6 tháng đầu năm 2021, tỉnh đưa hơn 500 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (xuất khẩu lao động- XKLĐ), đạt gần 30% so chỉ tiêu XKLĐ năm nay 1.700 người.
(VLO) 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh đưa hơn 500 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (xuất khẩu lao động- XKLĐ), đạt gần 30% so chỉ tiêu XKLĐ năm nay 1.700 người.
Sinh viên tham gia ngày hội việc làm tổ chức tại Trường ĐH Xây dựng Miền Tây nhằm kết nối doanh nghiệp hỗ trợ việc làm và tham gia XKLĐ (tháng 12/2020). |
So cùng thời gian năm ngoái, XKLĐ 6 tháng qua tăng hơn 1,8%, trong bối cảnh gặp khó khăn do ảnh hưởng chung của dịch COVID-19. Theo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, trong số XKLĐ, đi qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long là 9 người, đi theo các đơn vị khác tại tuyến huyện 494 người.
Theo bà Lê Thị Huế Nhi- Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm, đơn vị đã quyết liệt thực hiện tư vấn giới thiệu việc làm, đào tạo, tư vấn cung ứng XKLĐ,... cho người lao động qua điện thoại, báo, đài, zalo, facebook, website, phiên giao dịch việc làm, hướng nghiệp tại trường THPT...
Tuy vậy, công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài gặp khó khăn do dịch bệnh, cộng một số thị trường thu hút người lao động đã tạm ngừng cấp visa nhập cảnh.
Theo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến các mặt công tác, trong đó có chỉ tiêu đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài chưa đạt so với yêu cầu.
Cách đây 4 hôm, Công ty TNHH Thương mại và phát triển nhân lực Miền Tây (Mitaco) chi nhánh Vĩnh Long đăng tuyển 10 lao động nam, 10 lao động nữ tuổi từ 18- 35 làm việc tại Nhật Bản, theo đơn hàng giặt ủi công nghiệp (giặt ủi quần áo, ga giường...). Lao động sẽ làm theo dây chuyền, mức lương căn bản 32 triệu đồng/tháng (về tay còn 23 triệu đồng, chưa tính tăng ca).
Dự kiến phỏng vấn vào tháng 7/2021 và xuất cảnh tháng 3/2022. Đây là một trong số “đơn hàng” định kỳ tuyển dụng XKLĐ của công ty. Qua kênh tuyển dụng như vậy, người lao động có nhu cầu và điều kiện tham gia ứng tuyển, đào tạo để đi làm việc.
Bạn Nguyễn Ngọc Thân (ngụ xã Nguyễn Văn Thảnh- Bình Tân) đã đi XKLĐ tại Nhật Bản, trở về quê cuối năm 2020. Sang bên đó Thân làm chuyên ngành điện tử, 5 năm làm việc đã giúp bạn có kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm khi trở về địa phương.
Hồi tháng 4/2021, Thân đến phiên giao dịch việc làm ứng tuyển vào công ty 100% vốn Nhật Bản chuẩn bị đi vào hoạt động ở Khu công nghiệp Bình Minh (TX Bình Minh). Đậu phỏng vấn, chờ vào làm, Thân nói “mong có công việc tốt để tiếp tục tích lũy”.
Sự tiếp tục này là đương nhiên với người lao động vừa hơn 30 tuổi, từng đi XKLĐ trở về và cho biết đã xây được nhà cửa khang trang cho gia đình mình.
Sinh viên và người lao động tìm hiểu thông tin thị trường lao động ngoài nước. |
Về mặt giải pháp, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã yêu cầu các đơn vị có chức năng phối hợp địa phương đẩy mạnh tuyên truyền tư vấn chính sách giải quyết việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; phối hợp các doanh nghiệp có giải pháp thực hiện tốt công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài năm 2021.
Trung tâm Dịch vụ việc làm đã đề ra giải pháp là tập trung tuyên truyền, tư vấn đưa người lao động là đối tượng dân tộc thiểu số tham gia XKLĐ nhằm giúp thoát nghèo bền vững.
Tư vấn hỗ trợ người lao động có nguyện vọng XKLĐ đến trực tiếp công ty tham quan mô hình đào tạo ngành nghề điều dưỡng (chuyên đào tạo và phái cử lao động chuyên ngành điều dưỡng) trước khi trung tâm cung ứng lao động.
Trong hướng tới, ngành lao động sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt đề án khai thác sử dụng lực lượng lao động của tỉnh Vĩnh Long đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng trở về.
Cơ chế thu hút doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí cho người lao động vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 5 năm tới.
Sẽ sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU, ngày 7/9/2016 của Tỉnh ủy về “Đẩy mạnh hoạt động đưa lao động tỉnh Vĩnh Long đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài”.
3 năm trở về trước, Vĩnh Long đứng trong tốp 3 ĐBSCL về XKLĐ, cùng Đồng Tháp, Bến Tre, mỗi tỉnh đưa được hơn 1.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Hơn 1 năm qua, ảnh hưởng chung của dịch COVID-19 đã gây khó khăn rất nhiều cho công tác này, không chỉ ở Vĩnh Long mà nhiều tỉnh- thành vùng ĐBSCL.
Vì vậy bằng các giải pháp, cơ chế đã và sẽ triển khai, kỳ vọng công tác XKLĐ quay lại “nhịp” trước đó. Như đã từng nói, XKLĐ nếu làm tốt, đạt hiệu quả sẽ giải quyết được mục tiêu: nâng cao thu nhập; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo phong trào khởi nghiệp...
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin