Phải bình tĩnh, sáng suốt trong chống dịch COVID-19

09:05, 08/05/2021

Phải bình tĩnh, sáng suốt trong chống dịch COVID-19. Không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Mất cảnh giác là chúng ta phải trả giá đắt. "Một người lơ là, cả xã hội vất vả"- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh như vậy tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của BCĐ quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với các địa phương trong bối cảnh dịch bệnh có những diễn biến mới phức tạp chiều ngày 7/5/2021.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

(VLO) Phải bình tĩnh, sáng suốt trong chống dịch COVID-19. Không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Mất cảnh giác là chúng ta phải trả giá đắt. “Một người lơ là, cả xã hội vất vả”- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh như vậy tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của BCĐ quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với các địa phương trong bối cảnh dịch bệnh có những diễn biến mới phức tạp chiều ngày 7/5/2021.

Dịch phức tạp hơn, tốc độ lây nhiễm cao hơn

Theo báo cáo của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới tiếp tục có diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, trong đó có một số quốc gia có đường biên giới giáp với Việt Nam như: Campuchia, Lào và một số nước trong khu vực như: Ấn Độ, Thái Lan.

Đây là đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam, với 5 ổ dịch lớn đang cùng lúc bùng phát ở phía bắc và nhanh chóng lan rộng 19 tỉnh thành, trong đó cụm tại Viện Nhiệt đới Trung ương và cụm Đà Nẵng chưa rõ nguồn lây.

Bộ trưởng nhìn nhận, đợt dịch lần này diễn ra phức tạp hơn các đợt dịch trước khi có nhiều ổ dịch cùng lúc, đa nguồn lây và đa chủng (với chủng của Anh và Ấn Độ) nên tốc độ lây nhiễm tăng cao hơn so với các đợt dịch trước.

"Có thể sẽ xuất hiện thêm các ổ dịch có nguồn lây chưa kiểm soát được. Do vậy, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là mất cảnh giác"- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Y tế, để phát hiện ca bệnh thì phương pháp duy nhất hiện nay là xét nghiệm thì mới phát hiện ra được ca COVID-19; xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng là cách duy nhất để phát hiện nhanh, sớm COVID-19, kịp thời khoanh vùng dập dịch, không cho lây lan.

Lý do đó, Bộ luôn đề nghị các địa phương, đơn vị phải nâng cao năng lực, chủ động trong vấn đề xét nghiệm. Đặc biệt, cần chủ động tầm soát tại các khu vực có nguy cơ cao về lây nhiễm dịch bệnh để lấy mẫu xét nghiệm định kỳ và thường xuyên.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam- Trưởng BCĐ Quốc gia đề nghị khởi động lại toàn bộ hệ thống phản ứng nhanh ở tất cả các cấp, khởi động lại các tổ COVID cộng đồng, địa phương nào chưa có phải thành lập ngay.

Ông yêu cầu các tỉnh phải thực hiện việc xử phạt với người không đeo khẩu trang nơi công cộng; yêu cầu Bộ Y tế phải thống kê các tỉnh chưa áp dụng các bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch: “Hiện nay, y tế, trường học có thực hiện nhưng các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở lưu trú, bến xe…tỷ lệ thực hiện còn rất thấp.

Nếu các tỉnh chủ quan, khi dịch xảy ra là phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 hết. Dù mất lòng nhưng tôi vẫn nói, các tỉnh cứ dửng dưng như dịch ở đâu, không liên quan đến mình”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, dù tình hình có thay đổi thế nào vẫn phải kiên trì nguyên tắc thứ nhất  là “ngăn chặn - cách ly – khoanh vùng – dập dịch – điều trị hiệu quả”.

Nguyên tắc thứ hai là thực hiện trạng thái bình thường mới, các cá nhân thực hiện 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang; các cơ quan, tổ chức phải thực hiện đầy đủ nghiêm túc việc tự đánh giá định kỳ phòng, chống dịch cập nhật lên hệ thống an toàn COVID (antoancovid.vn). Nguyên tắc thứ ba là “4 tại chỗ”.

Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc

Thủ tướng đề nghị vắc xin đã có thì sử dụng hết và hiệu quả, ưu tiên tuyến đầu.
Thủ tướng đề nghị vắc xin đã có thì sử dụng hết và hiệu quả, ưu tiên tuyến đầu.

Sau khi nghe lãnh đạo các tỉnh Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang, Long An, Thái Bình, Quảng Ninh, TP. Hà Nội thông tin tình hình, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo địa phương cam kết với Trung ương về việc đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19, giữ an toàn cho người dân.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được tình hình. Nhưng nếu số ca lây nhiễm vào bệnh viện gần 1.000 người (tỷ lệ 10 người/1 triệu dân) thì sẽ là nước có dịch.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề cập vai trò của việc phân cấp trong công tác phòng, chống dịch: “Phải quán triệt rõ việc tỉnh kiểm tra huyện, huyện kiểm tra xã, xã kiểm tra tổ dân phố và thực hiện đi từng ngõ, gõ từng nhà để truy vết dịch. Chúng ta phòng ngừa chưa tốt nên giờ phải đi xử lý tình huống và phải quyết liệt”. Đồng thời, kêu gọi sự ủng hộ, cộng tác của người dân. Vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì sức khỏe của cộng đồng và vì sức khỏe của chính mình, mỗi người dân tự giác, gương mẫu thực hiện các quy định, quy chế phòng, chống dịch. Thủ tướng yêu cầu: Cán bộ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu thực hiện các nhiệm vụ chính trị nói chung, cũng như gương mẫu thực hiện phòng, chống, ngăn chặn và khắc phục hậu quả của đại dịch nói riêng. Không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Mất cảnh giác là chúng ta phải trả giá đắt. “Một người lơ là, cả xã hội vất vả”.

Vì vậy cần phải hết sức tỉnh táo, cảnh giác, ngăn chặn không để xảy ra trường hợp này. Về việc dịch lan rộng ra nhiều tỉnh thành thời gian qua, Thủ tướng nhận định nguyên nhân cơ bản là do sự lơ là, chủ quan, mất cảnh giác của nhiều địa phương, của một bộ phận nhân dân. Cộng với ngày nghỉ lễ kéo dài, lượng người đi lại, giao lưu rất lớn, dịch bệnh lại diễn biến nhanh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương khoanh vùng dịch ở quy mô hẹp nhất có thể, đảm bảo nhiệm vụ phát triển kinh tế và tránh khuynh hướng hốt hoảng.

Thủ tướng đề nghị trong thời điểm càng khó khăn, các địa phương tăng cường kỷ luật cũng là một biện pháp chống dịch COVID-19; cần hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt, nắm chắc tình hình và lựa chọn phương án phù hợp.

Ông yêu cầu các địa phương áp dụng giãn cách xã hội theo phân cấp phải đảm bảo gọn nhất có thể, tránh tối đa tác động đến xã hội, đảm bảo thông quan hàng hóa, nguyên liệu qua địa bàn.

Nhiệm vụ đặt ra là vừa đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa chống dịch, khắc phục hậu quả, đảm bảo an ninh, an toàn, an dân, bảo vệ sức khỏe cộng đồng; đồng thời, thực hiện mục tiêu kép.

“Phải tập trung huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Cần phát huy vai trò lãnh đạo của đảng, tổ chức quản lý các cấp chính quyền và đặc biệt huy động sự vào cuộc của nhân dân. Càng khó, càng phức tạp, càng nhạy cảm thì càng phải huy động sức mạnh, trí tuệ tập thể, phát huy hết nội lực.

Chính phủ cũng đang chuyển đổi trạng thái từ phòng ngự sang tấn công, lấy tấn công là chính để đẩy lùi đại dịch. Với tinh thần “phòng” là cơ bản, là chiến lược lâu dài quyết định, “chống” là quan trọng, thường xuyên và quyết liệt…”- Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị.

Với tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu tăng cường biện pháp về công nghệ cũng như các giải pháp giám sát, kiểm tra. Đặc biệt là thực hiện nghiêm nguyên tắc "5K + vắc xin".

Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải chuẩn bị các kịch bản nhằm đảm bảo an toàn cho cuộc bầu cử Quốc hội, HĐND sắp tới và chủ động báo cáo với Trung ương.

Việc tổ chức cuộc bầu cử vừa phải bảo đảm an toàn chống dịch, vừa phải bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, đúng luật và đúng người – đúng tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín để làm đại biểu nhân dân các cấp.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị tổ chức kết thúc năm học 2020-2021 theo đúng luật, căn cứ vào tình hình cụ thể để vừa đảm bảo học sinh được kết thúc năm học tốt đẹp, đồng thời đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Vấn đề quản lý người nhập cảnh hợp pháp tại các khách sạn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định: “Vừa qua, gần 20.000 chuyên gia và lao động kỹ thuật nước ngoài nhập cảnh, qua kiểm tra cho thấy nhiều khách sạn thực hiện không nghiêm”. Chính vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu các khu cách ly phải gắn camera giám sát. Nếu để xảy ra tình trạng không nghiêm, sẽ xử lý không chỉ người đứng đầu khu cách ly mà cả người giám sát các khu cách ly này. Các chuyên gia sau khi hết cách ly phải đi lại và làm việc theo kế hoạch. Với người Việt Nam sau thời gian cách ly tập trung, sẽ phải được bàn giao về cho địa phương nơi họ cư trú. Tổ dân phố, tổ COVID-19 cộng đồng phải thường xuyên kiểm tra những người này.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh