Tăng cường các giải pháp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai

02:05, 19/05/2021

Năm 2020 và các tháng đầu năm 2021, các loại hình thiên tai như triều cường, sạt lở bờ sông, giông, mưa lớn… đã gây thiệt hại, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân; tác động đến tăng trưởng kinh tế của TP Vĩnh Long. Theo đó, ngành chức năng tăng cường các giải pháp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Rong mé cây xanh trên các tuyến đường TP Vĩnh Long, tránh nguy cơ ngã đổ trong mùa mưa bão.
Rong mé cây xanh trên các tuyến đường TP Vĩnh Long, tránh nguy cơ ngã đổ trong mùa mưa bão.

Năm 2020 và các tháng đầu năm 2021, các loại hình thiên tai như triều cường, sạt lở bờ sông, giông, mưa lớn… đã gây thiệt hại, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân; tác động đến tăng trưởng kinh tế của TP Vĩnh Long. Theo đó, ngành chức năng tăng cường các giải pháp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Ứng phó, xử lý kịp thời tình huống thiên tai

Trong năm 2020, trên địa bàn thành phố xảy ra 2 trường hợp mưa lớn kèm giông, lốc xoáy làm tốc mái và sập mái 2 căn nhà ở Phường 5 và phường Tân Hòa. Bên cạnh, xảy ra 3 trường hợp sạt lở bờ sông thuộc các phường: Tân Hòa, Trường An và Tân Hội, tổng chiều dài khoảng 180m.

Cụ thể, đầu tháng 8/2020, một đoạn đường đan dài khoảng 8m cặp sông Tiền thuộc khóm Tân Hưng (phường Tân Hòa) bị rớt xuống sông. Theo đó, UBND thành phố quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư gia cố, khắc phục sạt lở đoạn sạt lở này, với kinh phí khoảng 800 triệu đồng. Phòng Kinh tế thành phố đã đề nghị Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long hỗ trợ kinh phí di dời, ổn định dân cư đối với hộ bị ảnh hưởng. Bên cạnh, còn có vụ sạt lở đê bao Cồn Giông thuộc khóm Mỹ Thuận (phường Tân Hội), nước tràn ảnh hưởng ao cá (cá bột) và vườn cây ăn trái khoảng 10ha. Theo Phòng Kinh tế TP Vĩnh Long, đến nay, một số đoạn sạt lở đã được khắc phục bê tông hóa, một số đoạn sắp triển khai thi công.

Mặt khác, kỳ triều cường những ngày cuối tháng 9 và đầu tháng 10 âl đã gây ngập, ảnh hưởng đến sinh hoạt, mua bán... Cụ thể, có 2.644 căn nhà bị ngập sân và nền, 8 chợ, 19 điểm trường, 8,55km đường nội ô, 22,4km đường đan nông thôn, 45,8ha vườn cây ăn trái, 3 ao cá, 44 chuồng trại bị ngập.

Ghi nhận của chúng tôi vào sáng ngày 3/9 âl, nhiều tuyến đường nội ô TP Vĩnh Long ngập sâu. Cô Lê Bạch Phượng ở đường Trưng Nữ Vương (Phường 1), nói: Đường này ùn tắc, kẹt xe từ hơn 6 giờ đến gần 8 giờ.

Tại đường Mậu Thân (Phường 3)- một trong những tuyến ngập sâu nhất của nội ô TP Vĩnh Long, cô Trần Thị Bạch Tuyết ở Khóm 1 tất bật lau dọn nhà cửa, hào hển nói: “Nước rút giờ nào thì dọn giờ đó nên mấy ngày nay việc làm hoài hổng hết”. Cô Tuyết cho biết thêm “nhà tui đã nâng nền 3 lần- tổng cộng cao cả thước mà vẫn ngập”.

Ông Ngô Thành Thía- Giám đốc Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long- cho biết: Vào các đợt triều cường, khu vực nội ô TP Vĩnh Long có một số tuyến đường ngập 0,3- 0,5m. Theo ông, cao độ TP Vĩnh Long khá thấp nên về lâu dài, khi hệ thống các công trình đê bao, bờ kè bao quanh thành phố hoàn thành sẽ giúp chống nước tràn tự nhiên, chống ngập hiệu quả cho thành phố.

Nhận thức ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác PCTT đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của thành phố, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn (PCTT- TKCN) thành phố đã phối hợp chặt chẽ với sở ngành hữu quan; tăng cường chỉ đạo các phường thực hiện các biện pháp, phương án phòng, chống, ứng phó kịp thời. Trong năm 2020, tổng kinh phí hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai là hơn 1,3 tỷ đồng.

Tăng cường các giải pháp giảm thiểu thiệt hại

Năm 2021, sau những cơn mưa đầu mùa vào trung tuần tháng 4 kéo dài tại khu vực TP Vĩnh Long khiến nhiều tuyến đường nội ô bị ngập. Mưa lớn kèm giông lốc khiến một số cây xanh bật gốc, nhà ở, mái che bị tốc hư hại.

Ông Nguyễn Văn Vũ ở Khóm 1 (Phường 4) cho biết, mưa đầu mùa kèm giông lốc đã làm nhà ông hư mái ngói. Một số mái che, quán xá gần bên cũng bị giông lốc làm vặn vẹo và hư hỏng nặng. Cũng trận mưa giông này đã làm cho hàng loạt cây xanh khu vực Công viên Truyền hình Vĩnh Long thuộc Khóm 1 (Phường 4) bị bật gốc. Xí nghiệp Công viên cây xanh (thuộc Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long) đã bố trí lực lượng khắc phục sự cố, trồng lại 22 cây xanh đã bật gốc, cũng như dùng cừ tràm chằng chống lại các cây bị nghiêng.

Mới đây, một đoạn đê bao chống ngập TP Vĩnh Long- khu vực sông Cái Cá (đoạn từ cầu Lộ đến rạch Tân Hữu thuộc Phường 2) xảy ra sụt lún cục bộ tại khu vực đang thi công. Ghi nhận tại hiện trường vào ngày 17/5/2021, phần tường bê tông bị dạt ra ngoài sông, cát lún xuống hơn 1m. Nhiều công nhân đang sử dụng phương tiện múc cát, giảm tải cho các đoạn còn lại nhằm bảo vệ không bị ảnh hưởng… Theo đơn vị thi công, đoạn sụt lún này có dấu hiệu vào chiều hôm trước, đến rạng sáng hôm sau thì bị sụt lún. Hiện các công nhân đã làm hàng rào tạm để bảo vệ công trình.

Theo ông Trần Thành Thúc- Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp- PTNT (thuộc Sở Nông nghiệp- PTNT), nguyên nhân sụt lún ban đầu có khả năng gặp túi bùn nên xảy ra tình trạng sụt lún cục bộ tại khu vực thi công. Chủ đầu tư đang phối hợp với đơn vị tư vấn khảo sát, xác định nguyên nhân để có bước xử lý tiếp theo. Trước mắt, chủ đầu tư đề nghị đơn vị thi công, giám sát có biện pháp giảm tải để hạn chế thất thoát cát, đồng thời cần gia cố hàng rào bảo vệ an toàn, bố trí lực lượng túc trực 24/24 tại khu vực sụt lún.

Theo Ban Chỉ huy PCTT- TKCN TP Vĩnh Long, để chủ động phòng chống, ứng phó hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, thành phố sẽ nâng cao chất lượng thông tin, dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai và nâng cao năng lực ứng phó, xử lý khi xảy ra tình huống thiên tai. Bên cạnh, tổ chức diễn tập PCTT- TKCN cấp phường sát với tình hình thực tế của địa phương. Cùng với đó, tiếp tục tuyên truyền để nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng phó với thiên tai đến cấp phường, khóm, tổ nhân dân tự quản… nhất là các hộ đang sinh sống, sản xuất tại các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của thiên tai.

Ở khu vực nội ô, thường xuyên kiểm tra các van một chiều tại các cửa cống thoát nước, nạo vét hố ga, cống rãnh. Sử dụng hết công năng của các máy bơm nước di động trong các đợt triều cường để chống ngập. Bên cạnh, cắt tỉa cành, nhánh các cây cao; tán lớn bị mục, chết; có nguy cơ đổ ngã… để đảm bảo an toàn hơn trong mùa mưa bão.

Đối với khu vực ngoại ô, tập trung hoàn thành các công trình thủy lợi, công trình khắc phục sạt lở bờ sông. Các phường thường xuyên kiểm tra các công trình thủy lợi, đường giao thông liên khóm để đề xuất sửa chữa, nâng cấp và rà soát các hộ dân cư ven sông có nguy cơ xảy ra sạt lở để kịp thời di dời.

Cùng với đó, vận động các căn hộ chằng, chống nhà cửa; yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh gia cố, chằng, chống các pano, biển quảng cáo. Đồng thời, kiểm tra hoạt động của các bến đò ngang, tàu du lịch… nhất là việc trang bị các phương tiện cứu sinh, thiết bị an toàn và đảm bảo tải trọng cho phép.

Cuối tháng 3/2021, công trình cải tạo, nâng cấp đường Mậu Thân (Phường 3- TP Vĩnh Long) đã được triển khai thi công. Công trình nhằm khắc phục tình trạng ngập nước trong mùa mưa lũ do cao độ mặt đường thấp, chưa có hệ thống thoát nước hoàn chỉnh, ảnh hướng đến an toàn giao thông và môi trường, để đảm bảo lưu thông được thuận lợi và tạo mỹ quan đô thị.

Bài, ảnh: SÔNG HẬU- THÀNH LONG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh