Có BHYT- nhẹ gánh lo

Cập nhật, 06:07, Thứ Ba, 09/03/2021 (GMT+7)

 

Với bà Võ Thị Phước cũng như nhiều bệnh nhân suy thận khác, BHYT chính là nguồn sống của mình.
Với bà Võ Thị Phước cũng như nhiều bệnh nhân suy thận khác, BHYT chính là nguồn sống của mình.

Với nguyên tắc lấy số đông bù số ít, BHYT không chỉ tiến tới công bằng xã hội trong công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân và còn thể hiện truyền thống tương thân tương ái của dân tộc. Từ chính sách lớn của Đảng và Nhà nước này mà nhiều người bệnh đã nhẹ lo chi phí điều trị và có thêm cơ hội duy trì sức khỏe, sự sống của mình.

“Nhờ có BHYT- tôi mới được mạnh khỏe”

Đó là khẳng định của chị Dương Thị Thanh Thúy (xã Hòa Lộc- Tam Bình) về chi phí điều trị căn bệnh viêm cơ tim cấp. Đó cũng là chia sẻ của nhiều bệnh nhân (BN) được BHXH thanh toán viện phí.

Gia đình chỉ đủ ăn nên khi căn bệnh viêm cơ tim cấp đột ngột ập đến khiến cho gia đình chị Dương Thị Thanh Thúy gặp khó trong việc lo điều trị, vì chi phí phẫu thuật đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn lên đến hàng trăm triệu đồng.

Song nhờ có tham gia BHYT mà chị đã được điều trị tốt để có cuộc sống khỏe mạnh như hôm nay. Tết này, sức khỏe của chị là niềm vui lớn của cả nhà.

“Phát bệnh nặng quá đâu có chuẩn bị sẵn chi phí để thanh toán đâu, may có mua BHYT, thanh toán cũng được gần 250 triệu. Nhờ vậy, tôi mới có điều kiện duy trì sức khỏe sống tới hôm nay”- chị Thanh Thúy cho biết.

Nếu như trước đây, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã “chới với” với chi phí khám chữa bệnh, thì giờ họ đã có thể yên tâm, nhờ có BHYT hỗ trợ.

Sống chủ yếu bằng nghề làm thuê nhưng nhờ tham gia BHYT nên khi bị tai nạn, ông Nguyễn Văn Bích (xã Chánh An- Mang Thít) và gia đình nhẹ phần nào nỗi lo điều trị. Với tỷ lệ thương tật 29% do bỏng, BHYT đã chi trên 350 triệu đồng cho quá trình điều trị của ông.

Ông Văn Bích chất phác: “Tui mần mướn, nghèo hổng có ruộng đất gì hết trơn, làm 1 ngày được 60 ngàn tôi nhín lại 10 ngàn bỏ vô heo. Khi giáp năm, tui đập heo ra nếu số tiền đó còn thiếu thì tui kiếm tiền bù thêm mua BHYT.

Bệnh đau rề rà, khám BHYT cũng nhẹ phần nào rồi, giờ thêm tai nạn phỏng nặng tốn mấy trăm triệu cũng nhờ có BHYT lo không đó. Nếu hổng có thì tui cũng hổng biết sao luôn”.

Với những BN mắc bệnh mãn tính, đặc biệt là suy thận mãn thì BHYT chính là chiếc phao cứu sinh giúp họ có điều kiện điều trị, kéo dài sự sống. 6 năm mang trong người căn bệnh suy thận mãn, là cũng ngần ấy năm bà Võ Thị Phước (xã Long An- Long Hồ) điều trị nhờ chi phí từ BHYT. Với bà cũng như nhiều BN suy thận khác, BHYT chính là nguồn sống của mình.

Cứ đều đặn mỗi tuần 3 lần, bà Phước cùng các BN đang điều trị tại Khoa Thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long phải nhập viện để chạy thận nhân tạo. Bà Phước tâm sự: “Đúng là nếu không có BHYT, tui không thể theo đuổi điều trị căn bệnh này. Bởi lẽ chi phí điều trị lớn. Nhờ có BHYT, việc chạy thận vậy cũng đỡ áp lực tiền hơn”.

Có BHYT- nhẹ gánh lo

Có thẻ BHYT, người dân sẽ được quỹ BHYT chi trả khi không may ốm đau, bệnh tật, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Có thẻ BHYT, người dân sẽ được quỹ BHYT chi trả khi không may ốm đau, bệnh tật, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Tham gia BHYT ngoài được quỹ bảo hiểm thanh toán 80- 100% chi phí khám chữa bệnh khi đi đúng tuyến còn được hưởng quyền lợi cao hơn nếu tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên.

Đối với người nghèo, người thuộc bảo trợ xã hội và trẻ em có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến sẽ được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí; 95% đối với người cận nghèo, người nghỉ hưu và 80% đối với người lao động.

Nếu người tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên thì hưởng quyền lợi cao hơn. Đối với những BN bệnh nặng và các bệnh mãn tính phải điều trị suốt đời thì BHYT là nguồn tài chính vững chắc để đảm bảo cho họ được điều trị bệnh.

Tại Vĩnh Long, mỗi năm quỹ khám chữa bệnh BHYT đã thanh toán hàng trăm tỷ đồng chi phí điều trị cho người tham gia BHYT.

Ông Phạm Minh Dương- Giám đốc BHXH tỉnh- cho biết: “Các thủ tục khám chữa bệnh được tinh giản đáng kể và nhiều kỹ thuật cao được triển khai tại các cơ sở khám chữa bệnh nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế giúp người dân được hưởng thụ một cách tốt nhất các dịch vụ chăm sóc sức khỏe”.

Vĩnh Long củng cố và hoàn thiện hệ thống các cơ sở khám, chữa bệnh từ tuyến xã đến tuyến huyện, đảm bảo các cơ sở y tế đủ cơ sở vật chất và trang thiết bị cơ bản phục vụ khám, chữa bệnh BHYT ban đầu. Bảo đảm người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu và dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại địa phương, cơ sở.

Thiết nghĩ những BN điều kiện kinh tế khó khăn, không có BHYT lại mắc bệnh nặng, chi phí điều trị bệnh cao sẽ là gánh nặng chính bản thân BN, gia đình và là bài toán khó cho ngành y tế.

Người dân tham gia BHYT không có nghĩa là trông mong mình được BHXH thanh toán khi chữa bệnh; không ai muốn nhưng bệnh tật là không tránh khỏi.

BHYT sẽ hỗ trợ rất nhiều nếu không may mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo cần chi phí điều trị bệnh rất lớn. Do vậy, mọi người cùng tham gia BHYT để phòng khi không may xảy ra bệnh tật có BHYT hỗ trợ chi phí điều trị. Đây là lợi ích cho bản thân BN, gia đình, cho cộng đồng,

* Theo BHXH tỉnh Vĩnh Long, dù gặp khó trong công tác tuyên truyền vận động do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng năm 2020, toàn tỉnh có trên 922.000 người tham gia BHYT đạt 90,2% dân số tỉnh, tăng 2,6% dân số so với cuối năm 2019 và đạt chỉ tiêu nghị quyết tỉnh giao.

* Theo Sở Y tế Vĩnh Long, trong năm 2020 có trên 3,2 triệu lượt người được khám chữa bệnh, trong đó số lượt khám BHYT chiếm 86,77%.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN