Từ "ông Sáu 01" đến "ông bụt" của người nghèo

07:02, 13/02/2021

Hồi 3 năm trước, ông mới thực sự "được nghỉ hưu" ở tuổi… 85! Vậy là Tết con trâu này ông sắp  bước vào hàng thượng thọ, nhưng vẫn chưa thôi đau đáu về những phận nghèo, những hoàn  cảnh thắt ngặt khó khăn còn đâu đó ở quê hương mình.

 

Ông Sáu Kỳ trong khu vườn gia đình ở Mang Thít, nơi mảnh đất kỷ niệm thời chiến tranh ông bà đã gặp nhau hồi năm 1957.
Ông Sáu Kỳ trong khu vườn gia đình ở Mang Thít, nơi mảnh đất kỷ niệm thời chiến tranh ông bà đã gặp nhau hồi năm 1957.

Hồi 3 năm trước, ông mới thực sự “được nghỉ hưu” ở tuổi… 85! Vậy là Tết con trâu này ông sắp  bước vào hàng thượng thọ, nhưng vẫn chưa thôi đau đáu về những phận nghèo, những hoàn  cảnh thắt ngặt khó khăn còn đâu đó ở quê hương mình. Ông là người đã truyền cảm hứng cho lớp đảng viên trẻ chúng tôi, thấm thía ở chiều sâu và ý nghĩa cao nhất của cụm từ “phục vụ nhân dân”- phẩm chất, mục đích  cao cả của một đảng viên cộng sản mà Bác Hồ đã từng dạy. 

Ông xứng đáng với danh hiệu “Anh hùng Lao động” do Nhà nước phong tặng; quê hương Vĩnh Long tự hào gọi ông là “ông Sáu 01” độc nhất, vô nhị của cả nước.

Còn với biết bao những cuộc đời không may đã vượt qua nghịch cảnh, bệnh tật trở lại với hạnh phúc đời thường, thì họ tin “ông bụt” là có thật trong cuộc đời này. Ông nguyên là Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long Ngô Ngọc Bỉnh (Sáu Kỳ).

Tình yêu lớn dẫn đường cho hành động

Trong mỗi bước chân đi trên cuộc đời này, trong mỗi nghĩ suy, tình cảm đều hướng về Tổ quốc, nhân dân trước hết, thì mọi ý chí, hành động đều dẫn dắt đến mục đích duy nhất là “vì lợi ích nhân dân”.

Dù không nói ra, không thích tự đề cao mình cũng không cần khiêm tốn giả tạo, trọn vẹn cuộc đời hoạt động cách mạng của ông Sáu Kỳ đã thực hiện theo đúng mọi điều Bác dạy.

Vậy nên trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhiệm vụ nào dù lớn, dù nhỏ vẫn là sự kiên định với lý tưởng mà mình đã chọn. Đó chính là phẩm chất, phẩm giá cao quý nhất của một người đảng viên.

Câu chuyện “tắt ngang” từ năm 1957, ngay trên khu vườn bình yên này, cái thời mà bom đạn tử sinh chuyện như cơm bữa, anh cán bộ trẻ quê Duyên Hải (Trà Vinh) Ngô Ngọc Bỉnh đã xe duyên cùng thôn nữ xứ Cái Nhum Trần Thị Mười, cũng chính là gia đình nuôi chứa cách mạng.

Cưới xong là đi biền biệt có khi vài ba tháng, cũng có khi xa cách đến 3- 4 năm trời khác nào “vợ chồng Ngâu”, nhưng hạnh phúc vẫn sinh sôi đàn con 5 đứa.

Vậy là bà vừa nuôi con vừa tham gia hoạt động cách mạng giữa tai mắt địch; nhiều lần bị đánh đập tra tấn vẫn không nao núng. Giờ đây, ở tuổi 87, ngồi trên chiếc ghế dài với cái chân đau hành hạ, khách đến chơi bà vẫn cười nói vui vẻ góp chuyện thân tình, còn mời mọc ăn uống đủ thứ cây nhà lá vườn.

Bà Mười chính là hậu phương vững chắc trong hơn 60 năm nay, để ông Sáu Kỳ toàn tâm toàn ý phụng sự việc nước, việc dân.

Khi đất nước bước qua 2 cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, vừa thống nhất với bao ngổn ngang chồng chất khó khăn, thì ập đến chiến tranh biên giới Tây Nam, ông Sáu lại nhận nhiệm vụ làm chuyên gia cho tỉnh bạn Kampong Speu (Campuchia).

Vẫn phương châm nói vừa đủ mà thấm ý, đi sát thực tiễn, bám sát quần chúng; nói với hành động và dám chịu trách nhiệm, đã tạo nên một “ông Sáu Kỳ hành động”.

Chính thời gian làm nhiệm vụ quốc tế  Campuchia, ông Sáu Kỳ đã giúp bạn nhiều sáng kiến độc đáo trong cuộc đối đầu đặc biệt với chế độ diệt chủng Pol Pot. Trong công tác dân vận, binh vận, những sáng kiến của ông Sáu Kỳ đã gỡ khó trong những tình huống mọi người đều “bó tay”.

Cho đến ngày bộ đội Việt Nam về nước, đồng chí Bí thư tỉnh Kampong Speu ôm chầm Sáu Kỳ nghẹn ngào nói nhỏ: “Tôi mà có quyền là giữ ông ở lại đây luôn!” Câu nói đơn giản đó là một “tổng kết” đầy cảm xúc hơn cả việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng giao, mà ông đã để lại với bạn bè bên ấy với một tình cảm sâu sắc, chân thành.

Trải nghiệm phần lớn từ trong chiến tranh, bước vào công cuộc xây dựng đất nước trong hoàn cảnh đặc biệt, những vấn đề mới, thách thức mới đặt ra, ông Sáu Kỳ vẫn tác phong, vẫn phương châm: nắm chắc thực tế, hiểu rõ tâm tư nguyện vọng người dân để vạch ra chương trình hành động.

Với ông, khảo sát, nắm chắc thực tiễn và đặt ra vấn đề, khai mở và truy vấn đến cùng, để tìm ra chân lý và mọi giải pháp đều nằm trong thực tiễn cuộc sống.

Người anh hùng có trái tim nhân ái

Nguyên tắc đó đã tạo nên “ông Sáu 01” độc nhất vô nhị cả nước, cũng là niềm tự hào của người dân quê hương Vĩnh Long, đã góp phần quan trọng thực hiện những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp toàn dân xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư.

Có thể nói, đây là cơ sở, là lý luận nền tảng để hình thành công cuộc xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị ngày nay. Đóng góp này mang tầm vóc tư duy, tầm nhìn vượt trước của ông Sáu Kỳ; một điều nữa không kém phần quan trọng so với lý luận, chính là cách thức tổ chức, thực hiện cho mỗi giai đoạn phát triển mở rộng nội dung, nội hàm của Chỉ thị 01.

Ông Sáu Kỳ nhớ lại, kỷ niệm khó quên trên đường ra Hà Nội họp triển khai Thông tri 04 của Trung ương UBMTTQ Việt Nam, xe đoàn Vĩnh Long… bị hư tại Nha Trang nằm lại 2 ngày, khi ra tới nơi thì mọi chuyện đã xong.

Coi như “mù tịt” nên về triển khai sai thành “tổ tự quản” thay vì đơn vị cơ sở phải là ấp. Cho đến sơ kết 1 năm tại An Giang, mới vỡ lẽ và… làm lại từ đầu.

Ông Sáu kể lại: “Về cơ quan, giao việc hết cho cấp phó, tôi ôm đống tài liệu “đóng cửa” nghiên cứu. Tôi phát hiện vấn đề là toàn dân, toàn diện, bao trùm, nhưng chỉ có 5 nội dung mà chỉ riêng Mặt trận thì chỉ có vận động tuyên truyền là không thể làm nổi. Thế nên Vĩnh Long đã bổ sung nội dung “chính trị”, chuyển thành chỉ thị của Tỉnh ủy, mới có sức nặng”.

Chỉ thị 01 đã ra đời như vậy đó, Vĩnh Long từ “đi sau, làm sai” đã góp với Trung ương hình thành một chủ trương lớn với 2 nội dung quan trọng: Ban Tổ chức Tỉnh ủy chuẩn bị cán bộ, mỗi tỉnh ủy viên hoặc lãnh đạo đầu ngành nhận chỉ đạo xã; hàng năm Tỉnh ủy phải có dự trù kinh phí. Kế đó, Chỉ thị 01 được xem là “chiếc gậy” để Mặt trận tổ chức thực hiện.

Từ cơ sở ấp, Vĩnh Long xây dựng tiếp nội dung, tiêu chí cho tổ tự quản, đến hộ gia đình. Không dừng lại ở đời sống văn hóa khu dân cư, lại tiếp tục mở rộng phạm vi, nội hàm ra văn minh công cộng: cơ quan, trường học, bến xe, nơi thờ tự,…

Như vậy, Chỉ thị 01 đã không để ai đứng ngoài cuộc, từ lãnh đạo cao nhất tỉnh cho đến anh xe ôm, chị tiểu thương, giới tu hành…

Mà theo cách nói của ông Sáu Kỳ, là chúng ta đã tiến hành theo chiến thuật “leo thang” và cứ hết nấc này đến nấc khác, công cuộc xây dựng thay đổi bộ mặt nông thôn, đô thị sẽ không có “nấc thang cuối cùng”.

89 tuổi, ông Sáu Kỳ vẫn nặng lòng với sự phát triển đổi mới của quê hương. Ông vẫn chưa thôi đau đáu về những phận đời còn bất hạnh, khó khăn.
89 tuổi, ông Sáu Kỳ vẫn nặng lòng với sự phát triển đổi mới của quê hương. Ông vẫn chưa thôi đau đáu về những phận đời còn bất hạnh, khó khăn.

Hình như câu nói này cũng “đúng như cuộc đời ông Sáu”, khi mà Chỉ thị 01 đang bước vào giai đoạn “chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu”, thì tuổi hưu réo gọi.

Vậy là bắt đầu cuộc dấn thân mới, mà lạ lùng khi tuổi càng cao thì sự cống hiến của ông Sáu càng tăng thêm nhiệt huyết, càng lan tỏa rộng và sâu hơn ở nhiều lĩnh vực. Để rồi từ “ông Sáu 01”, Vĩnh Long có thêm “ông bụt” của hàng ngàn gia đình, cá nhân nghèo, khuyết tật, trẻ em bị tim bẩm sinh…

Bước qua “Hội 4 không” (không hội Trung ương, không lương, không chức, không trụ sở làm việc), ông Sáu Kỳ tiếp tục trở thành hiện tượng đặc biệt của cả nước.

Những con số hàng chục, hàng trăm tỷ vận động hỗ trợ hàng ngàn căn nhà, hàng ngàn ca mổ tim ở Vĩnh Long đã san sẻ bớt cho các tỉnh bạn… chỉ mới nói lên “phần nổi” phẩm chất của một Anh hùng lao động.

Có chứng kiến những bước chân ông lặn lội khắp xã, ấp trên quê hương này, mới hiểu được một tấm lòng nhân ái, yêu thương cao cả.

Vĩnh Long có bao nhiêu xã, bao nhiêu ấp, thì đều có in dấu chân của “ông Sáu 01” và “ông bụt” Sáu Kỳ. Ông đi theo đoàn, lúc ngồi xe ôm vào tận vùng quê nghèo hẻo lánh, lúc phăm phăm lội bộ hàng mấy cây số đến những căn nhà gieo neo giữa đồng sâu.

Ông Sáu Kỳ cũng chẳng nề hà dù mái tóc đã bạc phơ. Không chỉ trao tặng số tiền mà ông còn muốn hiểu tường tận từng hoàn cảnh, từng tâm tư, từng cảnh đời, để mỗi quyết định, giải pháp đưa ra vừa phù hợp với hoàn cảnh thực tế, vừa gửi gắm sự động viên, trao cho nhau hơi ấm chân thành từ trái tim đến trái tim.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh