Vừa qua cái tết không lâu là trời chuyển nóng như mùa hè, nước mặn cũng lăm le đe dọa vùng rẫy miền ven biển. Đã có nhiều nông dân vội vã kêu lái cân hẹ. Giá hẹ xuống mấy bữa rồi bắt đầu nhóng lên dần.
Vừa qua cái tết không lâu là trời chuyển nóng như mùa hè, nước mặn cũng lăm le đe dọa vùng rẫy miền ven biển. Đã có nhiều nông dân vội vã kêu lái cân hẹ. Giá hẹ xuống mấy bữa rồi bắt đầu nhóng lên dần. Trong khi bà con nông dân miệt trên thì neo hẹ lại trông chờ giá hẹ càng lên cao càng tốt. Mà rẫy hẹ đâu neo được lâu, chậm nhất tuần lễ là phải cắt, không khéo nó xập cả đám hẹ coi như lỗ nặng.
Mấy bữa nay cứ mỗi ngày lái kêu giá tăng lên được 1.000 đ/kg, lên đến 11.000 đ/kg thì bắt đầu nó chựng lại. Thấy bà con kêu cân nhiều thì thương lái lại “trở quẻ” hạ giá xuống. Rõ ràng là thị trường đang cần rau, mà giá thì do thương lái muốn đưa lên hạ xuống lúc nào tùy thích. Trong khi cứ cân 100kg hẹ thì nông dân bị “trừ bì” hết 15kg. Đến khi giá hẹ rớt xuống còn 9.000 đ/kg thì tức mình anh Bảy quyết định tự mình… “đi buôn” hẹ nhà mình.
Tầm 2 giờ sáng, cả nhà thức dậy cắt hẹ rồi đem vô cho các chị em phụ nữ xúm lại làm sạch, vô bó. Mỗi ngày cứ cắt khoảng 100kg đổ lại. Tầm 5- 6 giờ sáng là xong xuôi. Vậy là anh Bảy chở 100kg hẹ chạy ra chợ lớn bán trực tiếp cho đầu mối, được 12.000 đ/kg. Như vậy, cân 100kg hẹ, anh Bảy không phải “mất” 300.000đ cho thương lái, cộng với 15kg “trừ bì” nữa.
Tổng cộng chỉ cần chạy ra chợ lớn cách rẫy có 3 cây số, cân 100kg hẹ anh Bảy “ngợi” ra được 480.000đ. Nói trắng ra, nông dân trồng hẹ bị “gỡ tay” trắng trợn số tiền quá lớn nếu cân hẹ tại rẫy. Bà con làm ra nông sản, không thể “trả giá” với lái được, nói sao cân vậy theo kiểu “hên xui”.
Trong khi, bao nhiêu vốn liếng công sức đổ ra, nhưng may mắn mới trúng vụ được giá; còn những phân khúc ở giữa trong quá trình từ lái nhỏ ra lái lớn rồi đến đầu mối, chuyển đi khu vực khác ra những chợ lớn, giá nó đội lên bao nhiêu tiền lời trong đó. Làm sao, nông dân mình có thể đưa nông sản ít qua các khâu trung gian, mới mong có được thu nhập khá hơn. Một bài toán nhìn thấy đơn giản nhưng “giải” hoài không ra.
Đương nhiên, nông dân cần những hình thức hợp tác sản xuất lớn, có sự quản lý tốt để tham gia sâu hơn vào các khâu của thị trường. Nhưng thực tế, tính hợp tác, sản xuất tập thể của bà con nông dân mình cũng chưa cao lắm, nên vẫn còn nhiều vấn đề phát sinh. Câu chuyện nhỏ của “cọng hẹ” làm Hai Lúa tui thấy băn khoăn nhiều vấn đề lớn của nền nông nghiệp xứ mình.
Hailua@.com
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin