Việc cho cách ly F1 tại nhà có điều kiện chọn lọc được coi là giải pháp khả thi, giúp tâm lý của người bị cách ly nhẹ nhàng hơn và giảm tải cho các nhân viên y tế.
Việc cho cách ly F1 tại nhà có điều kiện chọn lọc được coi là giải pháp khả thi, giúp tâm lý của người bị cách ly nhẹ nhàng hơn và giảm tải cho các nhân viên y tế.
Trong bối cảnh dịch lan rộng, số ca mắc Covid-19 tại TP.HCM ngày càng gia tăng đã kéo theo một số lượng F1 rất lớn, dẫn đến nguy cơ lây chéo trong khu cách ly.
Việc cho cách ly F1 tại nhà có điều kiện chọn lọc được coi là giải pháp khả thi, giúp tâm lý của người bị cách ly nhẹ nhàng hơn và giảm tải cho các nhân viên y tế.
Gần 13.500 F1 đang cách ly tập trung
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính đến ngày 28/6, tổng số người đang thực hiện cách ly là 40.715 người, trong đó có 13.486 người cách ly tập trung và 27.229 trường hợp cách ly tại nhà/nơi cư trú.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, việc cách ly tại nhà sẽ giúp tâm lý người được cách ly nhẹ nhàng hơn. Mới đây, Bộ Y tế đã gửi công văn tới TP.HCM kèm hướng dẫn điều kiện thực hiện cách ly y tế tại nhà cho đối tượng F1, ngành y tế TP cũng đang nghiên cứu để triển khai.
Công tác khử khuẩn, tiếp nhận F1 tại Khu cách ly Ký túc xã Đại học Sài Gòn. (Ảnh: Kim Dung) |
Bác sĩ Hưng cho biết, hiện ngành y tế đã giao HCDC tham mưu UBND TP xem xét quyết định. Riêng ngành y tế thấy rằng văn bản của Bộ Y tế tương đối cụ thể, có những yêu cầu hết sức nghiêm ngặt. TP.HCM sẽ triển khai từng bước, thí điểm trước khi nhân rộng.
"Mục tiêu cuối cùng của thành phố là sự an toàn của cộng đồng chứ không chỉ giải quyết chỗ cách ly. Khi triển khai như vậy, bên cạnh yêu cầu về điều kiện cơ sở vật chất, nhân viên y tế tham gia thì phải từng bước thí điểm, bởi vì chúng ta càng cẩn trọng thì khi triển khai, mức độ an toàn của cộng đồng càng được đảm bảo hơn"- BS Hưng cho biết.
Nhân viên y tế BV Da Liễu TP.HCM cắt tóc giúp nhau để chuẩn bị vào hỗ trợ khu cách ly tập trung (Ảnh: Fanpage BV) |
Theo đại diện HCDC, trong phương án cách ly F1 tại nhà, TP.HCM sẽ đánh giá những F1 ít nguy cơ để ưu tiên cho cách ly tại nhà; đồng thời kiểm tra gia đình có đủ điều kiện cách ly hay không, dựa trên các tiêu chí Bộ Y tế đưa ra.
Khi thực hiện cách ly các F1 tại nhà, việc giám sát cũng sẽ theo cách khác, nhưng ở đây vai trò của chính quyền địa phương sẽ nhiều hơn.
Sau khi hay tin TP.HCM sẽ triển khai thí điểm cách ly F1 tại nhà nhằm giảm bớt quá tải tại các khu cách ly tập trung, nhiều người dân cho rằng việc này sẽ hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly, nhưng đòi hỏi có sự chuẩn bị chu đáo.
Chị Nguyễn Hải Yến, ở TP Thủ Đức cho rằng, so với giai đoạn đầu, khi dịch bệnh chưa bùng phát và lây lan nhanh, thì hiện nay người dân đã ý thức cao hơn về dịch bệnh, hiểu được tính phức tạp cũng như lây lan nhanh của biến chủng lần đầu tiên xuất hiện ở Ấn Độ. Vì vậy, là đây là thời điểm thích hợp để thí điểm cách ly F1 tại nhà.
"Cần phải có thêm các biện pháp khác, ví dụ như hàng xóm phải hạn chế tiếp xúc qua lại, thành viên tổ covid cộng đồng phát huy vai trò trong điều kiện như thế này. Có thể lắp camera giám sát để việc cách ly F1 tại nhà có thể khả thi hơn, hạn chế lây nhiễm chéo trong gia đình"- chị Yến nói.
Vận chuyển trang thiết bị, vật dụng y tế phục vụ chống dịch vào khu cách ly tập trung (Fanpage BV Da liễu) |
Cần ý thức của người cách ly
Chị Ngân, 30 tuổi, ngụ phường Tân Hưng, Quận 7 cho biết, chị là một trong những người thuộc diện F1 tiếp xúc "xa" được cách ly tại nhà vào ngày 22/6 vừa qua do chung cư có ca dương tính (phát hiện khi đã được cách ly). Cụ thể, chị đi thang máy ngay sau thời gian F0 vừa sử dụng.
Qua điều tra dịch tễ, chị được đánh giá không nằm trong nhóm nguy cơ cao nhưng vẫn không loại trừ khả năng có virus trong thang máy mà F0 từng sử dụng, cho nên ngành y tế địa phương vẫn yêu cầu chị cách ly trong căn hộ của mình.
Theo chị Ngân, được xác định là diện “F1 xa”, chị cảm thấy thoải mái hơn khi ở nhà mình thay vì khu cách ly tập trung. Bản thân chị cũng tự ý thức mình có nguy cơ lây lan dịch bệnh, nên tuyệt đối tuân thủ nghiêm ngặt quy định của cơ quan y tế.
Do bố mẹ ở quê, chị gái cũng chuyển đi nơi khác nên mọi sinh hoạt, chị Ngân đều đặt hàng trực tuyến các nhu yếu phẩm từ siêu thị, được giao tận nơi và thanh toán online, đồng thời chị cũng nhận được sự hỗ trợ của ban quản lý chung cư. Mỗi lần mở phòng lấy đồ được treo trước cửa, chị đều thực hiện sát khuẩn đầy đủ.
"Chỉ cần nhắn Zalo thì các bạn soạn hàng đưa lên, nhu yếu phẩm hay các vật dụng cần thiết hàng ngày thì được hỗ trợ mang lên tận phòng. Nếu đặt Grab mang đồ ăn, hoặc gia đình gửi đồ thì bảo vệ gửi mang lên tận cửa phòng"- chị Ngân chia sẻ.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đánh giá, ngành y tế sẽ được giảm tải rất nhiều nhờ vào biện pháp cho trường hợp F1 cách ly tại nhà. Tuy nhiên, người F1 cách ly tại nhà phải tuân thủ các nguyên tắc về không gian ngủ, nghỉ, ăn uống, vệ sinh an toàn cho người khác trong gia đình.
Nếu trong nhà có người thân mang bệnh nền, nguy cơ mắc bệnh nặng thì họ nên được chuyển đến nơi khác nếu có thể, để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Đặc biệt, F1 không ra khỏi nhà, tốt nhất là không ra khỏi phòng trong suốt thời gian cách ly. Việc xử lý rác thải sinh hoạt của F1 đang cách ly cũng phải đảm bảo an toàn; đồng thời được tạo điều kiện thuận lợi nhất khi thực hiện xét nghiệm định kỳ.
Khối lượng công việc tại Khu cách ly rất lớn, cần sự hỗ trợ của lực lượng dân quân tự vệ (Ảnh: Fanpage BV Da liễu) |
Về vấn đề chăm sóc sức khoẻ, bác sĩ Khanh cho rằng F1 có thể tự theo dõi và liên hệ với cơ quan y tế để được hướng dẫn và tư vấn cụ thể.
"Đối tượng này sẽ đo nhiệt độ ở nhà 2 lần, khi có triệu chứng thì báo, nên không cần thiết có nhân viên y tế đi khám mỗi ngày. Việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu có thể thì giao F1 tự test nhanh, nhân viên y tế sẽ làm xét nghiệm PCR để làm sao cho cơ sở y tế địa phương không quá nhiều việc"- BS Khanh cho biết.
Bộ Y tế đã đưa ra các hướng dẫn chi tiết, cụ thể để thực hiện việc cách ly F1 tại nhà, đặc biệt lưu ý một số quy định như: phải có phòng riêng; trách nhiệm của người được cách ly và người nhà (đeo khẩu trang, khử khuẩn, không tiếp xúc…); trách nhiệm của người giám sát, kiểm tra….
Sau khi TP.HCM đã có đầy đủ các phương án và triển khai trên thực tế, cần có sự tổ chức giám sát tốt, đồng thời có các phương án hỗ trợ phù hợp khi F1 trở thành F0, hay có triệu chứng bệnh cần nhập viện./.
Theo Kim Dung/VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin