Cùng con trẻ lạc quan "ở nhà chống dịch"

06:06, 01/06/2021

Kỳ nghỉ hè đến sớm, mọi kế hoạch du lịch xa gần, những dự định cho con vui học hè đều phải gác lại toàn bộ vì dịch COVID-19. Nhưng mùa hè "bất đắc dĩ" ở nhà sẽ trở thành ký ức đặc biệt vì luôn còn vòng tay yêu thương của cộng đồng và những trải nghiệm thật ý nghĩa dành cho các con.

(VLO) Kỳ nghỉ hè đến sớm, mọi kế hoạch du lịch xa gần, những dự định cho con vui học hè đều phải gác lại toàn bộ vì dịch COVID-19. Nhưng mùa hè “bất đắc dĩ” ở nhà sẽ trở thành ký ức đặc biệt vì luôn còn vòng tay yêu thương của cộng đồng và những trải nghiệm thật ý nghĩa dành cho các con.

Bé Việt được mẹ Huỳnh Nhị hướng dẫn cách nấu ăn, làm việc nhà, tạo thói quen đọc sách.
Bé Việt được mẹ Huỳnh Nhị hướng dẫn cách nấu ăn, làm việc nhà, tạo thói quen đọc sách.

Giấc mơ mùa hè đặc biệt

Với trẻ thơ, mùa hè đong đầy giấc mơ trong veo. Nhưng sinh ra trong hoàn cảnh thiếu thốn, loay hoay cơm áo gạo tiền, ước muốn đi chơi của con trẻ mãi trằn trọc trong những giấc mơ.

Về ấp Sóc Rừng (xã Loan Mỹ- Tam Bình), chúng tôi tìm gặp bé Thạch Thị Minh Thư, là 1 trong 100 bạn nhỏ ở Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh và Sóc Trăng được chọn dự trại hè “Đại sứ hàng Việt tí hon” lần thứ 10.

Tuy nhiên, do dịch COVID-19 bùng phát trở lại nên các em không trực tiếp tham gia trại hè ở TP Hồ Chí Minh, mà Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đến từng địa phương để trao quà.

Nâng niu những quyển sách, dụng cụ học tập, giày dép mới, em Thạch Thị Minh Thư cười tươi rói: “Con hông buồn nữa vì ở nhà để tránh dịch và vẫn được cô chú quan tâm tặng quà. Con thích nhất cái đèn với bàn học vì chưa bao giờ thấy cái bàn đẹp như vậy”.

Tai nạn giao thông làm cho sức khỏe cha và mẹ Minh Thư yếu đi. Những lúc trái gió trở trời, mẹ em thường xuyên lên cơn co giật.

Không có ruộng đất, kinh tế gia đình 4 người mong chờ vào tiền ai thuê gì làm nấy của cha Minh Thư. Thật cảm động khi Minh Thư nói giấc mơ của mình là “làm bác sĩ để chữa bệnh cho cha mẹ và cho mọi người có hoàn cảnh như con”.

Cô Lê Thị Hồng Nhan- Tổng phụ trách Đội Trường THCS Loan Mỹ chia sẻ: “Vì bé Minh Thư có hoàn cảnh đặc biệt, ít có dịp vui chơi, trải nghiệm bên ngoài nên nhà trường chọn bé tham dự trại hè.

Con háo hức, nôn nao dữ lắm, hỏi ngày đi, hỏi đủ thứ hết”. Nhưng rồi giấc mơ được đi công viên nước, được gặp cô chú nghệ sĩ của Minh Thư gác lại.

Chị Hồ Đức Minh- Chánh Văn phòng Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao- cho biết, qua 10 năm tổ chức hoạt động, tiêu chí lựa chọn trại sinh là các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn mà vẫn phấn đấu đi học.

Trại hè được thiết kế với mong muốn các em từ nhiều tỉnh khác nhau được gặp nhau, để các em thấy có những bạn bè xung quanh, có những hoàn cảnh khó khăn như mình và vẫn được xã hội, vẫn được mọi người quan tâm.

Trong thời điểm an toàn sức khỏe là mục tiêu cao nhất, mang một phần trại hè về với trẻ em nghèo gửi gắm niềm tin mong giấc mơ ngày hè của các em vẫn đẹp trong vòng tay yêu thương của cả cộng đồng.

Cho con thật vui, thật khỏe

Thích ứng với bối cảnh cuộc chiến chống dịch căng thẳng, mỗi gia đình hoàn toàn có thể tạo nên trải nghiệm mùa hè thật đặc biệt cho con.

Với nhiều phụ huynh, có đủ cung bậc cảm xúc khi con ở nhà trong thời gian dài. Các em có những bài học trải nghiệm khác nhau: học qua mạng, về quê chơi, đọc sách, làm việc nhà, nhưng không ít gia đình lo lắng vì con em họ sẽ “nghiện” ti vi, điện thoại.

Dù “ở nhà tránh dịch” nhưng mỗi gia đình có thể tạo nên trải nghiệm mùa hè thật đặc biệt cho con.
Dù “ở nhà tránh dịch” nhưng mỗi gia đình có thể tạo nên trải nghiệm mùa hè thật đặc biệt cho con.

Cô Trần Huỳnh Nhị- giáo viên Trường THPT Nguyễn Thông- cho rằng: “Phụ huynh phải kiên nhẫn và phải có việc làm bé hứng thú: cho bé tìm hiểu rubic; cho mấy tờ giấy yêu cầu sáng tạo, bé sẽ chịu ngồi nghiên cứu sách hướng dẫn; mua cho bản đồ thế giới yêu cầu bé tìm các quốc gia, dùng điện thoại tra cứu địa lý văn hóa rồi vẽ lá cờ vào tập; mua cây về trồng, mỗi ngày đo xem cây cao bao nhiêu…”

Nhà của cô Huỳnh Nhị có hơn 3.000 quyển sách, mỗi góc phòng đều có kệ sách và bé Việt học lớp 4 cũng yêu thích đọc sách như ba mẹ.

Theo cô Huỳnh Nhị, để hình thành thói quen đọc cho trẻ thì ở nhà phải có tủ sách gia đình, mỗi tháng trẻ được mua vài quyển sách, hình ảnh này tạo ấn tượng cho trẻ về sự tồn tại của sách trong nhà. Phải có giờ đọc sách cố định mỗi ngày khoảng năm mười phút hay nửa tiếng đều được.

Hoạt động này phải đi vào nề nếp và được tôn trọng để hình thành thói quen. Cho trẻ tiếp cận từ sách tranh giúp trẻ nhận diện hình ảnh cho đến sách chữ.

Thường xuyên cho trẻ ứng dụng những điều đã đọc vào cuộc sống hoặc ít nhất trẻ được trò chuyện với cha mẹ về những điều ấy. Bên cạnh đó, chọn sách phù hợp đem lại hứng thú cho trẻ cũng rất quan trọng.

Chị Trần Tuyết Nhung (thị trấn Vũng Liêm) thì cho rằng bảo vệ sức khỏe cho trẻ trong dịch bệnh rất quan trọng: “Nên cho các con đọc quy định về việc tụ tập và đeo khẩu trang, cho đọc sách sức khỏe.

Quan trọng nhất là chế độ dinh dưỡng, để sẵn lượng nước con cần uống trong ngày, cho con ăn nhiều rau củ, chọn loại vitamin uy tín bổ sung cho bé, súc miệng bằng nước muối, rửa tay thường xuyên…”

Dịch bệnh gây ra những xáo trộn không nhỏ trong đời sống xã hội nhưng dịch bệnh cũng là cơ hội để nhiều người tìm về với giá trị gia đình, làm ấm thêm mái ấm và có thời gian gần gũi với cha mẹ, con cái, những điều mà ngày thường bận rộn họ không thể đủ thời gian làm được.

Cùng con lạc quan vượt qua đại dịch, hướng trẻ về những giá trị tốt đẹp, bắt đầu từ những gì gần gũi nhất. Hành trang sau này của các con sẽ “giàu có” hơn vì những kỷ niệm gắn kết của ngày hôm nay.

Theo bà Phan Hồng Hạnh- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2021 với chủ đề: “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh”. Các hoạt động tổ chức phải đảm bảo các biện pháp an toàn về phòng chống dịch, chú trọng các hoạt động bảo vệ trẻ em trong lĩnh vực văn hóa.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh