Thực hiện các chương trình của Trung ương và một số chính sách đặc thù của địa phương, bộ mặt nông thôn của vùng đồng bào dân tộc Khmer thay đổi rõ nét. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer giảm, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt nhà ở, ngày càng khang trang, nhiều công trình phúc lợi được quan tâm xây dựng và phát triển.
(VLO) Thực hiện các chương trình của Trung ương và một số chính sách đặc thù của địa phương, bộ mặt nông thôn của vùng đồng bào dân tộc Khmer thay đổi rõ nét. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer giảm, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt nhà ở, ngày càng khang trang, nhiều công trình phúc lợi được quan tâm xây dựng và phát triển.
Đồng bào dân tộc Khmer quan tâm đến việc cho con học đến nơi đến chốn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi.
Từ năm 2016- 2020, tỉnh thực hiện hỗ trợ nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo từ nguồn vốn xã hội hóa hơn 1.600 căn nhà. |
Những chính sách hỗ trợ theo địa chỉ
Bên cạnh những chính sách của Nhà nước, tỉnh Vĩnh Long còn có chính sách và những hoạt động hỗ trợ để đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Khmer nói riêng ngày càng phát triển hơn.
Xác định khó khăn chủ yếu của bà con Khmer là thiếu phương tiện sản xuất. Tỉnh đã huy động các nguồn lực hỗ trợ vốn phát triển sản xuất với đề án hỗ trợ nuôi bò sinh sản cho hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn và có nhu cầu nuôi bò. Trong đó, ưu tiên cho hộ gia đình dân tộc Khmer.
Giai đoạn 2017- 2020, 100 hộ Khmer được hỗ trợ bò giống sinh sản. Nhận được bò giống từ chương trình này, gia đình cô Thạch Thị Dện (xã Tân Mỹ- Trà Ôn) thuê ruộng trồng cỏ và phát triển đàn bò giống.
Đến nay, cô có 3 con bò lai sin và sắp tới sẽ trả 1 bò cái giống cho chương trình để tiếp tục bàn giao hộ khác. Cô Dện cho hay: “Tui có 2 con trai, đi làm hết rồi. Đứa lớn làm thợ hồ trên Sài Gòn, đứa nhỏ thì học ĐH ra trường có việc làm ổn định”.
Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 2016- 2020, tỉnh thực hiện hỗ trợ nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo từ nguồn vốn xã hội hóa hơn 1.600 căn nhà, với tổng kinh phí thực hiện gần 64,5 tỷ đồng.
Sống trong căn nhà mới, anh Thạch Thanh Toàn (xã Tân Mỹ- Trà Ôn) được Công ty TNHH 1TV Xổ số kiến thiết Vĩnh Long hỗ trợ nhà ở và đã thoát nghèo.
Anh Toàn chỉ tay về căn chòi nhỏ phía trước nhà mới, nói: “Nhà cũ của vợ chồng tui đó”. Căn nhà lá ọp ẹp, xiêu vẹo có diện tích như một căn phòng nằm bên vệ đường. Anh Toàn vui vẻ cho biết: “Nhờ công ty xổ số hỗ trợ 40 triệu cộng với mượn anh em thêm mới có được cái nhà này”.
Thay đổi diện mạo nông thôn
Có thể nói, việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách đối với đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh đã tạo nên những kết quả hết sức quan trọng, toàn diện trên nhiều mặt, từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 366 hộ (chiếm 4,3%).
Qua triển khai các chính sách dành cho đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua, ông Thạch Dương- Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh- cho rằng: “Các chính sách nào của Nhà nước cũng đều rất quan trọng và phát huy tính hiệu quả của nó”.
Tuy nhiên, 3 chính sách mà theo ông đã phát huy tính tích cực và được nhân dân đồng tình ủng hộ rất cao đó là: chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ đồng bào Khmer nghèo khó khăn về nhà ở, chính sách về hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người dân sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn và khó khăn, chính sách về hỗ trợ cho vay tín dụng ưu đãi: để sản xuất kinh doanh, chuyển đổi nghề, học nghề và xuất khẩu lao động ở nước ngoài.
Là cô giáo tiểu học đã về hưu, cô Thạch Thị Prean (ấp Phù Ly 1, xã Đông Bình- TX Bình Minh) luôn quan tâm phát triển kinh tế và chuyện học của các con, học trò của mình.
Cô Prean có 2 người con, con trai lớn là Thạch Mo Nắt tốt nghiệp ngành luật ĐH Cần Thơ đang làm việc tại UBND xã Đông Bình. Con gái Thạch Sê Nây đang là sinh viên năm cuối Trường CĐ Y dược Cần Thơ.
Cô Prean vừa gọt trái bưởi Năm Roi vàng tươi, vừa nói: “Được Nhà nước quan tâm, con cái đi học cũng được miễn giảm học phí, ở nhà thì được vay vốn phát triển kinh tế. Vợ chồng tôi ráng làm để cho con ăn học đàng hoàng, tới nơi, tới chốn”.
Cụ thể hóa, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, chương trình mục tiêu của Trung ương cho đồng bào dân tộc vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn là việc mà Vĩnh Long sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
Đồng thời, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- cho biết: “Tổ chức triển khai và thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án chính sách đầu tư vùng đồng bào dân tộc nhằm nâng cao đời sống, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong đồng bào. Song song với việc tập trung phát triển kinh tế gắn với việc khai thác tiềm năng thế mạnh của vùng đồng bào dân tộc”.
Bên cạnh, tỉnh Vĩnh Long còn hỗ trợ kinh phí lắp đặt đồng hồ nước cho gần 800 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số; hộ nghèo sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh với kinh phí hỗ trợ trên 730 triệu đồng. Lắp đặt hệ thống xử lý khí thải 13 lò hỏa táng tại 13 chùa Phật giáo Nam tông Khmer theo hình thức phân từng năm (2016- 2019) với phương án “Đầu tư cải tạo lò cũ nhằm nâng cao hiệu suất đốt của lò và bổ sung thiết bị xử lý mùi hôi bằng ôzôn”, đạt quy chuẩn kỹ thuật của Bộ Tài nguyên- Môi trường, với tổng kinh phí thực hiện gần 2,4 tỷ đồng. Năm 2020 thực hiện quan trắc môi trường 13 lò hỏa táng tại các chùa Phật giáo Nam tông Khmer, với kinh phí thực hiện 637 triệu đồng. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN- CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin