Cai nghiện tự nguyện, làm lại cuộc đời

02:06, 27/06/2021

Cai nghiện ma túy tự nguyện là 1 trong 2 biện pháp cai nghiện (bắt buộc và tự nguyện) được quy định trong Luật Phòng, chống ma túy. Trong đó, cai nghiện ma túy tự nguyện được thực hiện tại gia đình, cộng đồng hoặc tại cơ sở cai nghiện ma túy.

 

Học nghề, lao động kết hợp trị liệu cho học viên tại Cơ sở Cai nghiện ma túy.
Học nghề, lao động kết hợp trị liệu cho học viên tại Cơ sở Cai nghiện ma túy.

(VLO) Cai nghiện ma túy tự nguyện là 1 trong 2 biện pháp cai nghiện (bắt buộc và tự nguyện) được quy định trong Luật Phòng, chống ma túy. Trong đó, cai nghiện ma túy tự nguyện được thực hiện tại gia đình, cộng đồng hoặc tại cơ sở cai nghiện ma túy.

Tại Cơ sở Cai nghiện ma túy (trực thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội), gần đây tiếp nhận nhiều học viên trong và ngoài tỉnh đăng ký cai nghiện tự nguyện, được lao động kết hợp trị liệu, đào tạo và định hướng nghề nghiệp, tiếp thêm động lực giúp họ làm lại cuộc đời.

Quyết tâm từ bỏ ma túy

N.Đ.M. (32 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) đăng ký vào cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở Cai nghiện ma túy được gần 2 tháng. Nhanh nhẹn hoạt bát, M. được cán bộ quản lý, điều trị cai nghiện phân công nhiệm vụ cộng tác viên “truyền thông” của Khu Quyết tâm thuộc bộ phận tự cai.

Nắm lĩnh vực trên, M. “thuộc lòng” luôn cơ chế đối với học viên vào cơ sở, cụ thể: người cai nghiện tự nguyện có thể tham khảo chọn gói 6 tháng hay 12 tháng tùy điều kiện của gia đình và bản thân; lịch thời gian sinh hoạt học tập hàng ngày hoặc hoạt động thông tin (đọc báo, xem đài) đối với học viên.

Hay như học viên người trong tỉnh được “ưu đãi” theo chính sách tự cai lần đầu. M. nói mình như các bạn đa số đăng ký gói cai nghiện tự nguyện 6 tháng.

“Điều kiện cơ sở vật chất, dinh dưỡng, chăm sóc y tế, lao động trị liệu, sinh hoạt vui chơi, thể dục thể thao ở đây rất tốt. Cán bộ, thầy cô tận tình với việc quản lý, điều trị.

Tụi em yên tâm cai nghiện, cả các anh chị và các bạn cai nghiện tự nguyện hay diện bắt buộc”- M. nói. M. còn cho rằng đóng góp nhiều vào tinh thần, ý thức của các học viên cai nghiện chính là hoạt động lao động trị liệu, thông qua các lớp đào tạo nghề cho học viên.

Riêng 6 tháng đầu năm 2021, cơ sở đã tổ chức được các lớp dạy nghề: điêu khắc, cơ khí hàn, đan dây nhựa cho hơn 40 học viên.

“Tụi em có nhu cầu học nghề này”- N.Q.D. (30 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre) được gia đình đăng ký vào cơ sở cai nghiện, nói khi được hỏi về việc lao động trị liệu qua các lớp nghề kể trên.

D. kể trước khi vào cơ sở, đã từng biết làm nghề hàn. Vào đây qua sinh hoạt, được bày tỏ nguyện vọng, kỹ năng, em đăng ký học lại nghề mà em đã từng có.

Học được hơn 1 tháng nay, D. ý thức ngoài việc đã làm được việc, thu nhập 60.000 đ/ngày và được hưởng phân nửa số tiền này. Nhưng điều quan trọng hơn là em giữ được nghề “để khi cai nghiện thành công, tái hòa nhập cộng đồng thì bản thân còn có cái nghề, tạo thu nhập cho bản thân và quan trọng là hạn chế tái nghiện”.

Ông Võ Văn Chiến- Trưởng Phòng Quản lý học viên Cơ sở Cai nghiện ma túy- cho biết ý thức của đa số học viên rất tốt.

Trên tinh thần đó, học viên đồng hành và thực hiện các biện pháp quản lý, điều trị cai nghiện, tham gia các phong trào của cơ sở đề ra,... góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ, mong mỏi của bản thân và gia đình khi vào cơ sở cai nghiện.

Trò chuyện với M., D., chúng tôi nghe thấy một điểm chung đó là sự quyết tâm cao của các bạn khi vào cơ sở để được quản lý, điều trị nghiện.

“Quyết tâm cao, sẽ bỏ được!”- M. khẳng định khi đăng ký tự cai nghiện là đã suy nghĩ rất quyết tâm để từ bỏ ma túy.

Giống bạn, D. nói “chọn cai nghiện tự nguyện là đã quyết tâm tránh xa ma túy”. Học viên này mong mỏi rằng sau khi tái hòa nhập cộng đồng sẽ giữ và làm nghề hàn ngày trước, lo bản thân và gia đình.

Thu hút học viên cai nghiện tự nguyện

Học viên thường xuyên được tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe.
Học viên thường xuyên được tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe.

Tại Cơ sở Cai nghiện ma túy, mọi người xem nhau như một đại gia đình, bình đẳng, được tôn trọng, sẻ chia vì mục tiêu giúp học viên từ bỏ ma túy, tự tin hòa nhập xã hội.

Ông Trần Ngọc Chi Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội) chia sẻ: Cơ sở không chỉ là nơi điều trị bệnh mà còn được xem là ngôi trường mang tính giáo dục cao, tuyên truyền, khuyên giải giúp những con người lầm lỡ tìm lại ý nghĩa cuộc đời”.

Ngoài ra, học viên được dạy nghề, lao động kết hợp trị liệu, giúp họ tìm được công việc ổn định trong tương lai đúng với sở thích, khả năng.

“Công tác đào tạo nghề và hướng nghiệp cho học viên cai nghiện tự nguyện luôn được cơ sở quan tâm, chú trọng nhằm từng bước nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút học viên.

Vừa chữa bệnh, học tập vừa học nghề và tham gia lao động trị liệu giúp học viên ý thức kỷ luật lao động và chấp hành tốt nội quy”- ông Trần Ngọc Chi cho biết thêm.

Bên cạnh việc điều trị theo phác đồ ATK của Bộ Y tế, cơ sở còn phát huy sáng kiến kết hợp giáo dục tâm lý trong điều trị nghiện cho học viên thông qua việc liên kết với Công ty Truyền thông và Đào tạo Cuộc Sống Mới tổ chức thường xuyên các khóa đặc huấn kỹ năng sống nhằm giúp học viên lấy lại sự tự tin, hình thành lối sống tích cực, biết yêu thương mọi người xung quanh.

Đặc biệt là sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 181 của HĐND tỉnh quy định về mức hỗ trợ, mức đóng góp đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập và tại gia đình, cộng đồng, cơ sở đã tiếp nhận 170 học viên đăng ký cai nghiện tự nguyện.

Cụ thể, năm 2019 có 13 học viên, năm 2020 là 105 học viên (vượt 210% so chỉ tiêu) và 5 tháng đầu năm 2021 có 52 học viên đăng ký cai nghiện tự nguyện (chỉ tiêu 125 học viên).

Qua đó, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hơn 1 tỷ đồng, góp phần đảm bảo an ninh trật tự và thực hiện tốt chủ trương giảm dần cai nghiện bắt buộc, tăng cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở chữa bệnh.

Nhận định nguyên nhân đạt được kết quả như trên là do Trung ương, tỉnh quan tâm đầu tư kinh phí để hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu khám, điều trị, sinh hoạt, vui chơi, giải trí, ông Trần Ngọc Chi còn cho biết: Hệ thống chính trị các cấp tích cực vào cuộc, nhất là công tác tuyên truyền, vận động.

Còn tại cơ sở thì viên chức và người lao động thường xuyên được tập huấn kiến thức, kỹ năng về nghề công tác xã hội, từng bước thay đổi nhận thức, xem người nghiện ma túy là “khách hàng” để quản lý. Cơ sở còn quan tâm đến việc xây dựng nơi làm việc “Sáng- xanh- sạch- đẹp- an toàn”.

Ông Trần Ngọc Chi-Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội): Theo mức hỗ trợ thì học viên cai nghiện tự nguyện trong tỉnh được ngân sách hỗ trợ 70% chi phí điều trị, phần còn lại (tương đương 5,2 triệu đồng) do học viên đóng góp. Riêng các học viên ngoài tỉnh thì mức học phí gần 12 triệu đồng, thời gian cai nghiện thì như nhau (6 tháng).

Bài, ảnh: THÁI THỊNH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh