Bất cẩn của người lớn khiến trẻ bị tai nạn

05:06, 25/06/2021

Diễn biến dịch COVID-19 đang rất phức tạp nên trẻ nghỉ học, ở nhà. Các bậc phụ huynh cần chú ý đến các hoạt động của con em mình, tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc vì sự bất cẩn của mình.

(VLO) Diễn biến dịch COVID-19 đang rất phức tạp nên trẻ nghỉ học, ở nhà. Các bậc phụ huynh cần chú ý đến các hoạt động của con em mình, tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc vì sự bất cẩn của mình.

Đừng chủ quan tai nạn đuối nước

Phụ huynh cần quan tâm kỹ năng sinh tồn dưới nước, giúp trẻ ở bất cứ mực nước nào cũng biết cách thở, dựa vào nước để nổi.
Phụ huynh cần quan tâm kỹ năng sinh tồn dưới nước, giúp trẻ ở bất cứ mực nước nào cũng biết cách thở, dựa vào nước để nổi.

Vấn đề trẻ em bị tử vong do đuối nước đã được cảnh báo rất nhiều lần nhưng thực tế vẫn còn xảy ra nhiều vụ việc thương tâm.

Trung tuần tháng 4/2021, có 3 học sinh lớp 8 của Trường THCS Phú Đức rủ nhau đi tắm trên sông Cái Cao, đoạn thuộc ấp An Thành (xã Phú Đức- Long Hồ). Khi rủ nhau bơi qua sông, không may 2 em bị đuối nước...

Đây là 2 trong số rất nhiều trường hợp trẻ bị tử vong do đuối nước thương tâm. Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh, đuối nước xảy ra chủ yếu vào những tháng học sinh nghỉ hè. Trong năm 2020, Vĩnh Long có 19 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, thì có đến 17 trẻ bị đuối nước.

Vừa qua, Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP Hồ Chí Minh tiếp nhận bé trai 4 tuổi ở Vĩnh Long bị ngạt nước do té ao. Mẹ bé cho biết, nhân lúc mẹ đang dọn dẹp nhà cửa, bé ra trước nhà chơi, không may té xuống ao trước nhà.

Người nhà phát hiện, vớt trẻ lên, xốc nước và đưa đến BV địa phương trong tình trạng hôn mê, tím tái thở yếu, co gồng, được các bác sĩ cấp cứu đặt nội khí quản giúp thở, chống co giật, sau đó chuyển đến BV Nhi đồng tích cực điều trị.

Trẻ bị đuối nước một phần do không biết bơi. Nhưng khi trẻ biết bơi vẫn có thể bị đuối nước. Khi thấy bạn bị đuối thì nhảy xuống cứu nhưng lại không có kỹ năng cứu người bị nạn.

Do vậy, trang bị kỹ năng cho trẻ bơi an toàn vẫn còn là một “khoảng trống”. Phần lớn phụ huynh chỉ quan tâm việc con họ biết bơi chưa, ít người biết kỹ năng sinh tồn dưới nước mới là quan trọng.

Vấn đề đặt ra tới đây, là cần cho trẻ tập làm quen với nước từ sớm và học kỹ năng sinh tồn dưới nước, trước khi học bơi.

Biết bơi thôi chưa hẳn đã an toàn, trẻ em nhất thiết phải được học kỹ năng sinh tồn dưới nước, cách hỗ trợ nhau và cứu đuối.

Người lớn bất cẩn- trẻ uống ăn nhầm hóa chất

Hình ảnh thuốc diệt chuột mà 5 trẻ nhầm tưởng kẹo sôcôla nên ăn và suýt nguy kịch.
Hình ảnh thuốc diệt chuột mà 5 trẻ nhầm tưởng kẹo sôcôla nên ăn và suýt nguy kịch.

Thời gian qua, có rất nhiều trường hợp trẻ nhỏ nuốt nhầm hóa chất (thuốc cỏ, xăng, thuốc diệt chuột, thuốc tây…) mà nguyên nhân chủ yếu là do sự tắc trách của người lớn trong việc cất giữ hóa chất.

BV Xuyên Á Vĩnh Long tiếp nhận trường hợp 5 bé (lớn nhất 9 tuổi, nhỏ nhất 15 tháng) được người nhà đưa đến BV sau khi phát hiện các bé ăn nhầm thuốc diệt chuột bởi tưởng là kẹo sôcôla.

Tại đây, các bác sĩ nhanh chóng xác định loại độc chất các bé ăn phải là thuốc diệt chuột nhóm Flocoumafen- một loại superwarfarin tác dụng chống đông máu có thời gian bán thải dài, gây rối loạn đông máu kéo dài vài tuần đến vài tháng.

Hậu quả nặng nề nhất là tình trạng xuất huyết: chảy máu mũi, chảy máu chân răng, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết đường tiết niệu… Nguy hiểm hơn có thể gây xuất huyết não, thậm chí tử vong do xuất huyết ồ ạt nếu không được theo dõi và xử trí kịp thời.

Các bác sĩ nhanh chóng tiến hành rửa dạ dày thật kỹ nhằm loại bỏ tối đa độc chất, bơm than hoạt tính qua sonde vào dạ dày mỗi 2 giờ để hấp thụ chất độc còn lại, truyền dịch để duy trì dinh dưỡng cho các bé.

Đây là loại độc chất không có thuốc đối kháng để loại bỏ phần thuốc đã ngấm vào trong cơ thể, cần đợi thời gian để cơ thể thải hết ra ngoài, do đó phải theo dõi sát dấu hiệu xuất huyết và đánh giá chức năng đông cầm máu, đồng thời chuẩn bị Vitamin K, huyết tương tươi đông lạnh, hồng cầu lắng đầy đủ nhằm ứng phó kịp thời nếu có tình trạng rối loạn đông máu, xuất huyết.

Nhờ được đưa đến BV kịp thời và xử trí tích cực nên những tình huống đáng tiếc đã không xảy ra, chức năng đông máu của các bé bình thường. Sau 7 ngày điều trị các bé được xuất viện.

Theo các bác sĩ khuyến cáo, đối với trẻ dưới 3 tuổi luôn phải có người giữ, chăm sóc và theo dõi để tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra trong chính ngôi nhà của mình như: phỏng; điện giật; té xô, té hồ nước hòn non bộ gây ngạt nước; uống nhầm thuốc, hóa chất…

Còn đối với trẻ trên 3 tuổi, các nguy cơ luôn chực chờ như tai nạn giao thông, điện giật, đuối nước, phỏng… Phụ huynh cần để mắt nhiều hơn đến con mình trong khoảng thời gian nghỉ hè, nghỉ dịch để hạn chế tối đa các tai nạn thương tích có thể xảy ra.

Khi phát hiện hoặc nghi ngờ các bé uống, ăn nhầm hóa chất, thuốc, các chất độc… cần nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất kèm theo loại thuốc, hóa chất đã phát hiện để các bác sĩ xử trí cấp cứu nhanh chóng và kịp thời.

Không nên tự ý xử trí tại nhà vì mỗi loại thuốc, độc chất sẽ có cách xử trí khác nhau, nếu can thiệp không thích hợp có thể làm nặng thêm tình trạng của bé. Nếu nhiễm độc qua da, niêm mạc phải tắm gội bằng xà bông, nước sạch, thay quần áo nhanh chóng trước khi đưa vào viện.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trầm Quốc Tuấn- Trưởng Khoa Ngoại chấn thương BVĐK tỉnh Vĩnh Long- cho biết: “Khi ở nhà, chúng ta phải có người coi trẻ. Bậc thềm, cầu thang phải có lan can, tay vịn chắc chắn để phòng chống trẻ bị ngã. Ổ điện trong nhà phải có hệ thống an toàn, chống giật hoặc thiết kế phù hợp, ở tầm cao trẻ không thể tiếp cận được. Những tai nạn do điện thường là tai nạn nặng, để lại nhiều biến chứng nặng nề đối với trẻ nhỏ”.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh