Sau nhiều năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực (PCBL) gia đình, công tác PCBL trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hình thành ý thức từ mỗi thành viên gia đình, nhiều mô hình PCBL, bình đẳng giới đã phát huy hiệu quả... góp phần xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
(VLO) Sau nhiều năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực (PCBL) gia đình, công tác PCBL trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hình thành ý thức từ mỗi thành viên gia đình, nhiều mô hình PCBL, bình đẳng giới đã phát huy hiệu quả... góp phần xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Trẻ em được nói lên tiếng nói của mình, được trang bị những kỹ năng sống tự bảo vệ mình. |
Cho con quyền “được lên tiếng”
Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em đang được quan tâm hiện nay. Nếu thiếu nhiều kỹ năng sống, trẻ có thể bị lôi kéo thực hiện những hành vi tiêu cực, ích kỷ, bạo lực... Những việc này có thể khiến cho trẻ bị lệch lạc về nhân cách, ảnh hưởng đến sự phát triển sau này.
Việc rèn luyện kỹ năng, cách sống còn giúp trẻ nhận thức được trách nhiệm của bản thân với gia đình, xã hội.
Tại TP Vĩnh Long, Cục Trẻ em (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) tổ chức lớp tập huấn nâng cao kỹ năng về bảo vệ trẻ em cho 42 học sinh là trẻ nòng cốt và người phụ trách trẻ đến từ 5 tỉnh- thành vùng ĐBSCL.
Các bé hiểu hơn về thực hành quyền tham gia của trẻ em, kỹ năng tự bảo vệ mình, kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục…
Nhiều năm gắn bó với công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, chuyên gia Trần Ban Hùng chia sẻ: “Tôi nhận thấy các bạn nhỏ ngày càng tiếp nhận nhiều hơn với kiến thức trên Internet, phương tiện truyền thông đại chúng, nhận thức được quyền trẻ em tốt hơn so với trước đây.
Tuy nhiên, đôi khi còn bó buộc vào ý kiến của người lớn phải tuân theo mà chưa có ý kiến phản biện. Có một số nơi, việc báo cáo vi phạm quyền trẻ em rất tốt nhưng phần lớn chưa báo cáo các vụ việc xâm hại quyền trẻ em, chưa đủ can đảm để nói. Để các bé hiểu về quyền của mình là một việc rất quan trọng. Các con có quyền “được lên tiếng”.
Chị Nguyễn Thị Trang Nhã- chuyên viên Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Bến Tre chia sẻ: “Bên cạnh việc học ở trường thì gia đình là nơi gần gũi nhất giáo dục, bảo vệ những đứa con của mình.
Không thể nói “trẻ con mà biết gì”, các bậc phụ huynh cần chia sẻ với bé, hỏi han bé có khó khăn gì, muốn đáp ứng nguyện vọng gì… để các bé mạnh dạn thể hiện tiếng nói”.
Công tác tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em được quan tâm ở những trường học. |
Theo bà Phan Hồng Hạnh- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh, trong giai đoạn 2016- 2020, ngành đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tuyên truyền về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Tổ chức các mô hình hoạt động, tạo điều kiện cho trẻ tham gia rèn luyện kỹ năng và các công tác xã hội khác, giáo dục kỹ năng PCBL học đường, tai nạn đuối nước, tai nạn thương tích, phòng chống xâm hại tình dục… thu hút trên 7.000 lượt trẻ tham gia. Duy trì hoạt động các CLB quyền trẻ em lồng ghép thực hiện hoạt động nhóm trẻ em nòng cốt với 482 đội, 11.071 em tham gia.
Phòng chống bạo lực trên cơ sở giới
Ông Lữ Quang Ngời- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo công tác phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Quan điểm về bình đẳng giới đã được khẳng định và thể hiện trong các văn bản pháp quy của Nhà nước ta: “Công dân nữ và nam có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình”.
Trong những năm qua, nhiều chương trình, đề án được ban hành nhằm bảo đảm bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, góp phần nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức liên quan và cộng đồng đối với bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ.
Đối với tỉnh Vĩnh Long, công tác bình đẳng giới đã được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt quan tâm và đã đạt được những kết quả quan trọng.
Một số chỉ tiêu đạt nổi bật như: tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp nhiệm kỳ 2015- 2020 đạt 18,25% (chỉ tiêu 15% trở lên); tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV nhiệm kỳ 2016- 2021 đạt 50%; tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021: cấp tỉnh: 28%; cấp huyện: 19,93%; cấp xã: 21,04%...
Hội Liên hiệp Phụ nữ Vĩnh Long đã phối hợp cùng các sở ngành chỉ đạo các cấp hội linh hoạt, chuyển đổi hình thức tuyên truyền thông qua tổ, nhóm, CLB, Zalo, phát tờ rơi, phát thanh địa phương…
Theo đó, các hoạt động tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương chính sách pháp luật về hôn nhân gia đình, bình đẳng giới và PCBL gia đình luôn thu hút sự quan tâm và đồng tình hưởng ứng của chị em, với trên 1 triệu lượt chị em được tuyên truyền.
Để làm tốt công tác PCBL gia đình, giảm thiểu tình trạng bạo lực thì 2 yếu tố cơ bản là người làm công tác gia đình phải nhiệt tình, tận tâm và mỗi gia đình, mỗi người dân phải thực sự đồng hành.
Quyền Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Trà Ôn Trần Văn Ẩn chia sẻ: Toàn huyện có 77 CLB gia đình văn hóa phát triển bền vững, PCBL gia đình với 1.811 thành viên tham gia sinh hoạt cộng đồng, nhận thức của người dân về công tác gia đình và PCBL gia đình được nâng lên.
Công tác hòa giải tại địa phương có tác động lớn đến tình làng nghĩa xóm, số vụ bạo lực gia đình giảm dần qua các năm. (Năm 2012 toàn huyện xảy ra 120 vụ, đến năm 2019 chỉ xảy ra 2 vụ bạo lực gia đình, chiếm 0,16%).
Văn hóa gia đình Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức. Nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp có xu hướng biến đổi, xuống cấp; sự xung đột về lối sống giữa các thế hệ, tệ nạn xã hội đang xâm nhập vào gia đình.
Tình trạng vi phạm pháp luật về gia đình và nạn bạo hành gia đình vẫn còn diễn ra. Vì vậy, cần nhân rộng các mô hình, lối sống tốt đẹp trong gia đình vì gia đình là cốt lõi để xây dựng một xã hội hạnh phúc.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin