Kỳ cuối: Đầu tư cho giáo dục và giảm nghèo bền vững

05:05, 07/05/2021

Là người con của dân tộc Khmer, ông Thạch Dương- Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh- cho rằng: "Đầu tư cho giáo dục cũng chính là đầu tư để giảm nghèo bền vững cho bà con". Ý thức học tập của bà con đồng bào Khmer đã được cải thiện rất nhiều so trước đây. 

(VLO) Là người con của dân tộc Khmer, ông Thạch Dương- Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh- cho rằng: “Đầu tư cho giáo dục cũng chính là đầu tư để giảm nghèo bền vững cho bà con”. Ý thức học tập của bà con đồng bào Khmer đã được cải thiện rất nhiều so trước đây. Trình độ học vấn, chất lượng nhân lực trong đồng bào cũng không ngừng được nâng lên.

Nhiều ý kiến đề nghị Trường PT Dân tộc nội trú tuyển thêm học sinh từ lớp 6.
Nhiều ý kiến đề nghị Trường PT Dân tộc nội trú tuyển thêm học sinh từ lớp 6.

Mở rộng khối THCS cho trường nội trú

Cái hay cũng là điều băn khoăn của chú Thạch Khương- nguyên Bí thư xã Loan Mỹ: Trường PT Dân tộc Nội trú tỉnh nhận học sinh từ cấp III và “phải có học lực khá giỏi, thi tuyển sinh đầu vào ngon lành”.

Với chú Thạch Khương và nhiều người dân xã Loan Mỹ- xã có khoảng 1/3 học sinh đang học tại trường- đây là địa chỉ tin cậy vì con cái không chỉ được vào học, ăn ở miễn phí mà còn được chăm sóc, dạy dỗ cẩn thận.

Cũng vì lý do đó, chú Thạch Khương mong ước sao: “Trường nội trú mở rộng sang cấp 2 để nhiều gia đình khó khăn, nhất là những gia đình phải đi làm xa có thể cho con học tại đó, vừa yên tâm vừa giúp các cháu học tốt hơn”.

Nói về vấn đề này, ông Thạch Dương cho biết: “Chúng tôi đang tiếp tục kiến nghị mở rộng trường thêm cấp II để tạo điều kiện cho con em học tập tốt hơn, giảm nguy cơ bỏ học”.

Hiện tại, trong tỉnh đã có trường tiểu học và Trường PT Dân tộc Nội trú dạy Ngữ văn Khmer cho học sinh dân tộc nhưng lại không có cấp THCS.

Do đó, việc được dạy và học chữ dân tộc Khmer liên tiếp ở các cấp học là rất cần thiết để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

“Điển hình như khóa học của tôi, nếu không được học nội trú từ lớp 6, chắc cố gắng lắm thì lớp 7 hay lớp 8 tôi phải nghỉ học đi làm mướn rồi”- ông Thạch Dương nói.

Ông Thạch Dương nhắc lời của nguyên Bí thư Huyện ủy Trà Ôn Nguyễn Thành Phan khi đến thăm sinh viên huyện nhà tại ĐH Cần Thơ: “Các con cố gắng học tốt cho tương lai chính mình, cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương cho “nước ta sánh vai với cường quốc năm châu” như lời Bác dạy” và “đặc biệt, các con dân tộc Khmer, cha mẹ các con đã khó khăn, học tốt là cách trả ơn cha mẹ tốt nhất”.

Ông Thạch Dương chia sẻ chân thành: “Tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước rất nhiều vì nhờ sự quan tâm hỗ trợ đó mới có chúng tôi ngày hôm nay”.

Trường PT Dân tộc Nội trú tỉnh có 207 học sinh thì có đến 45 em nghèo, cận nghèo, mồ côi. Theo thầy Thạch Song, để con em người Khmer có điều kiện học tốt hơn thì trường cũng tăng cường công tác xã hội hóa, vận động cựu học sinh đóng góp quỹ để hỗ trợ các em có điều kiện tiến xa hơn.

Và theo thầy Thạch Song, “công tác khuyến học còn chung chung, không có quỹ cố định để hỗ trợ mà chỉ tức thời thôi”.

Học trước hết là cho bản thân

Học sinh người dân tộc ít người luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước để có điều kiện học tốt.
Học sinh người dân tộc ít người luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước để có điều kiện học tốt.

Vấn đề TS. Bạch Thanh Sang quan tâm hiện nay là việc thực hiện các chính sách trong đồng bào dân tộc còn chưa được vận dụng, triển khai tốt.

Ví dụ như Nghị quyết 52 của Chính phủ về việc “Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030” ở mục C, III nhiệm vụ, giải pháp “Người dân tộc thiểu số trong nhóm dân tộc có chất lượng nguồn nhân lực thấp học cao học, nghiên cứu sinh được miễn học phí, giáo trình, tài liệu học tập và hỗ trợ tiền ăn, ở hàng tháng (trong thời gian học thực tế) bằng mức lương cơ sở” chưa áp dụng cho tất cả đối tượng trong nghị quyết mà dễ bị các địa phương hiểu thành “chỉ áp dụng cho đồng bào dân tộc đang là công chức, viên chức nhà nước”.

“Hay trong Quyết định 402/ QĐ- TTg về việc phê duyệt đề án “Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới” thì việc sắp xếp, bố trí nhân lực còn là một bài toán khó”- TS. Bạch Thanh Sang nói.

Ông thường khuyên con cháu và bà con đồng bào dân tộc “học trước hết vì mình, cho mình” không nên trông chờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước rồi mới học.

Là giáo viên, điều cô Thạch Sô Pha quan tâm là việc làm cho sinh viên ra trường. Cô Sô Pha nói: “Tôi thấy việc vào ĐH bây giờ không khó như trước kia nhưng xin việc làm lại khó khăn hơn. Nếu làm tốt công tác dự báo đào tạo theo nhu cầu xã hội thì sinh viên thất nghiệp sẽ giảm”.

Dù đã được hưởng các chính sách đặc thù dành cho học sinh đồng bào vùng dân tộc nhưng hiện nay trên địa bàn xã vẫn có một số học sinh phải bỏ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND xã Trà Côn Nguyễn Thị Hoàng Oanh cho biết: “Để khuyến khích học sinh học tập, địa phương quan tâm thực hiện chính sách miễn giảm học phí qua các năm.

Điển hình như năm học vừa qua đã miễn 100% học phí cho học sinh bậc tiểu học và miễn, giảm học phí cho 251 học sinh THCS”.

Ngoài ra, Hội Khuyến học xã đã vận động quần áo, tập vở, học bổng cho các em học sinh nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 110 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- đề nghị các ngành liên quan và địa phương: “Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; nâng cao trình độ văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số, thu hẹp khoảng cách phát triển giáo dục giữa các vùng, miền, dân tộc. Phát triển và hỗ trợ đầu tư cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp ở các huyện vùng dân tộc thiểu số. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, đào tạo ĐH theo hình thức đào tạo theo nhu cầu sử dụng. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cho vùng dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo và dạy nghề. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu tiên đối với vùng dân tộc thiểu số và các chính sách khác theo quy định hiện hành của Nhà nước”.

 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh