Bệnh dại trên chó, mèo: Khó chữa nhưng dễ phòng

09:04, 15/04/2021

Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi rút dại gây ra, lây truyền từ động vật (chủ yếu là từ chó, mèo) sang người. Tuy khó trị, tỷ lệ tử vong cao, song hoàn toàn có thể tránh được bệnh dại. Tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo là biện pháp hiệu quả nhất để loại trừ bệnh dại trên người và người bị chó, mèo nghi dại cắn phải được tiêm vắc xin điều trị bệnh dại.

 

 

Đề phòng bệnh dại, chó nuôi phải được tiêm vắc xin phòng dại hàng năm.
Đề phòng bệnh dại, chó nuôi phải được tiêm vắc xin phòng dại hàng năm.

Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi rút dại gây ra, lây truyền từ động vật (chủ yếu là từ chó, mèo) sang người. Tuy khó trị, tỷ lệ tử vong cao, song hoàn toàn có thể tránh được bệnh dại. Tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo là biện pháp hiệu quả nhất để loại trừ bệnh dại trên người và người bị chó, mèo nghi dại cắn phải được tiêm vắc xin điều trị bệnh dại.

Ý thức tiêm phòng chưa cao

Thời gian qua, tình trạng người dân thả rông vật nuôi, thú cưng vẫn còn khá phổ biến (chủ yếu là chó, mèo). Nhiều trường hợp thú nuôi không được rọ mõm hay có người chăn dắt theo đúng quy định. Đã có không ít trường hợp chó nuôi thả rông tấn công người đi đường, thậm chí là ngay cả chủ nuôi cũng bị tấn công.

Việc người dân nuôi chó mèo thả rông, không những tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông mà còn tiểm ẩn nguy cơ lây truyền bệnh dại trong cộng đồng, nhất là trong thời điểm nắng gắt như hiện nay.

Theo ngành chức năng, bệnh dại thường gia tăng vào mùa hè. Thời gian ủ bệnh kéo dài, sớm nhất là nửa tháng, đa số vài ba tháng, có người đến vài năm. Thời gian phát bệnh phụ thuộc vào vị trí bị chó cắn. Nơi bị chó cắn càng gần thần kinh trung ương thì nạn nhân càng phát bệnh nhanh.

Nhằm tạo sức lan tỏa cho chiến dịch tiêm phòng bệnh dại năm 2021 trên địa bàn tỉnh, Chi đoàn Chi cục Chăn nuôi thú y và thủy sản (Sở Nông nghiệp- PTNT) đã triển khai thực hiện kế hoạch hỗ trợ tiêm phòng bệnh dại trên chó, mèo. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức của người dân tại 7 xã có tỷ lệ tiêm phòng về bệnh dại thấp trong năm 2020, tự chủ động đăng ký tiêm phòng bệnh dại trên đàn chó, mèo để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của mình và mọi người dân xung quanh.

Theo chân đoàn tiêm phòng đến tận nhà người dân ở xã Phú Đức (Long Hồ) để tiêm phòng bệnh dại trên vật nuôi, ghi nhận của phóng viên, khi được đến tuyên truyền, phổ biến về bệnh dại và tiêm phòng trên chó, mèo, hầu hết người dân đều có ý thức chấp hành cao, đồng thời, bày tỏ vui mừng khi được đoàn đến tận nhà tiêm phòng.

Vừa tiêm phòng bệnh dại cho 3 con chó đã nuôi hơn 5 năm, chú Đặng Liên Quan (ấp An Thành- xã Phú Đức) cho hay: “Mấy hôm nay, tui trông cán bộ thú y xã đến chích ngừa, năm nào tui cũng chích cho 3 con chó nhà tui. Cứ đến mùa này là tui cho chó chích ngừa. Chích tốn không bao nhiêu tiền nhưng bảo vệ sức khỏe người xung quanh lại bảo vệ được mấy con chó cưng. Chứ mùa nắng nóng vầy, chó rất dễ bị bệnh dại”. Không chỉ chích cho chó nhà, chú Quan còn vận động thêm 2 hộ nuôi chó gần nhà chích ngừa cho chó.

Chị Phan Thị Kim Thủy- Bí thư Chi đoàn Chi cục Chăn nuôi thú y và thủy sản, công chức Phòng Chăn nuôi và Quản lý dịch bệnh- Chi cục Chăn nuôi thú y và thủy sản cho biết: Vào mùa nắng nóng, nguy cơ chó bị bệnh dại rất cao. Hiện nay ở một số nơi ý thức tiêm phòng dịch cho súc vật chó, mèo của một số người dân còn hạn chế. Qua triển khai tiêm phòng ở 4 xã, đã tiêm phòng được trên 600 liều vắc xin.

Bệnh dại khó chữa nhưng dễ phòng

Tuy bệnh dại rất khó trị nhưng lại dễ phòng. Nếu bị chó dại cắn, ở người mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh dại, đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Việc tiêm kháng huyết thanh và vắc xin dại là cách duy nhất cấp cứu có hiệu quả cho người bị súc vật nghi dại cắn.

Theo chị Phan Thị Kim Thủy, vắc xin phòng dại cho vật nuôi chỉ có hiệu lực trong vòng 1 năm sau khi tiêm. Nghĩa là định kỳ hàng năm, người dân phải tiêm nhắc vắc xin cho vật nuôi để duy trì hiệu giá kháng thể, đảm bảo miễn dịch với vi rút dại.

Ngành chức năng tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức tiêm phòng bệnh dại trên chó mèo cho người dân.
Ngành chức năng tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức tiêm phòng bệnh dại trên chó mèo cho người dân.

Theo khuyến cáo của Chi cục Chăn nuôi thú y và thủy sản, để chủ động phòng chống bệnh dại, đối với người nuôi chó, mèo, phải đăng ký với chính quyền địa phương. Không được nuôi chó thả rông, không để chó cắn người, không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường. Khi dắt chó ra đường phải có rọ mõm, chó nuôi phải được tiêm vắc xin phòng dại hàng năm. Đồng thời, khi bị động vật nghi (dại) cắn phải rửa vết thương ngay lập tức, thoa chất sát khuẩn, không băng kín vết thương, tham vấn bác sĩ càng sớm càng tốt để được điều trị đầy đủ. Các biện pháp và phương thuốc dân gian truyền miệng đều không có tác dụng ngăn chặn bệnh dại.

Nhằm kiểm soát tốt bệnh dại, thời gian tới cần đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý đàn chó mèo nuôi trong hộ dân, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống bệnh dại trên đàn chó và cả trên người.

Đồng thời, chính quyền địa phương cần thắt chặt các biện pháp quản lý như có chế tài xử phạt đối với những gia đình để chó, mèo đi rông mà không rọ mõm; không phối hợp tiêm vắc xin phòng dại cho động vật nuôi; bắt và xử lý chó chạy rông và chó vô chủ; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh, đặc biệt là nâng cao nhận thức, cảnh giác của người dân về bệnh dại.

Cách hạn chế bị động vật cắn 

Không chạy nhanh gần chó. Không trêu chọc chó, không lại gần chó khi chó đang ăn, ngủ hoặc khi chó mẹ đang cho con bú. Không nhìn thẳng vào mắt chó. Khi một chó gầm gừ đến sát bạn, không được quay đầu chạy, đứng yên tại chỗ, tay duỗi 2 bên, cho chó ngửi bạn và rồi nó sẽ bỏ đi. Nếu bị chó tấn công, hãy ngồi im, cuộn tròn như quả bóng, che mặt lại.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh