Nghị lực vượt khó làm giàu của thương binh Bạch Văn Hiếu

12:04, 30/04/2021

Tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bỏ lại chiến trường một phần thân thể với thương tật trên 41%, nhưng thương binh Bạch Văn Hiếu đã vượt khó làm giàu trên mảnh đất quê hương.

 

Ông Ba Hiếu khoe vườn chanh mình trồng.
Ông Ba Hiếu khoe vườn chanh mình trồng.

(VLO) Tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bỏ lại chiến trường một phần thân thể với thương tật trên 41%, nhưng thương binh Bạch Văn Hiếu đã vượt khó làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Đến xã Ngãi Tứ (Tam Bình) tôi được giới thiệu về người thương binh Bạch Văn Hiếu (Ba Hiếu) ở ấp An Phong với tấm gương vượt khó làm giàu; đồng thời còn giúp đỡ hội viên cựu chiến binh cũng như mọi người xung quanh cùng vươn lên khá, giàu.

Ông Bạch Văn Hiếu là thương binh hạng 3, cha ông là liệt sĩ. Năm 1969, cha ông hy sinh, thì vài tháng sau ông đi theo cách mạng và làm giao liên ở xã nhà. Đến năm 1973 ông tham gia du kích xã, trong một lần đi nắm tình hình địch thì ông bị đạp mìn làm mất đi một phần chân trái.

Từ đó ông được đưa vào căn cứ học bổ túc văn hóa. Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông Ba Hiếu tiếp tục tham gia công tác ở địa phương. Đến năm 1980, sau khi cưới vợ, do cuộc sống khó khăn nên ông Ba Hiếu xin nghỉ về nhà lo cho gia đình.

Ban đầu ra riêng chỉ với 3 công đất ruộng, nên ông bà phải bươn chải để lo cho cuộc sống. Với một chân giả, ông Ba Hiếu đi bước thấp bước cao dẫn chúng tôi ra vườn chanh và kể chuyện từ khó lên giàu.

 “Lúc đầu chỉ với 3 công đất, tôi luân canh màu với lúa, rồi nuôi heo. Dành dụm tích góp dần dần sắm ghe chở mướn cho người nuôi vịt chạy đồng.

Nhưng với một chân bị tật, đi lên xuống ghe khó khăn nên tôi bán ghe sắm máy tuốt lúa, máy xới đi làm mướn. Sau hơn 10 năm làm mướn vất vả, vợ tôi thấy tôi cực khổ nên khuyên tôi bán máy, mua đất làm vườn.”- thương binh Ba Hiếu nhớ lại.

Thời điểm năm 1990, đất nông nghiệp chuyển nhượng còn rẻ, ông tích cóp mua lần lượt được 14 công. Lúc đầu trồng lúa, hoa màu và một phần chuyển đổi lên vười trồng cam. Nhưng ăn được vài năm cây cam bị bệnh, năng suất giảm nên cuộc sống chưa được khấm khá.

“Năm 2012, thằng con rể lớn ở Hậu Giang khuyên tôi trồng chanh không hạt chăm sóc dễ hơn cam, bưởi. Lúc đầu trồng 4 công chanh, phát triển tốt, cho trái quanh năm rồi con rể giới thiệu với một công ty xuất khẩu, sản phẩm chanh trái bán ra ổn định, tôi mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ trồng chanh và được bao tiêu sản phẩm, thương lái đến tận nhà cân mua.

Từ đó thu nhập trở nên khá, mỗi năm lời từ 200- 300 triệu đồng.”- người thương binh sinh năm 1956- Bạch Văn Hiếu đồng thời cho biết, sau khi đầu ra ổn định, ông khuyến khích bà con xung quanh và những người cựu chiến binh trong xã trồng, ông đứng ra đại diện ký hợp đồng với công ty xuất khẩu.

Đến nay đã có hơn chục hộ trồng theo với hơn 100 công được bao tiêu sản phẩm. Giống như ông cuộc sống những hộ này đã vươn lên khá giàu.

Hiện 3 người con (2 gái 1 trai) đã có gia đình và có cuộc sống riêng ổn định. “Hàng ngày tôi chăm sóc vườn chanh, thời gian rảnh tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới ở xã”- thương binh Ba Hiếu nói về cuộc sống hiện tại.

Điều nay cũng được ông Đỗ Thành Riếp- Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ngãi Tứ công nhận: “Ông Ba Hiếu là thương binh chịu khó vươn lên làm giàu cho bản thân.

Không những vậy, ông còn giúp đỡ cho những người xung quanh và đồng đội kỹ thuật trồng chanh đến giúp đỡ đầu ra sản phẩm nên nhiều người cũng vươn lên khá. Bên cạnh đó ông còn tích cực tham gia các phong trào vận động của địa phương nhất là trong xây dựng nông thôn mới.”

Thương binh Bạch Văn Hiếu từng được UBND huyện Tam Bình tặng giấy khen với thành tích nông dân tiêu biểu; được Hội Nông dân tỉnh chứng nhận là nông dân sản xuất giỏi tiên tiến và học tập làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.

Bài, ảnh: HÙNG HẬU

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh