Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vừa được Bộ TT&TT ban hành có thể xem như "viên gạch" đầu tiên tạo tiền đề cho nền tảng ứng xử trên môi trường mạng.
Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vừa được Bộ TT&TT ban hành có thể xem như “viên gạch” đầu tiên tạo tiền đề cho nền tảng ứng xử trên môi trường mạng.
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa ban hành bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Bộ quy tắc hướng đến xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng mạng xã hội, góp phần phát triển môi trường mạng theo hướng an toàn, lành mạnh hơn.
Bộ Quy tắc ứng xử mang tính nhân văn
Là một trong những tổ chức được tham gia góp ý vào việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên môi trường mạng từ năm 2019 - 2020, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) cho rằng một trong những điều văn minh, nhân văn của bộ quy tắc khi nhấn mạnh đến việc bảo vệ người yếu thế, dễ bị tổn thương trên môi trường mạng.
Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững |
“Chúng tôi rất vui mừng vì Ban biên soạn đã tiếp thu các ý kiến và có quy định liên quan. Điều này rất quan trọng trong việc đảm bảo nỗ lực của tất cả các bên liên quan trong việc xây dựng môi trường mạng xã hội lành mạnh, an toàn cho tất cả mọi người, không để ai bỏ lại phía sau”, bà Linh nêu ý kiến.
Bà Phương Linh cũng hy vọng việc phổ biến và ứng dụng quy định bảo vệ người yếu thế không chỉ quy định trong trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ mạng xã hội mà trở thành quy tắc giá trị, xuyên suốt trong hành vi ứng xử của tất cả các bên liên quan trong đời thực cũng như trên môi trường mạng.
Theo Viện trưởng MSD, giữa lúc môi trường mạng xã hội hiện nay rất đa dạng, nhưng không kém phần nhộn nhạo, bộ Quy tắc ra đời là kịp lúc để định hướng hỗ trợ cho các bên liên quan phương pháp, cách thức để ứng xử lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
Song, bà Phương Linh nhận định, việc ra đời bộ Quy tắc mới là một dấu mốc, quan trọng hơn là công việc truyền thông, giáo dục cộng đồng để ứng dụng bộ Quy tắc vào thực tế. Thêm vào đó, các cơ quan ban ngành cũng cần liên tục khảo sát, lắng nghe để điều chỉnh, cập nhật bộ Quy tắc “sống” luôn phù hợp và đáp ứng nhu cầu và điều kiện thực tế.
“Viên gạch” đầu tiên của nền tảng ứng xử trên môi trường mạng
Nhiều chuyên gia đánh giá, tuy bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vừa ban hành tuy chỉ là quy tắc không có tính chất ràng buộc, nhưng cũng tạo khuôn khổ quan trọng để có những chính sách rõ ràng, nhất là quy định đối với các cơ quan nhà nước. Nếu cơ quan nhà nước thực hiện tốt quy tắc này sẽ mang lại không ít lợi ích cho xã hội.
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông |
Theo ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS), bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội có thể xem như “viên gạch” tiền đề cho nền tảng ứng xử trên môi trường mạng.
Để bộ Quy tắc có thể thực thi đi vào cuộc sống, các hội nghề nghiệp, hiệp hội, nhóm… sẽ là những đơn vị triển khai những bước tiếp theo.
“Bộ Quy tắc chỉ mang tính hướng dẫn hành vi, giúp điều chỉnh hành vi của công dân để tránh ngưỡng vi phạm pháp luật, không có giá trị bắt buộc thực thi, nên không thể kỳ vọng nó sẽ giúp thay đổi mạnh mẽ cách hành xử của mọi người trên mạng xã hội.
Để phát huy hiệu quả tốt hơn của bộ Quy tắc, Bộ TT&TT cần thúc đẩy các hội nghề nghiệp sử dụng bộ quy tắc chung này như những gợi ý mang tính nguyên tắc để xây dựng, ban hành bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội chi tiết cho từng hội của mình”, ông Đồng nêu kiến nghị.
Một trong những đơn vị cần đi đầu thực hiện bộ Quy tắc này theo ông Viện trưởng Hội Điện ảnh Việt Nam và những hiệp hội nơi các nghệ sĩ hoạt động, bởi đó chính là nơi dễ lan tỏa nhất cách ứng xử đúng trên môi trường mạng.
“Việc Bộ TT&TT ban hành bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là đúng đắn bởi ranh giới tự do bày tỏ quan điểm của mình trên mạng xã hội hiện nay rất mơ hồ và dễ lẫn lộn. Trong lĩnh vực này, hiện cũng chưa có quốc gia nào ban hành được một quy định chuẩn mực trên mạng xã hội”, ông Đồng nêu rõ.
Việt Nam đang là quốc gia đứng thứ 7 trên thế giới về số lượng người sử dụng Facebook nói riêng và có khoảng 55 triệu người dùng mạng xã hội nói chung.
Với số lượng người sử dụng mạng xã hội chiếm khoảng 57% dân số, cho thấy mạng xã hội đang trở thành một môi trường quan trọng trong việc cung cấp tin tức, kiến thức về tất cả các lĩnh vực.
Bộ Quy tắc ứng xử mạng xã hội được kỳ vọng có thể tạo nên một môi trường mạng lành mạnh, an toàn nếu như mỗi người sử dụng tự hình thành những thói quen tốt, chủ động giữ gìn các giá trị đạo đức trên môi trường mạng./.
Theo Vân Anh/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin