Có một chốn để về, bữa cơm ngọt yêu thương

06:06, 27/06/2021

"Người ta có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một chốn để quay về"- đó là gia đình. Nơi có những điểm tựa quan trọng, quây quần bên bữa cơm, yêu thương, quan tâm khi còn có thể và trang bị cho bạn những hành trang quý giá nhất để vào đời.

 

Theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Kim Phương, ông bà là tấm gương để các cháu kính trọng, noi theo.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Kim Phương, ông bà là tấm gương để các cháu kính trọng, noi theo.

(VLO) “Người ta có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một chốn để quay về”- đó là gia đình. Nơi có những điểm tựa quan trọng, quây quần bên bữa cơm, yêu thương, quan tâm khi còn có thể và trang bị cho bạn những hành trang quý giá nhất để vào đời.

Bữa cơm chung duy trì hạnh phúc gia đình

Đối với người Việt Nam, bữa ăn gia đình là biểu tượng của sự gắn kết, yêu thương và sum họp. Sau một ngày làm việc, học tập, bữa cơm gia đình là nơi các thành viên quây quần, chia sẻ những câu chuyện trong ngày, rũ bỏ buồn phiền, động viên nhau…

Bữa cơm dù đơn sơ, đạm bạc nhưng đong đầy yêu thương của người mẹ, người vợ, người con... đối với các thành viên trong gia đình.

Những gia đình giữ và tổ chức tốt bữa ăn gia đình không chỉ cung cấp năng lượng cho sự sinh tồn và phát triển thể chất cho từng thành viên mà còn hun đúc những giá trị tinh thần, tâm lý, tình cảm gắn bó sâu sắc giữa các thành viên.

Những giá trị vật chất và tinh thần hình thành sau những bữa cơm gia đình giống như những viên gạch cùng chất keo vô hình gắn kết mỗi gia đình.

Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, sự bận rộn trong công việc nhất là tại các thành phố lớn đã khiến cho nhiều người chọn cho mình những bữa ăn nhanh hoặc ăn tại hàng quán. Điều này rất tiện lợi nhưng nó cũng vô tình khiến cho người ta ít có cơ hội được ngồi bên nhau trong một bữa cơm thân mật.

Gia đình bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Kim Phương- Trưởng Khoa Nội tim mạch- Lão khoa Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long có 3 thành viên công tác trong ngành y.

Chồng chị- bác sĩ Đỗ Văn Út công tác ở Khoa Sản và con trai Đỗ Huỳnh Công Khải đang công tác ở Khoa Ngoại chấn thương Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đặc thù công việc có những ngày làm việc xuyên trưa hay trực gần như xuyên đêm nhưng bác sĩ Kim Phương kể, nhà chị luôn duy trì bữa cơm gia đình cùng nhau: “Bữa cơm gia đình có ý nghĩa rất quan trọng, được xem là truyền thống của gia đình.

Nếu tôi bận thì chồng và con cũng có thể vào bếp nấu ăn. Không chỉ đảm bảo dinh dưỡng mà bữa ăn là dịp để gắn kết nhau hơn bởi các thành viên ngồi với nhau kể những chuyện vui, chia sẻ để cùng giải quyết những khó khăn”.

Bác sĩ Kim Phương chia sẻ: “Ba tôi là giáo viên nên ngay từ nhỏ ông đã dạy chúng tôi đối xử với nhau bằng tình cảm chứ không phải roi vọt.

Ông năm nay 97 tuổi, có thời gian, con cháu trong nhà cũng thích quây quần bên nhau. Ở một gia đình nhiều thế hệ, thì ông bà là tấm gương để các cháu kính trọng, học theo”.

Theo bác sĩ Kim Phương, dù công việc có khó khăn, hay áp lực thì rời cổng bệnh viện, mọi trăn trở gác lại để trở thành một người vợ, một người mẹ. Hạnh phúc gia đình bắt đầu từ những bữa cơm. Và một gia đình hạnh phúc, theo bác sĩ Kim Phương, không thể thiếu 3 chữ: “tôn trọng, nhường nhịn và chia sẻ”.

Cho con những bài học đầu đời

Bữa cơm gia đình có ý nghĩa quan trọng, gắn kết yêu thương.
Bữa cơm gia đình có ý nghĩa quan trọng, gắn kết yêu thương.

Nếu cha mẹ đang tìm kiếm một cách nào đó để duy trì sự kết nối giữa cha mẹ và con cái thì không cần tìm kiếm ở đâu xa, đó là ở bữa cơm với gia đình.

Nghệ nhân ưu tú Sơn Trong (xã Trung Thành- Vũng Liêm) cho biết, vợ chồng ông cùng nhau xây dựng gia đình đã hơn 40 năm và theo ông: “Bữa cơm gia đình rất quan trọng đối với xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, dù món ăn đơn sơ nhưng cùng ăn, con cháu kể chuyện đi học, kể về bạn bè, vợ chồng chia sẻ với nhau để thắt chặt tình cảm gia đình. Ông bà cha mẹ là người thầy đầu tiên của mỗi người”.

Cha mẹ, người thân chính là người thầy đầu tiên của những đứa trẻ. Qua bữa cơm, những bài học giáo dục từng ngày thấm sâu và hình thành nhân cách của mỗi thành viên.

Trẻ em học cách biết nhường nhịn, biết dành miếng ngon cho người khác, biết vì người khác, rèn luyện những thói quen tốt...

Đặc biệt, đối với những gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống, những bữa cơm quây quần có sức mạnh của giáo dục từ gia đình sẽ đạt hiệu quả cao.

Chị Nguyễn Thị Thắm (Phường 8-TP Vĩnh Long) thì thông qua mỗi bữa cơm, dạy con gái những kỹ năng sống cần thiết như cách dọn dẹp, cách nấu ăn: “Dịch COVID-19 nên bé có nhiều thời gian ở nhà hơn.

Buổi sáng sau khi thức dậy, ăn sáng xong thì tôi cho con phụ phơi quần áo, sắp xếp bàn đọc sách, lau bàn ghế. Đến trưa nấu cơm thì con phụ vo gạo, lặt rau, cho bé nghiên cứu nấu một món ăn bé thích và sau này không cần bắt ép, bé cũng thích nấu ăn”.

Gia đình là nơi hun đúc, giữ gìn những giá trị truyền thống của con người Việt Nam. Vợ chồng yêu thương nhau là sức đề kháng mạnh nhất của một gia đình, là sự giáo dục cơ bản nhất và tốt nhất dành cho con cái.

Ông bà, cha mẹ dành nhiều thời gian cho con cháu và các cháu sẽ học được cách hiểu, yêu thương nhau hơn.

Cuộc sống hiện đại ngày nay khác biệt rất nhiều so với thuở cha ông đi trước, bởi áp lực của việc làm, của thời gian… đặc biệt là quá trình hội nhập, tiếp thu những nền văn hóa tiên tiến khác nhau.

Lưu giữ, trao truyền và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp trong gia đình được chú trọng để hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình. Luôn có một nơi để về, có một chốn để yêu thương. Và mỗi người cũng luôn cần vun đắp nó mỗi ngày.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh