Định nghĩa hay xác định một quy chuẩn thế nào là hạnh phúc rất khó khăn vì mỗi người có một cách hạnh phúc khác nhau. Hạnh phúc đôi khi đơn giản là chúng ta biết chấp nhận, vui lòng với những gì đang có và cố gắng để… có thể hạnh phúc hơn!
Hạnh phúc hay không nằm ở cách nghĩ của mỗi người. |
Định nghĩa hay xác định một quy chuẩn thế nào là hạnh phúc rất khó khăn vì mỗi người có một cách hạnh phúc khác nhau. Hạnh phúc đôi khi đơn giản là chúng ta biết chấp nhận, vui lòng với những gì đang có và cố gắng để… có thể hạnh phúc hơn!
Có những nụ cười không tròn và tuy méo mó nhưng là hạnh phúc của cả gia đình. Đó là những nụ cười của nạn nhân da cam mà tôi từng gặp gỡ, tiếp xúc và trở nên thân quen tự lúc nào. Cặp song sinh Phạm Hồng Tân và Phạm Hồng Tú- con chị Phạm Thị Hồng Thắm (xã Hòa Bình- Trà Ôn)- là nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Mỗi dịp họp mặt nạn nhân chất độc da cam/dioxin lại khoanh tay tròn vo “thưa cô”. Bấy nhiêu đó là chị Thắm đủ vui rồi, vì “Hai cháu nhận ra cưng, nhớ cưng và nhớ mặt được nhiều người, chị mừng quá. Hồi đó, bé Tân học tới lớp 4 mà viết cái tên mình còn không nhớ, sai tới sai lui”.
Chị Thắm có 4 người con thì 3 người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Bé Vũ Ca- con trai lớn không đi lại được, chỉ nằm một chỗ. Rồi Hồng Tân và Hồng Tú ra đời, thấy cơ thể con lành lặn, chưa kịp vui mừng thì chị phát hiện cặp con trai song sinh cứ co giật và trí não không phát triển. Sốc, đau khổ là chuyện không thể tránh được nhưng chị Thắm nhanh chóng lấy lại tinh thần và tự an ủi “vì 2 con vẫn còn đi đứng được”. Gần đây, gặp lại chị Thắm cười thật tươi, khoe: “Tân khỏe hơn Tú nên có thể đi bán vé số cùng mẹ”.
Hạnh phúc với cô Trần Thị Như Yến ở xã Trà Côn (Trà Ôn) có 2 người con là nạn nhân da cam đôi khi đơn giản là cho con những bữa ăn ngon, những nụ cười của con là niềm vui cho cha mẹ.
Với tôi, cô Yến như một người thầy dạy học trò cách tiếp thêm nghị lực vào cuộc sống. Mỗi năm một đôi lần đến nhà cô là những sự thay đổi. Lần đầu là căn nhà lá không lành lặn nhưng “Thanh Liêm, Phượng Loan thường có được những bữa ăn ngon”.
Gia đình cô Yến luôn tìm được hạnh phúc dù trong hoàn cảnh nào. |
Lần sau ghé thăm căn nhà mới, cô Yến Khoe: “Anh Liêm không biết nói nhưng biết viết chữ viết đơn xin nhà này đó”. Rồi lần sau nữa, cô khoe Phượng Loan đã khá hơn và biết đi. Và Phượng Loan có chồng, mang thai,… mỗi sự tiến triển nhẹ nhàng, bình thường của những gia đình bình thường với cô Yến là cả niềm hạnh phúc. “35 năm qua, cô chú chưa từng bỏ cuộc ngày nào cũng tập luyện cho Loan và Liêm hết”- cô Yến nói.
Chưa nhẹ được một chút lo “trăm tuổi già, ai nuôi 2 con”, thì vợ chồng Phượng Loan chia tay! Hạnh phúc hiếm hoi của con gái như vụt tắt nhưng vợ chồng cô chú lại có lý do riêng để hạnh phúc- đó là cháu ngoại khỏe mạnh chào đời!
Con cái ngoan ngoãn thông minh là hạnh phúc của cha mẹ nhưng không phải con ai cũng đáp ứng được điều đó. Chị Thương (TP Vĩnh Long) luôn mong muốn mang đến cho cô con gái nhỏ “không đi đứng được” những điều tốt đẹp nhất.
9 năm gắn bó cùng con khắp các bệnh viện, phòng tập trị liệu. Giờ đây, bé Thư đã ngồi được, bập bẹ gọi má. “Bấy nhiêu đó với vợ chồng tôi là hạnh phúc rồi. Tôi nghĩ mỗi nhà mỗi cảnh không ai giống ai, hạnh phúc hay không là do cách nghĩ của mình”- chị Thương nói.
Thật vậy, hạnh phúc hay không hạnh phúc là do suy nghĩ của mình. Chúng ta chấp nhận hiện tại với những cái mình đang có để hạnh phúc. Nói như vậy không có nghĩa là bỏ cuộc mà vẫn phấn đấu và cố gắng để hạnh phúc hơn nữa!
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin