Chống dịch như chống giặc, phải tổng tiến công toàn diện, thần tốc

06:06, 01/06/2021

Diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là tại các địa phương có khu công nghiệp (KCN) tập trung, khu chế xuất (KCX) và các thành phố lớn, hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình dịch và giải pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 kết nối đến điểm cầu của UBND 63 tỉnh- thành và tại những huyện có KCN, KCX, khu kinh tế với tinh thần "Chống dịch như chống giặc".

(VLO) Diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là tại các địa phương có khu công nghiệp (KCN) tập trung, khu chế xuất (KCX) và các thành phố lớn, hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình dịch và giải pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 kết nối đến điểm cầu của UBND 63 tỉnh- thành và tại những huyện có KCN, KCX, khu kinh tế với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu lãnh đạo các tỉnh- thành phải hết sức tập trung, trách nhiệm với tinh thần tổng lực, toàn diện trong công tác lãnh- chỉ đạo phòng chống dịch.

 Chủ động thực hiện biện pháp “5K” là cách phòng chống COVID-19 hiệu quả nhất.
Chủ động thực hiện biện pháp “5K” là cách phòng chống COVID-19 hiệu quả nhất.

Bảo vệ nghiêm ngặt các KCN

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, dịch lần 4 này bùng phát tại các KCN ở Bắc Giang, do mật độ công nhân đông, không gian nhà máy hẹp, khép kín, dùng chung nhà vệ sinh, ăn uống tập trung, đi xe chung, ở chung khu nhà trọ.

Tỉnh Bắc Giang sẽ kiểm soát được dịch trong thời gian tới nhưng không thể trong thời gian ngắn. Tại Bắc Ninh, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long quan ngại việc lây nhiễm từ cộng đồng vào KCN có xu hướng phức tạp hơn.

Bộ Y tế nhận định và dự báo, tại Bắc Ninh, Bắc Giang, các trường hợp mắc mới sẽ tiếp tục được ghi nhận do nguồn lây tồn tại trong thời gian dài, phạm vi rộng, nhưng cơ bản tình hình dịch bệnh tại 2 tỉnh này đang cố gắng từng bước kiểm soát.

Tỉnh Bắc Giang chủ động và xây dựng phương án ứng phó với tình huống có 5.000 ca mắc, còn Bắc Ninh là 3.000 ca mắc.

Một số địa phương, đặc biệt tại các đô thị tập trung đông người như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có thể vẫn tiếp tục ghi nhận các ổ dịch rải rác, các chùm ca bệnh trong cộng đồng.

Mặc dù ghi nhận các chùm ca bệnh, ca bệnh khác nhau, nhưng Hà Nội, TP Hồ Chí Minh triển khai rất bài bản các giải pháp để giữ vững và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, hiện việc lây nhiễm ở các bệnh viện có giảm, nguy cơ lây nhiễm ở các KCN là cao nhất.

Do vậy phải tìm giải pháp làm sao để phòng chống dịch hiệu quả trong các KCN. Đây là việc rất quan trọng vì trường học có thể cho học sinh nghỉ để hạn chế lây nhiễm, còn các KCN sẽ khó cho công nhân nghỉ.

Từ đó, Bộ trưởng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương đặt mục tiêu bảo vệ nghiêm ngặt các KCN. Thực hiện phương án giãn cách, kế hoạch phòng chống dịch cho từng nhà máy, KCN.

Đồng thời, lên kế hoạch giãn cách sản xuất, cần thiết có thể thực hiện ngay ở những khu, khâu sản xuất có nguy cơ cao. Tăng cường quản lý công nhân tại nơi làm việc, phương tiện giao thông và tại nơi cư trú.

Về chiến lược vắc xin, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết mục tiêu là tạo miễn dịch cộng đồng trong năm 2021. Tuy nhiên, nhu cầu vắc xin ở các nước rất lớn, tình trạng khan hiếm trên toàn cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Người dân tuân thủ việc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay.
Người dân tuân thủ việc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay.

Dịch bùng phát do chủ quan

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng đợt dịch lần thứ 4 bùng phát do nhiều nguyên nhân, song, nguyên nhân chính là do chủ quan của một số địa phương, cơ quan, đơn vị, một bộ phận nhân dân.

Một số không nắm chắc tình hình, không đánh giá đúng tình hình, không đưa ra biện pháp phù hợp, giải quyết ngay từ đầu, từ sớm, từ xa.

Trong khi đó, một bộ phận nhân dân lơ là, chủ quan, thiếu nghiêm túc thực hiện các quy định phòng chống dịch nên tạo ra sự lây lan rất nhanh. Biến chủng của vi rút đợt dịch này nhanh hơn, mạnh hơn, nguy hiểm và khó lường hơn.

Tính đến 12h ngày 31/5, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay ở Việt Nam là 4.163 ca.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu lãnh đạo các địa phương trong thời gian tới cần bám sát tình hình để lãnh- chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, đúng hướng, đưa ra nhiều giải pháp khả thi.

Cần tổng lực phòng dịch, tập trung thời gian, trí tuệ, công sức với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Người có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu trong công tác phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, phải huy động tất cả nguồn lực con người, vật chất để chung tay phòng chống dịch; tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách để phục vụ công tác phòng chống dịch.

Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan cần quyết liệt hơn, tích cực hơn trong việc tìm kiếm, mua sắm vắc xin, phối hợp nhịp nhàng giữa phòng chống và tấn công, lấy tấn công làm trọng tâm, trong đó có vấn đề vắc xin.

Thủ tướng đặt mục tiêu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo nhiều giải pháp để kiềm chế, đẩy lùi, kiểm soát, tiến tới dập dịch COVID-19, nhất là các địa phương đang là điểm nóng của dịch bệnh.

Ngoài ra, cũng cần tập trung phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; kết thúc năm học 2020- 2021 an toàn.

Nhắc lại tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Thủ tướng yêu cầu toàn thể nhân dân “phải tổng tiến công toàn diện, toàn lực, thần tốc, mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa” để khoanh vùng, dập dịch, ổn định tình hình. Công tác phòng chống dịch phải lấy người dân làm trung tâm, chủ thể.

Lãnh đạo các địa phương phải nắm chắc và dự báo sát tình hình, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công, lấy tấn công là chính, là đột phá, phòng ngừa là cơ bản, là chiến lược thường xuyên, lâu dài, quyết định.

Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi chưa có dịch nhưng cũng không hốt hoảng, sợ sệt, thiếu bình tĩnh, bản lĩnh khi có dịch. Từ đó sáng suốt đưa ra những phương án xử lý phù hợp.

Người đứng đầu Chính phủ quán triệt mục tiêu trên hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân. Cùng với đó là kiểm soát và dập tắt dịch đang bùng phát, nhất là ở các địa bàn trọng điểm như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, các KCN.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của vắc xin, Thủ tướng đề nghị ngoài việc tích cực tiếp cận nguồn vắc xin để mua, cần phải tích cực nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước.

Tổ chức tiêm vắc xin theo thứ tự ưu tiên, giải thích để người dân hiểu và tham gia tiêm chủng với tỷ lệ cao khi có đủ vắc xin. Phương châm là phòng chống từ xa, thực hiện nghiêm 5K + vắc xin+ công nghệ để truy vết, kiểm soát an toàn COVID-19.

Tại Việt Nam, bên cạnh việc đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước, trong đó có 1 loại chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn thứ 3, Bộ Y tế đã tích cực đàm phán, tìm kiếm tất cả các nguồn vắc xin phòng COVID-19 trên thế giới. Cho tới nay, Việt Nam đã có ký kết, cam kết hơn 100 triệu liều để tiêm cho 70% dân số từ 18 tuổi trở lên và đang nỗ lực mua thêm 40 triệu liều để có thể thực hiện được mục tiêu đề ra. Bộ Y tế khẳng định ưu tiên cho Bắc Giang, Bắc Ninh để tiêm cho người dân tại 2 tỉnh này nhanh nhất có thể.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh