
Năm 2014, lần đầu tiên ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3) được phát động và tổ chức tại Việt Nam. Đến nay, các hoạt động hưởng ứng đã tạo nên hiệu ứng tích cực khích lệ mỗi người xây dựng cộng đồng hạnh phúc, gia đình hạnh phúc sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau. Có những câu chuyện đời bình dị nhưng minh chứng cho tình yêu thương và sự sẻ chia chính là nguồn dưỡng nuôi để hạnh phúc luôn đong đầy.
![]() |
Đối với chú Nguyễn Văn Hớn, hạnh phúc phải do chính mình nắm giữ, biết vượt qua khó khăn. |
Năm 2014, lần đầu tiên ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3) được phát động và tổ chức tại Việt Nam. Đến nay, các hoạt động hưởng ứng đã tạo nên hiệu ứng tích cực khích lệ mỗi người xây dựng cộng đồng hạnh phúc, gia đình hạnh phúc sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau. Có những câu chuyện đời bình dị nhưng minh chứng cho tình yêu thương và sự sẻ chia chính là nguồn dưỡng nuôi để hạnh phúc luôn đong đầy.
Hạnh phúc của người về sau giấy báo tử
Chúng tôi đến thăm nhà của chú thương binh 3/4 Nguyễn Văn Hớn (xã Lộc Hòa- Long Hồ) vào dịp rất đặc biệt khi chú là 1 trong 6 người vinh dự của tỉnh sắp được biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc. Căn nhà khang trang rộn rã tiếng cười, chú kể cho tôi và 2 người con gái của mình nghe câu chuyện về những dấu mốc làm thay đổi cuộc đời.
Tròn 20 tuổi, chú Tư Hớn được huấn luyện ở Sư đoàn 868 tại Đồng Tâm (Tiền Giang). Không bao lâu thì chú sang chiến trường Campuchia. Chú Tư Hớn kể: “Mạng sống mong manh lắm, mới thấy đó là chết đó, nhưng anh em vì nhau, người nằm xuống tiếp thêm sức mạnh để người ở lại chiến đấu tới cùng”.
Lúc chiến đấu trong rừng, chú Tư giẫm phải mìn bị thương, nằm mấy tháng trời trong rừng rồi ra quân năm 1982. “Người ta gởi nhầm giấy báo tử của tui về cho má. Ba tui, rồi anh thứ 3 cũng là liệt sĩ, má nuốt nước mắt lập thêm cái bàn thờ nữa. Ngày tui về, mắt má đứng tròng rồi òa lên khóc, bà con xóm giềng quây quanh mừng rỡ gặp người “từ cõi chết trở về”- chú Tư Hớn xúc động kể.
Trở về với đôi bàn tay trắng, ai thuê gì chú Tư làm nấy, từ việc bốc vác đến phụ hồ. Đến năm 1987, chú Tư cưới vợ. Thời gian sau, vợ chồng vay ngân hàng mua xe 16 chỗ về chở khách, rồi bắt đầu đem trà, cà phê về bán và duy trì mở tiệm tạp hóa đến hôm nay. Tiệm tạp hóa khang trang ở gần Khu công nghiệp Hòa Phú nên người ra vào tấp nập, câu chuyện giữa chúng tôi cứ đứt quãng vì chốc chốc chú lại có khách.
Trải qua hơn 60 năm cuộc đời, từng vật lộn giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, không còn khó khăn nào làm chú Tư chùn bước. Chú đúc kết lại cuộc đời mình: “Hạnh phúc phải do chính mình nắm giữ. Khó khăn nhưng phải đứng dậy, những ngày kháng chiến ấy, sự hy sinh, tình đồng đội, đồng chí đã tạo nên nghị lực cho những người được sống trong hòa bình. Và tui cũng sẽ giáo dục con cái, truyền lại cho con chính cái tinh thần đó để con sống thật hạnh phúc hôm nay”.
Hạnh phúc là sẻ chia
Về ấp Phú An 2 (xã Bình Hòa Phước- Long Hồ), cứ hỏi tên chú Nguyễn Phước Trung thì ai cũng rành. Chú tham gia Hội Nông dân xã Bình Hòa Phước và cũng là Trưởng Ban bảo vệ di tích đình Bình Long.
Chú được UBND tỉnh tặng bằng khen xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011- 2015, có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong xây dựng gia đình văn hóa giai đoạn 2015- 2018. Và mới đây, chú vinh dự nhận bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch do có nhiều thành tích trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Theo chú Trung, hạnh phúc gia đình trước hết là bình đẳng trong mọi quyền lợi, trách nhiệm, cùng yêu thương giúp đỡ nhau tiến bộ. Không tranh cãi lớn tiếng, không có bạo lực gia đình dưới mọi hình thức.
“Gia đình tôi có 2 con trai, vợ chồng thực hiện không sinh con thứ ba, cùng có trách nhiệm nuôi con khỏe dạy con ngoan, các con đều học hành đến nơi đến chốn. Một người con hiện đang làm hiệu trưởng của trường THPT trong tỉnh, người con còn lại đang làm kỹ sư trong một doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh. Khi các con có gia đình, tôi khuyến khích sinh 2 cháu không phân biệt trai hay gái và chỉ cách nuôi dạy con ngoan, con khỏe”- chú Nguyễn Phước Trung chia sẻ.
Chú Nguyễn Phước Trung (bìa phải) nhận bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch do có nhiều thành tích trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. |
Ngoài việc xây dựng gia đình hạnh phúc thì sẻ chia để xây dựng xã hội hạnh phúc cũng rất quan trọng với chú: “Đợt hạn mặn vừa qua, đất vườn trồng chôm chôm bị ảnh hưởng nặng nề, chúng tôi tìm hiểu, trao đổi với Hội Nông dân xã và bà con để học hỏi các mô hình canh tác mới, chuyển đổi cây giống để thích ứng với sự biến đổi khí hậu. Khi có sự vận động đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, gia đình đều hưởng ứng nhiệt tình như hiến đất để xây dựng cầu Phú An, hiến đất để xây dựng đường nông thôn, đóng góp để lắp đặt hệ thống đèn đường…”
Theo chú Nguyễn Phước Trung, cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa là một cuộc vận động hết sức thiết thực giúp nâng cao giá trị của gia đình, góp phần đóng góp cho xã hội ngày càng hạnh phúc, tốt đẹp. Các tiêu chí cần phải triển khai đến các hộ gia đình một cách sâu rộng và thường xuyên thông qua các cuộc họp, các buổi tuyên truyền, các cuộc phát thanh để ngày càng có nhiều gia đình tham gia.
Từ năm 2013, Liên Hợp Quốc đã chọn ngày 20/3 là ngày Quốc tế Hạnh phúc, 193 nước thành viên (trong đó có Việt Nam) cùng cam kết hưởng ứng bằng các nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, nhằm đem lại hạnh phúc cho người dân. Tại tỉnh Vĩnh Long, trong hơn 7 năm hưởng ứng ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3) hàng năm với chủ đề “Yêu thương và chia sẻ”, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động ý nghĩa, thiết thực và hiệu quả. |
Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin