn được xem là "biến thể đáng quan tâm".
Trưởng nhóm kỹ thuật COVID-19 của WHO Maria Van Kerkhove phát biểu với báo giới tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Theo dữ liệu của WHO công bố hôm 26/5, biến thể B.1.617 từ Ấn Độ khi đó đã được chính thức ghi nhận xuất hiện tại 53 vùng lãnh thổ trên thế giới. WHO nhấn mạnh biến thể B.1.617 đã gia tăng tốc độ lây lan, trong khi các chuyên gia y tế đang xác định mức độ nguy hiểm và nguy cơ lây nhiễm biến thể này.
WHO cũng cho biết sẽ sử dụng các chữ cái trong bảng chữ cái Hy Lạp để gọi tên các biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 nhằn tránh kỳ thị các quốc gia phát hiện các loại biến thể này lần đầu tiên.
Trưởng nhóm kỹ thuật COVID-19 của WHO, bà Maria Van Kerkhove nhấn mạnh tên mới sẽ không thay thế các tên khoa học hiện có, nhưng nhằm giúp ích cho việc thảo luận công khai.
Hệ thống mới sẽ áp dụng cho các biến thể đang được quan tâm hiện nay, trong đó có 4 biến thể đáng lo ngại nhất và các biến thể được quan tâm cấp độ thứ hai.
Theo hệ thống mới, các biến thể được quan tâm có những cái tên sau: biến thể được phát hiện lần đầu tại Anh cho đến nay được gọi là B.1.1.7 trở thành Alpha; B.1.351 được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi chuyển thành Beta, trong khi P.1 từ Brazil chuyển thành Gamma.
Biến thể từ Ấn Độ B.1.617 được chia thành các dòng phụ, trong đó biến thể B.1.617.2 sẽ là Delta và biến thể B.1.617.1 được gọi là Kappa.
Theo Hà Linh/Báo Tin tức
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin