Định hướng nghề nghiệp, việc làm từ ghế nhà trường

07:03, 10/03/2021

 Với các thông tin được tư vấn, bằng kỹ năng và tư duy của mình, các học sinh sẽ chọn cho mình một đường hướng nghề nghiệp và việc làm phù hợp, hiệu quả khi bước vào môi trường mới sau THPT.

 

 Hơn 200 học sinh lớp 12 của Trường THPT Lê Thanh Mừng tham dự Chương trình tư vấn định hướng nghề nghiệp, việc làm, học nghề, tổ chức ngày 10/3/2021.
Hơn 200 học sinh lớp 12 của Trường THPT Lê Thanh Mừng tham dự Chương trình tư vấn định hướng nghề nghiệp, việc làm, học nghề, tổ chức ngày 10/3/2021.

(VLO) Với các thông tin được tư vấn, bằng kỹ năng và tư duy của mình, các học sinh sẽ chọn cho mình một đường hướng nghề nghiệp và việc làm phù hợp, hiệu quả khi bước vào môi trường mới sau THPT.

Hứng thú khi được hiểu thêm nghề yêu thích

Ngày 10/3/2021, tại Trường THPT Lê Thanh Mừng (huyện Trà Ôn) có hơn 200 em học sinh tham dự chương trình tư vấn định hướng nghề nghiệp, việc làm, học nghề cho học THPT (lớp 12) do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long (thuộc Sở Lao động– Thương binh và Xã hội) tổ chức.

Nhiều học sinh lớp 12 của trường rất hào hứng với các thông tin định hướng nghề nghiệp, việc làm, học nghề được các cán bộ, thầy cô Trung tâm Dịch vụ việc làm, Trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Long, công ty tuyển dụng và xuất khẩu lao động đem đến trong chương trình trên.

Ở đó, các em hoặc đã tự định hướng sẵn hoặc ngay tại chương trình mà bắt đầu định hướng cho mình sự học hành, nghề nghiệp và việc làm trong tương lai.

Lê Thảo Vy (lớp 12A6) đến buổi tư vấn với mong muốn tìm hiểu thêm ngành em đã định hướng trước cho mình là thiết kế đồ họa. Thông qua sách tra cứu nghề nghiệp của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, em biết thêm được các ngành tương tự tại các trường tương ứng để có thể chọn cho mình.

“Em yêu môn vẽ từ nhỏ, nên từ lớp 9 sang lớp 10, em nghĩ mình sẽ theo học lĩnh vực liên quan thiết kế– đồ họa này sau này”– Vy chia sẻ.

Học sinh Nguyễn Việt Thanh, Nguyễn Thị Trúc Mai cùng xem sách tra cứu nghề nghiệp.
Học sinh Nguyễn Việt Thanh, Nguyễn Thị Trúc Mai cùng xem sách tra cứu nghề nghiệp.

Học khá với điểm trung bình gần 8.0, học sinh Ngô Trọng Nhân (lớp 12A4) nói sẽ chọn cho mình ngành thuộc lĩnh vực thể dục thể thao. Tìm hiểu tài liệu và nghe tư vấn, Nhân trả lời sự lựa chọn của mình là ngành học vận động viên và người chơi thể thao chuyên nghiệp (có trong sách tra cứu nghề nghiệp). “Đó là đam mê của em”– Nhân mạnh dạn.

Cũng cùng khối lớp 12 như các bạn, bạn Nguyễn Việt Thanh thì có đam mê và dự định học lĩnh vực sĩ quan quân sự. Với bạn Nguyễn Thị Trúc Mai xinh xắn, đã dự định cho mình học ngành quản trị khách sạn...

Trước đó vài ngày, tại Trường THPT Tam Bình (huyện Tam Bình), hàng trăm em học sinh lớp 12 cũng được tư vấn, định hướng với chương trình tương tự.

Giúp học sinh định hướng nghề nghiệp

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long, kết quả khảo sát nhu cầu việc làm theo trình độ chuyên môn kỹ thuật cho thấy, tuyển dụng lao động qua đào tạo chiếm 85,6% nhu cầu nhân lực (trong đó trình độ đại học trở lên là 20,9%, cao đẳng 17,62%, trung cấp chiếm hơn 21% và sơ cấp trên 25%).

Nhu cầu này tập trung ở các nhóm ngành nghề như: quản lý điều hành, công nghệ thông tin, tài chính– tín dụng– ngân hàng– bảo hiểm, marketing, kế toán– kiểm toán, cơ khí– tự động hóa, kỹ thuật điện– điện lạnh– điện công nghiệp– điện tử,...

Đối với nhu cầu nhân lực ở lao động chưa qua đào tạo chiếm 14,4%, tập trung vào các ngành, lĩnh vực: dệt may– giày da, nhựa– bao bì, chế biến thực phẩm và các nghề kinh doanh– thương mại, dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ, in ấn,...

Ông Nguyễn Quốc Thanh– Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm– cho biết trong rất nhiều chức năng, nhiệm vụ, đơn vị sẽ thu thập thông tin thị trường lao động; tư vấn về lĩnh vực học nghề, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, giới thiệu việc làm, cung ứng xuất khẩu lao động cho người lao động, học sinh sinh viên; tổ chức sàn giao dịch việc làm; giải quyết thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động;...

Cán bộ tư vấn tuyển sinh Trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Long tư vấn nghề nghiệp cho học sinh.
Cán bộ tư vấn tuyển sinh Trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Long tư vấn nghề nghiệp cho học sinh.

“Chương trình tư vấn hôm nay là cách để đơn vị cung cấp các thông tin đó, nhằm giúp các học sinh dựa trên sở thích, kỹ năng, năng lực học tập, điều kiện gia đình... để nhằm định hướng nghề nghiệp và việc làm cho mình sau này”– ông Thanh nói.

Cùng quan điểm này, cô Trương Thúy Ái– Hiệu trưởng Trường THPT Lê Thanh Mừng– cho biết trường luôn quán triệt trong đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên về công tác hướng nghiệp cho học sinh. Theo cô Thúy Ái, việc tư vấn, định hướng nghề nghiệp với các em phải dung hòa giữa các yếu tố: năng lực học tập, năng khiếu sở trường bản thân, nhu cầu thị trường việc làm, điều kiện kinh tế gia đình. Và điều tiên quyết nhất bây giờ là các em cố gắng học tập tốt, phát huy hết năng lực, lắng nghe, tìm hiểu để thực hiệu quả con đường nghề nghiệp, việc làm của mình.

Cũng tại đây, nhằm đa dạng nghề nghiệp, việc làm, các trường nghề, công ty xuất khẩu lao động cũng đã cung cấp nhiều thông tin về đào tạo nghề, việc làm ngoài nước, học bổng, cơ chế hỗ trợ khi các em tham gia học nghề, xuất khẩu lao động...

Với các thông tin được tư vấn, bằng kỹ năng và tư duy của mình, các học sinh sẽ chọn cho mình một đường hướng nghề nghiệp và việc làm phù hợp, hiệu quả khi bước vào môi trường mới sau THPT.

Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh