"Chia sẻ giọt máu cứu người- Làm đi ngại chi!"

05:04, 07/04/2021

Với thông điệp "Trao giọt máu đào- Tiếp thêm sự sống", dù người già hay trẻ, dù là nam hay nữ, dù ở cương vị nào đều có thể hiến máu cứu người, đồng cảm với những người kém may mắn hơn mình. Hiến máu là một nghĩa cử cao đẹp thể hiện sự hiểu biết, lòng nhân ái và trách nhiệm của mỗi cá nhân với cộng đồng. Đó còn là truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc.

 

Phong trào hiến máu tình nguyện ngày càng lan tỏa trong cộng đồng, thu hút đông đảo mọi tầng lớp tham gia.
Phong trào hiến máu tình nguyện ngày càng lan tỏa trong cộng đồng, thu hút đông đảo mọi tầng lớp tham gia.

(VLO) Với thông điệp “Trao giọt máu đào- Tiếp thêm sự sống”, dù người già hay trẻ, dù là nam hay nữ, dù ở cương vị nào đều có thể hiến máu cứu người, đồng cảm với những người kém may mắn hơn mình. Hiến máu là một nghĩa cử cao đẹp thể hiện sự hiểu biết, lòng nhân ái và trách nhiệm của mỗi cá nhân với cộng đồng. Đó còn là truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc.

Chung tay nhân lên nghĩa cử cao đẹp

Những năm qua, hoạt động hiến máu tình nguyện trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhiều cơ quan, đơn vị, ban, ngành, trường học...

Kết quả vận động và tiếp nhận máu giai đoạn 2019- 2020 tăng cả về số lượng và chất lượng. Từ 937 đơn vị máu năm 2019 tăng 1.266 đơn vị máu năm 2020, tăng 32,9%.

Trong đó lực lượng cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang, cán bộ thanh niên khối xã, phường, cán bộ, công chức viên chức, công nhân viên doanh nghiệp tham gia đăng ký và tình nguyện hiến máu đông nhất.

Phong trào hiến máu tình nguyện ngày càng có sức lan tỏa trong cộng đồng, số lượng người hiến máu nhắc lại ngày càng tăng đây là hạt nhân nòng cốt để giữ vững và phát triển phong trào một cách sâu rộng và bền vững.

Theo bà Trần Thị Tuyết Mai- Trưởng BCĐ Hiến máu tình nguyện tỉnh, điều đáng trân trọng và tự hào vì hiện nay trong toàn tỉnh đã có hàng trăm người hiến máu từ 20 lần trở lên và có nhiều gia đình có nhiều người cùng hiến máu như: Gia đình anh Võ Tam Hoàng (Ấp 7, xã Hòa Lộc- Tam Bình) gia đình có 3 người tham gia hiến máu với 64 lần, anh Lê Thanh Sang (Xã Nhơn Bình- Trà Ôn) gia đình có 3 người cùng tham gia hiến máu với 60 lần, anh Nguyễn Hữu Thắng- cán bộ Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Vĩnh Long hiến máu 43 lần, anh Nguyễn Văn Bé (xã Tân Lộc- Tam Bình) với 38 lần hiến máu...

Chị Nguyễn Trần Nhất Phương (ấp Tân Mỹ B, xã Chánh An- Mang Thít) nhiều lần đi hiến máu thấy sức khỏe bình thường nên đã vận động chồng là anh Nguyễn Bình Kha cùng hiến máu.

“Lúc đầu, anh ấy cũng ngại và lo lắng vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe và công việc nhưng tôi kiên trì thuyết phục, lấy bản thân mình ra để cho anh ấy thấy việc hiến máu sẽ không ảnh hưởng gì.

Tính đến nay, vợ chồng đã hiến được 36 đơn vị máu. Giờ đây, mỗi khi có đợt nhận máu là vợ chồng tôi cùng đi hiến. Số lượng máu đó tuy không nhiều nhưng chúng tôi rất tự hào góp phần nhỏ bé của mình cứu giúp người khó khăn.

Trong thời gian phòng chống dịch COVID-19 vừa qua, anh ấy còn hỏi tôi “nghe tivi, báo chí nói đang thiếu máu mà sao ở xã mình lâu rồi chưa thấy tổ chức nhận máu”- chị Nhất Phương chia sẻ.

“Làm đi ngại chi!”

Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Thị Quyên Thanh tặng bằng khen các cá nhân có hơn 20 lần hiến máu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Thị Quyên Thanh tặng bằng khen các cá nhân có hơn 20 lần hiến máu.

Dịch COVID-19 chưa hoàn toàn chấm dứt, trong giai đoạn này, các hoạt động tuyên truyền, vận động hiến máu không những phải đảm bảo an toàn cho người tham gia hiến máu, đảm bảo nguồn cho điều trị mà còn cần đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch trong cộng đồng. 

Ở các điểm hiến máu, các đơn vị tổ chức hiến máu cũng đã phối hợp với cơ sở tiếp nhận hiến máu điều chỉnh quy mô và bố trí thời gian hợp lý cho người tham gia hiến máu để đảm bảo không tập trung quá đông người vào cùng một thời điểm; lựa chọn địa điểm tổ chức rộng rãi, thoáng mát, sạch sẽ và có khu vực rửa tay…

Đồng thời, lồng ghép tuyên truyền phòng chống dịch tại các điểm hiến máu; giảm tối đa các chương trình, sự kiện không cần thiết đi kèm tại ngày hiến máu…

Anh Đặng Hải Đăng- Bí thư Đoàn Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long- đã 22 lần tham gia hiến máu. Theo anh, trung bình mỗi năm, trường sẽ tổ chức 4 đợt hiến máu, mỗi đợt thu được hơn 300 đơn vị máu.

Anh cho biết: “Trường thường xuyên tuyên truyền để các bạn sinh viên nhận thức tầm quan trọng của việc hiến máu tình nguyện, nó không gây ảnh hưởng sức khỏe mà giúp được người khó khăn hơn mình, nhất là trong tình hình dịch COVID-19, càng phải nâng cao ý thức vì cộng đồng.

Là người thường xuyên tham gia hiến máu, tôi cố gắng tuyên truyền, giữ sức khỏe thật tốt để được hiến máu nhiều lần. Qua khâu tuyên truyền làm gương, các bạn sẽ mạnh dạn làm theo, còn ngại chi!”

Vừa qua, tại buổi tôn vinh 137 đại biểu là tấm gương trong phong trào hiến máu tình nguyện của tỉnh, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- khẳng định việc hiến máu và hiến máu thường xuyên của mỗi người là sự đóng góp đầy trân trọng và nhân văn cho mục tiêu một xã hội khỏe mạnh, một đất nước khỏe mạnh, một thế giới khỏe mạnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị để tiếp tục phong trào hiến máu tình nguyện trong thời gian tới, BCĐ các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao chất lượng, tính bền vững cho phong trào hiến máu tình nguyện, quan tâm chất lượng máu, đảm bảo nguồn máu an toàn cho người bệnh.

Đồng thời, duy trì, phát triển ngân hàng máu sống, CLB hiến máu dự bị để luôn chủ động có nguồn máu an toàn sẵn sàng cho cấp cứu và điều trị, dự phòng cho thiên tai, thảm họa, dịch bệnh có thể xảy ra.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh kêu gọi mỗi người dân dù ở bất cứ đâu, ở cương vị nào cũng luôn ủng hộ và cổ vũ phong trào hiến máu tình nguyện tỉnh nhà ngày càng lan tỏa.

Với truyền thống “Tương thân tương ái” của dân tộc, phong trào hiến máu tình nguyện cũng như công tác vận động hiến máu tình nguyện tỉnh nhà sẽ ngày càng sôi nổi và phát triển.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh