Toàn tỉnh hiện có 200 chiếc xe chuyển bệnh từ thiện - con số đầy tự hào của tỉnh An Giang. Tất cả 11 huyện, thị xã, thành phố đều phát triển mô hình mua xe chuyển bệnh bằng hình thức xã hội hóa. Đặc biệt ở những địa phương vùng sâu, nhiều xã có từ 2-3 chiếc xe chuyển bệnh, góp phần thiết thực giúp đỡ bệnh nhân nghèo nói riêng và người dân nói chung trong lúc nguy cấp.
Toàn tỉnh hiện có 200 chiếc xe chuyển bệnh từ thiện - con số đầy tự hào của tỉnh An Giang. Tất cả 11 huyện, thị xã, thành phố đều phát triển mô hình mua xe chuyển bệnh bằng hình thức xã hội hóa. Đặc biệt ở những địa phương vùng sâu, nhiều xã có từ 2-3 chiếc xe chuyển bệnh, góp phần thiết thực giúp đỡ bệnh nhân nghèo nói riêng và người dân nói chung trong lúc nguy cấp.
Kiểm tra định kỳ để đảm bảo những chuyến đi an toàn cho người bệnh |
Khoảng 10 năm trước, khi phong trào đóng góp mua xe chuyển bệnh mới hình thành, nhu cầu chuyển bệnh cấp thiết mà khả năng còn hạn chế, các tổ chức từ thiện tính toán bằng cách mua lại xe ôtô qua sử dụng và cải tạo lại thành xe chuyển bệnh. Về sau, được sự ủng hộ của nhân dân, đặc biệt có nhiều nhà hảo tâm, doanh nghiệp quan tâm đồng hành, hầu hết xe chuyển bệnh được mua đều là xe chuyên dụng mới hoàn toàn. Trong tổng số gần 200 chiếc xe chuyển bệnh toàn tỉnh, có 180 chiếc xe chuyên dụng, trị giá trên 120 tỷ đồng. Những chiếc xe đã cũ trước đó, khi không còn đảm bảo điều kiện đã được cải tạo thành xe mai táng, chở thuốc nam, vẫn phục vụ cho việc từ thiện. Hàng năm, Hội Chữ thập đỏ tỉnh mở lớp tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu cho tài xế xe chuyển bệnh miễn phí. Việc kiểm định xe được Hội Chữ thập đỏ phối hợp ngành chức năng thực hiện 2 năm/lần.
Huyện Châu Phú là nơi khởi đầu vận động mua xe chuyển bệnh từ thiện, đến nay đã có tổng cộng 29 chiếc xe. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Châu Phú Trần Ngọc Phương cho biết, đang có địa phương tiếp tục vận động mua thêm xe chuyên dụng chuyển bệnh, nhất là các xã vùng sâu thực hiện phong trào rất mạnh. Hoạt động xe chuyển bệnh của mỗi xã đều có Ban điều hành do Hội Chữ thập đỏ xã quản lý, thường xuyên kiểm tra, vệ sinh, tiếp nhiên liệu và ký lệnh điều xe chạy các tuyến khi có trường hợp phải vận chuyển. Các thành viên một khi tham gia làm công việc này không nhận bất cứ khoản tiền nào của thân nhân người bệnh, đặc biệt với các tài xế, phải xác định tình nguyện là trên hết. Khi người bệnh trở về an toàn, gia đình muốn đóng góp thì trực tiếp đến ban điều hành, tùy tâm, tùy hoàn cảnh và tự nguyện gửi lại.
Ở xã biên giới Vĩnh Xương (TX. Tân Châu), điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng đã có 2 xe chuyển bệnh chuyên dụng, trị giá trên 1,5 tỷ đồng do các nhà hảo tâm đóng góp. Mỗi ngày có ít nhất 2 lượt xe chuyển bệnh nhân đi TP. Châu Đốc, TP. Long Xuyên hoặc tỉnh Đồng Tháp. Theo Trưởng ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Vĩnh Xương Đoàn Văn Hổ, không kể ngày hay đêm, bất cứ khi nào người dân bệnh nặng gọi điện đến, thành viên trong đội xe cấp cứu từ thiện đều sẵn sàng. Mỗi chuyến xe chở người bệnh đến bệnh viện là một cuộc đua với tử thần. Nhờ sự hết lòng, tích cực của các thành viên, rất nhiều người đã qua cơn nguy kịch, được kịp thời cứu chữa giành lại sự sống.
Nằm ở vùng cù lao, khoảng cách từ xã Long Giang (Chợ Mới) đến Trung tâm Y tế huyện hoặc qua TP. Long Xuyên đều không xa nhưng có phần bất tiện nếu phải đợi xe cấp cứu. Thấy vậy, nhân dân bàn nhau đóng góp mua 1 chiếc xe chuyển bệnh để chủ động giúp bà con trong lúc ốm đau. Nhờ có thêm doanh nghiệp tiếp sức, 2 năm nay xã đã có xe chuyển bệnh chuyên dụng, là “tài sản” quý giá được đội tài xế bảo trì chu đáo và bà con tiếp tục ủng hộ nhằm có kinh phí di chuyển đường xa. Anh Thanh (một trong 3 tài xế chính của đội) cho biết, thường ngày anh làm thợ mộc, lúc bà con cần, anh lập tức bỏ công việc, 15-20 phút là có mặt. Nhóm tài xế đều là người có kinh nghiệm nhiều năm, phân công nhau trực các ngày trong tuần, bảo đảm luôn sát cánh chiếc xe, trường hợp có nhiều người bệnh, đội sẽ liên hệ thêm xe ở các nơi khác, kể cả bà con ở tỉnh có nhu cầu chuyển bệnh trở về cũng được giúp đỡ.
Trên những chuyến xe chuyển bệnh, ngoài nghĩa cử to lớn cứu người còn dệt thêm nhiều câu chuyện kết thúc có hậu. Như trường hợp của ông Lê Văn Đúng (Tổ từ thiện xã Bình Mỹ, Châu Phú) lái xe trở về trong đêm khuya sau khi hoàn thành nhiệm vụ chuyển bệnh nhân lên TP. Hồ Chí Minh, ông bắt gặp người bị tai nạn ở đoạn đường vắng, trong lòng lẫn lộn suy nghĩ lo sợ, nghi hoặc và lương tâm của người làm việc thiện. Cuối cùng ông Đúng quyết định giúp đỡ người đàn ông đang nguy kịch đến bệnh viện cứu chữa như đối với hàng ngàn bệnh nhân khác. Cơ duyên đó giúp ông có thêm một người bạn ngoài tỉnh, nhiều năm sau người này cưu mang con gái của ông Đúng khi lên TP. Hồ Chí Minh học đại học và giờ đây trở thành sui gia với ông. Hơn 20 năm cầm vô-lăng đưa rước người bệnh, ông Đúng cẩn thận ghi chép vào sổ số lượt người, các phần đóng góp ủng hộ rõ ràng, minh bạch. Đến nay, xe chuyển bệnh đã giúp đỡ được hơn 10.000 lượt bệnh nhân.
Những chuyến xe chuyển bệnh nhanh chóng, kịp thời đã giúp cho hàng ngàn bệnh nhân nghèo vượt qua được cơn bạo bệnh. việc từ thiện nói chung và việc đóng góp mua xe chuyển bệnh nói riêng vì thế đã trở thành nét đẹp nổi bật của người dân An Giang.
Theo Báo An Giang
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin