Chở che cho những mảnh đời vắng mẹ cha

06:06, 22/06/2021

Mỗi một giai đoạn phát triển của trẻ từ lúc sinh ra đến vị thành niên đều không thể thiếu sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ. Vì nhiều lý do, có những đứa trẻ phải trải qua cảnh "mồ côi" từ rất sớm. Sự quan tâm, giáo dục, chung tay của cả cộng đồng gửi gắm mong muốn các em trở thành những người biết yêu thương và sống có ích cho xã hội.

(VLO) Mỗi một giai đoạn phát triển của trẻ từ lúc sinh ra đến vị thành niên đều không thể thiếu sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ. Vì nhiều lý do, có những đứa trẻ phải trải qua cảnh “mồ côi” từ rất sớm. Sự quan tâm, giáo dục, chung tay của cả cộng đồng gửi gắm mong muốn các em trở thành những người biết yêu thương và sống có ích cho xã hội.

Em Nguyễn Đăng Khoa lớn lên trong sự chở che của bà cố ngoại.
Em Nguyễn Đăng Khoa lớn lên trong sự chở che của bà cố ngoại.

Khi ông bà một lần nữa làm cha mẹ

Căn nhà của em Nguyễn Đăng Khoa (Lớp 7/6, Trường THCS Nguyễn Trường Tộ) nằm sâu hun hút trong con hẻm nhỏ ở Phường 2 (TP Vĩnh Long).

Cha bỏ đi từ lúc mới sinh ra, Khoa sống cùng mẹ và bà ngoại. Bà ngoại qua đời, đau đớn hơn, khi Khoa hơn 20 tháng tuổi thì mẹ cũng mắc bệnh ung thư và rời bỏ em.

Đăng Khoa phải về sống nương nhờ ông bà cố ngoại. Bà thường xuyên bị bệnh, còn ông do tai biến để lại di chứng, mọi di chuyển phải phụ thuộc vào xe lăn. Cuộc sống của em nhờ vào sự quan tâm của các cô chú lối xóm cùng chính quyền địa phương hỗ trợ học bổng, tập sách đến trường.

Bà Lê Kiêm Lang- bà cố ngoại của Khoa năm nay 81 tuổi- chia sẻ: “Nuôi cháu từ thôi nôi tới giờ. Thiếu mẹ cha, cháu luôn trầm lặng, ít nói. Tui luôn động viên, nói với cháu rằng tôi còn sống ngày nào sẽ nuôi cháu ngày đó, cháu phải cố gắng mà sống tốt. Vừa rồi cháu tập đá banh, bị té gãy chân, nằm suốt 7 tháng trời, khó khăn chồng chất khó khăn”.

Vì hoàn cảnh, kinh tế gia đình khó khăn, nhiều cha mẹ ở thôn quê buộc phải đi làm ăn xa, để con cái lại nhà.

Nhiều ông bà nội, ngoại một lần nữa lại kiêm luôn vai trò là cha mẹ của những đứa cháu non nớt. Những việc không tên kéo nhau hết ngày, ông bà phải cho các cháu ăn uống, tắm giặt, đưa đi học...

Bà Nguyễn Thị Mười (xã Mỹ Thạnh Trung- Tam Bình) cho biết: “Tui chăm đứa cháu nội 4 tuổi vì cha mẹ cháu làm ở chợ nông sản Bình Điền (TP Hồ Chí Minh), ngày nào cũng làm từ 7 giờ tối tới trưa hôm sau, rồi về lại kiệt sức ngủ bù thì thời gian đâu mà lo cho con.

Bình thường không sao, nhưng khi cháu bệnh đau, nó thèm hơi mẹ, nó khóc ré lên. Có phải muốn xa con cái đâu nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, phải đi làm để con có thêm bữa ăn, thêm lon sữa”.

Thiếu vắng đấng sinh thành, đó là nỗi đau, vết thương lớn trong tâm hồn mỗi đứa trẻ. Dù có thể hiện ra bên ngoài hay nuốt ngược vào trong, nó vẫn luôn còn đó, day dứt, ám ảnh dài theo năm tháng.

Xét ở quy luật tâm lý cũng như từ thực tế cho thấy, vai trò của cha mẹ trong việc chăm sóc, giáo dục con là điều vô cùng quan trọng.

Đa số trẻ phát triển có vấn đề rơi vào những gia đình cha mẹ ly hôn, bỏ bê con cái, thiếu sự quan tâm, giáo dục. Làn sóng người lao động rời nông thôn lên thành thị, đi xuất khẩu lao động cũng làm gia tăng đáng kể số trẻ em phải sống thiếu sự chăm lo của phụ huynh.

Đáng buồn nhất vẫn là tình trạng những đứa trẻ phải nếm cảnh “mồ côi” từ sớm, khi người sinh ra chúng lại bỏ mặc chúng.

Vòng tay cộng đồng che chở các con

Lớp học của thầy Lê Trung Lành ở Trung tâm Công tác xã hội.
Lớp học của thầy Lê Trung Lành ở Trung tâm Công tác xã hội.

Theo bà Phan Hồng Hạnh- Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: “Vào đầu năm, chúng tôi phối hợp với các huyện- thị- thành rà soát nhu cầu của trẻ em trong toàn tỉnh và từ nhu cầu này, chúng tôi kết nối đến các đơn vị tài trợ, tiến hành phân loại nhóm nhu cầu để nhà tài trợ chọn cách giúp đỡ phù hợp”.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Vĩnh Long đã vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hơn 1,7 tỷ đồng,…

Công tác xã hội hóa ngày càng được chú trọng và đẩy mạnh, phát huy được mọi nguồn lực chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần, vui chơi cho trẻ em đặc biệt là trẻ em khuyết tật, trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em dân tộc thiểu số trên tất cả các lĩnh vực về y tế, giáo dục và vui chơi, giải trí cũng như hoạt động giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho các em.

Theo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin- Người khuyết tật và Bảo trợ xã hội, toàn tỉnh hiện có 2.542 trẻ mồ côi, 368 em được nhận bảo trợ xã hội.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, hội trao 79 xe đạp, 140 suất học bổng, sách giáo khoa, đồng phục… với tổng giá trị hỗ trợ học sinh khuyết tật, mồ côi gần 400 triệu đồng.

Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Vĩnh Long hiện đang quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng 212 đối tượng, trong đó có 39 trẻ em, với 16 trẻ khuyết tật.

Chị Trương Thị Ngọc Yến- Trưởng Phòng Chăm sóc, Y tế và Phục hồi chức năng- cho biết: “Mỗi bé là mỗi tính nết, phải tìm ra một số phương pháp nuôi dạy sao cho phù hợp với từng lứa tuổi.

Đặc biệt là đối với các con lớn, phải thường xuyên kết hợp với các nhân viên giáo dục tổ chức các buổi sinh hoạt nói chuyện về tâm sinh lý ở lứa tuổi dậy thì và định hướng học tập cũng như định hướng nghề nghiệp, kỹ năng sống... để các con không thua thiệt so với mọi người khi hòa nhập cộng đồng”.

Thầy Lê Trung Lành- Giáo viên Trường Tiểu học Phú Quới C (Long Hồ) gắn bó với trung tâm gần 20 năm. 4 năm nay, mỗi tối thứ 4, 5, 6 thầy đến trung tâm dạy kèm cửu chương, bài toán hay bài văn khó cho các bé. Buổi sáng thứ 7 thì các em chờ thầy Lành đến tổ chức nấu ăn, chơi trò chơi dân gian.

Khuôn mặt trẻ thơ hồ hởi, những nụ cười tinh nghịch, hồn nhiên hết cỡ với những trò chơi nhảy dây, nhảy bao, đập heo đất, chơi banh đũa…

“Các bé được dạy chữ, học nấu ăn, được học cách chăm sóc bản thân mình. Trong ngôi nhà có bạn thì bị điếc, có bạn ở vùng hẻo lánh xa xôi mà không còn ai thân thích nữa.

Chúng tôi mong trung tâm là ngôi nhà mang hy vọng, luôn hết mình dạy dỗ, yêu thương các em để phần nào hàn gắn vết thương của số phận, vơi đi nỗi đau mà những trái tim nhỏ bé đang gánh chịu”- thầy Lê Trung Lành tâm sự.

Với những đứa trẻ không may rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, cộng đồng luôn dành cho các em những tình cảm tốt đẹp nhất, mong muốn cho các em không còn mang nặng tâm trạng mặc cảm bị bỏ rơi, bị thua sút bạn bè cùng trang lứa.

Cọng rau, mớ cá, lon gạo, những phần học bổng… là nguồn động viên để các em vững bước vào đời bằng chính sức lực của mình, trở thành những người biết yêu thương và sống có ích cho xã hội.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh